Những toan tính "ươm mầm" cho khủng bố IS

ANTĐ - Sự can thiệp quân sự từ bên ngoài cùng sự hỗn loạn tại khu vực Trung Đông đã “ươm mầm” cho tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nảy nở sinh sôi và đang gây họa lớn cho cả thế giới.
Những toan tính "ươm mầm" cho khủng bố IS ảnh 1

Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov khẳng định một số cường quốc đã hỗ trợ khủng bố

Hãng thông tấn Sputnik (Nga) dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov khẳng định rằng, một vài cường quốc thế giới cùng với sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đặt toàn thế giới bên bờ vực cuộc xung đột tôn giáo và văn minh toàn cầu. Tuyên bố này được người đứng đầu cơ quan an ninh Nga đưa ra tại lễ khai mạc kỳ họp lần thứ 39 Hội đồng Thủ trưởng cơ quan an ninh và đặc nhiệm của các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Từ “Mùa xuân Arập”, các chính phủ ở một loạt quốc gia Arập suy yếu, trong khi lực lượng chống đối lớn mạnh dần tạo điều kiện cho IS ra đời và trỗi dậy. Nguyên nhân chính của tình trạng này là chính sách “tiêu chuẩn kép” của những cường quốc thế giới và khu vực nhằm thực hiện toan tính lợi dụng phương cách như vậy để giải quyết những lợi ích riêng của họ. Song theo nhận định của ông Bortnikov, kết cục là những quốc gia này đã đặt thế giới bên bờ vực cuộc xung đột giữa các tôn giáo và nền văn minh dẫn đến những hậu quả, tổn thất nặng nề.

Những toan tính "ươm mầm" cho khủng bố IS ảnh 2

Máy bay chiến đấu của Nga tiến hành không kích vào lực lượng IS ở Syria

Giám đốc FSB đưa ra những cáo buộc nặng nề như trên trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiêu diệt tổ chức khủng bố đã quá lớn mạnh này. IS chắc chắn không thể trở nên “bất trị” như hiện tại nếu tổ chức Hồi giáo cực đoan này không được “tạo điều kiện thuận lợi” từ những quyết định và chính sách nhằm thực hiện lợi ích cục bộ và thiển cận của một số quốc gia.

Giới phân tích quốc tế từng vạch ra rất rõ rằng, “hạt giống khủng bố” IS được “ươm mầm” ngay từ cuộc chiến tranh năm 2003 lật đổ chế độ Saddam   Hussein tại Iraq cùng sự thống trị của sắc tộc Hồi giáo dòng Sunni tại Iraq. Do bị mất quyền lợi về chính trị và kinh tế, cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni đã tổ chức các cuộc chống đối, bạo loạn nhằm vào quân chiếm đóng Mỹ, cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite cùng cộng đồng người Kurd. 

Đây là môi trường thuận lợi để chủ nghĩa khủng bố ở Iraq hình thành và phát triển với việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) ra đời tháng 10-2006. Không lâu sau đó, ISI đã hợp nhất 11 nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni và bành trướng nhanh chóng, kiểm soát 8/18 tỉnh của Iraq với sự ủng hộ của cộng đồng sắc tộc Sunni không chỉ ở nước này mà còn là sự ủng hộ về tiền bạc, vũ khí từ các quốc gia Hồi giáo giàu có khác ở Trung Đông.

Biến động chính trị - xã hội lớn ở Bắc Phi và Trung Đông mang tên “Mùa xuân Arập” thêm một lần nữa tạo điều kiện thuận lợi cho ISI phát triển, đặc biệt là chúng đã “hóa thân” thành lực lượng chống đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq cùng nhiều khu vực khai thác dầu mỏ và nguồn tiếp viện bí mật từ một số quốc gia Hồi giáo Trung Đông, ISI đã phát triển vượt mọi tầm kiểm soát, đặc biệt là sau khi tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) rồi IS vào tháng 6-2014.

Tổ chức khủng bố IS này không chỉ “tác yêu tác quái” tại Trung Đông mà còn đang vươn vòi bạch tuộc khủng bố man rợ tới Bắc Phi và Trung Á, cửa ngõ phía nam của nước Nga. Đây là một nhân tố khiến Nga trực tiếp tham gia không kích lực lượng IS và các tổ chức khủng bố khác tại Syria từ ngày 30-9 vừa qua theo yêu cầu của chính quyền nước này.