Những toan tính sâu xa

ANTĐ - Chưa chính thức quay trở lại Điện Kremli nhưng Thủ tướng Nga V. Putin sẽ phải đối mặt với thử thách đầy khó khăn là chuẩn bị đàm phán với Mỹ về vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Kho dự trữ bom hạt nhân của Mỹ ở căn cứ không quân Barksdale

Phát biểu tại trường Đại học Hankuk ở Thủ đô Seoul nhân dịp sang Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Mỹ B. Obama cho biết vào tháng 5 tới, ông sẽ đưa ra những bước đi nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật cũng như số đầu đạn hạt nhân dự trữ trong cuộc hội đàm với Tổng thống sắp nhậm chức của Nga V. Putin. Giải thích cho quyết định của mình, ông B. Obama tuyên bố: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi có nhiều vũ khí hạt nhân hơn số cần thiết”.

Con số thống kê mới nhất cho biết Mỹ hiện có 1.790 đầu đạn đã triển khai và phải giảm con số này xuống còn 1.550 cho tới năm 2018, theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Nhà Trắng dự định có thể cắt giảm tới 80% kho vũ khí này xuống còn từ 700 tới 800 đơn vị, thậm chí là chỉ còn từ 300 tới 400 đầu đạn. Hiện chưa có đề xuất chính thức nào được trình lên Tổng thống nhưng ý tưởng về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân thì đã được tính tới.

Quả thực, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện thừa thãi đến mức phi lý, và dù có giảm đến mức tối đa thì kho vũ khí hạt nhân còn lại của Mỹ và Nga cũng quá đủ để hủy diệt Trái đất nhiều lần. Tuy nhiên, sự sốt sắng trong việc cắt giảm mạnh vũ khí hạt nhân của ông B. Obama không hoàn toàn là thiện chí, mà là dự định đầy toan tính của Nhà Trắng trong việc giành ưu thế tuyệt đối với Nga.

Trước hết về mặt số học, theo văn bản Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới ký với Nga, hai nước chỉ được duy trì tối đa 700 phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như các máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Hiện Nga chỉ có 566 phương tiện mang vũ khí hạt nhân các loại, thấp hơn mức trần là 700 đơn vị theo quy định của Hiệp ước START mới. Trong khi đó Mỹ hiện sở hữu 798 phương tiện các loại, đồng nghĩa với việc họ chỉ phải cắt giảm khoảng 12%, một con số không đáng kể. Nếu có cắt giảm tiếp thì Mỹ cũng chẳng bị yếu thế gì.

Nhưng quan trọng hơn là thay vì gia tăng kho vũ khí hạt nhân, Mỹ chuyển hướng sang phát triển Hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu với lý do ngăn chặn mối đe dọa từ các nước đang có ý đồ phát triển tên lửa hạt nhân như Iran, Triều Tiên. Thực chất, với những tên lửa đánh chặn và các trạm radar phát hiện sớm đặt tại các nước Đông Âu ngay sát Nga, Washington hoàn toàn có thể kiểm soát và vô hiệu hóa các cuộc phóng tên lửa của Nga. Nếu “lá chắn” đó trở thành hiện thực, kho vũ khí hạt nhân của Nga sẽ trở thành đống sắt vô dụng.

Chính vì thế bất chấp sự phản ứng quyết liệt của Nga, Mỹ vẫn quyết theo đuổi chương trình phát triển Hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu. Để tránh sự chỉ trích của dư luận, Mỹ nêu “sáng kiến” sẵn sàng hợp tác chia sẻ thông tin với Nga trong các vấn đề về phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, song không sẵn sàng đưa ra những bảo đảm có tính ràng buộc pháp lý đối với an ninh quốc gia của LB Nga. 

Làm gì để vừa vạch rõ được toan tính ngầm của Mỹ xung quanh vấn đề cắt giảm kho vũ khí hạt nhân gắn với phát triển “lá chắn” tên lửa châu Âu, vừa bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia là điều mà Tổng thống tương lai của nước Nga V. Putin phải tính tới ngay từ bây giờ.