Những “tổ ấm” trong tù

ANTĐ - Mỗi ngày, Rosy và các con lại làm thủ tục ra khỏi cổng, bọn trẻ đi học, Rosy thì vào một khu chợ gần đó mua nguyên liệu về nơi cả gia đình cô ở tạm để chế biến thức ăn rồi bán. Cuộc sống cứ tiếp diễn, những người chưa biết không thể ngờ bên trong cánh cổng rất gần với những trung tâm thương mại hiện đại và sầm uất nhất La Paz, Bolivia là San Pedro - nhà tù khét tiếng nhất thành phố.

Dừng trước một chiếc cổng màu đen có gắn biển hiệu trại giam San Pedro, qua một hành lang hẹp có kiểm tra an ninh và đóng dấu giấy phép được thăm, khách bước qua cổng, chính thức bước vào trại giam – một thế giới khác hẳn với hình dung của mọi người.

Xô bồ và hỗn độn, nhà tù San Pedro có đủ loại tù nhân. Một số mặc quần áo rách rưới, mời khách mua móc khóa và thìa gỗ do chính họ làm, trong khi cũng có thấp thoáng những người mặc áo sơ mi chỉnh tề, đồng hồ sáng bóng. Những người đàn ông thuộc mọi lứa tuổi, bị giam giữ vì tội móc túi đến hiếp dâm, giết người. Trong nhà tù không một bóng cảnh sát, họ chỉ thỉnh thoảng xuất hiện khi có việc đột xuất.

Bọn trẻ quen dần khi sống cùng bố mẹ ở San Pedro - nhà tù cổ nhất thành phố Lapaz, Bolivia
Ảnh: wikimedia

Vào tù cho “lành”

Etson đang chờ tuyên án vì buôn bán ma túy. Chưa nhiều tuổi nhưng anh có tới 4 đứa con, 3 trong số họ sống với anh ở nhà tù San Pedro. “Tôi không còn ai để giúp, cũng không có ai chăm sóc chúng bằng chính cha mẹ ruột. Tôi không tin tưởng người khác, bởi ở bên ngoài rất nhiều điều có thể xảy ra”.

Một trường hợp khác là Rosy, giống như khá nhiều phụ nữ ở San Pedro, cô không đủ khả năng tài chính để nuôi 2 cô con gái trong khi chồng phải vào tù vài năm vì tội hành hung người khác. Ở nhà nội trợ, lại không tìm được công việc thích hợp thu nhập tối thiểu 150 euro để có thể trang trải việc thuê nhà, nhu yếu phẩm, học hành cho con cái, Rosy quyết định chuyển đến nhà tù. “Tôi có tiền tiết kiệm, khi chồng đi làm cũng đưa tôi tiền, nhưng khi chồng phải vào tù, tôi không thể cáng đáng nổi”, Rosy tâm sự. “Tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm mua lương thực thực phẩm. Nhưng rồi, tôi vẫn phải vào tù cùng chồng để có chồng hỗ trợ và để các con được ở với cha”.

Ở một góc độ nào đó, San Pedro giống như một chung cư hơn là nhà tù. Các phòng giam không phải lúc nào cũng khóa kín, các tù nhân có thể rời phòng bất cứ lúc nào và mang theo chìa khóa. Một số khu vực, ví dụ như Los Alamos được coi là an toàn hơn và cao cấp hơn, vì vậy giá phòng đắt hơn. Nếu ai đó không đủ tiền mua hoặc thuê một phòng, anh ta có thể thuê chung phòng kiểu ký túc xá.

Trong số 8 khu được phân chia tại đây, mỗi khu có quy tắc riêng. Đáng nói “luật” này không phải do cảnh sát thực thi bởi họ chỉ kiểm soát việc ra vào ngoài cổng mà do chính những người đầu lĩnh được các tù nhân bầu chọn. Quá nhiều vi phạm chẳng hạn như đánh nhau, cư dân khu vực đó có thể bị đuổi, phải cam chịu ngủ ở hành lang hay khu vực “không người” – không có sự bảo đảm an ninh, hoặc cuối cùng là chuyển đến một nhà tù có chế độ an ninh nghiêm ngặt nhất.

Thực tế khắc nghiệt

Theo con số chính thức, Bolivia hiện giờ có khoảng 1.500 trẻ em sống với cha mẹ trong tù, mặc dù con số này thực tế có thể cao hơn nhiều. Nuôi một đứa trẻ trong môi trường xung quanh đầy rẫy tội phạm bạo lực thoạt nghe đã thấy khủng khiếp nhưng Rosy cho biết, nhà tù không đến nỗi hỗn loạn, nguy hiểm như cô sợ. “3 năm trước, khi mới đến, tôi cứ nghĩ rằng ở đây bất cứ điều gì có thể xảy ra, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Con gái đầu của tôi khi đó 5 tuổi, giờ bọn trẻ lớn lên ở đây. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào cha mẹ, chúng tôi cần bảo vệ và chăm sóc chúng. Bên ngoài thì cũng giống như vậy thôi”.

Nhưng sống trong tù không phải lúc nào cũng an toàn và vui vẻ. Năm ngoái, một cô gái ở San Pedro tiết lộ cô đã bị một số người hãm hiếp. Một vài tháng sau, một đứa trẻ đã chết trên tay cha mình trong nhà tù Palmasola Santa Cruz khi xảy ra một trận ẩu đả quyết liệt. 

Luật của Bolivia quy định, đến 6 tuổi, những đứa trẻ nói trên phải ra khỏi nhà tù hết nhưng theo ông Rene Estenssoro, một nhà hoạt động vì quyền lợi tù nhân và gia đình họ, đó là thực tế khắc nghiệt. Mỗi trường hợp cần được xem xét riêng, bởi sau đó bọn trẻ sẽ đi đâu, với ai khi phải tách khỏi sự bao bọc, yêu thương của chính cha mẹ chúng. “Phải sống cùng bố mẹ trong tù là điều cực kỳ bất công đối với trẻ em. Đã xảy ra một số vụ bạo hành, hiếp dâm trẻ em trong các nhà tù nhưng cũng không thể cho rằng tù nhân là những ông bố, bà mẹ tồi”, ông Estensorro nói.

(Tên của các nhân vật đã được thay đổi)