Những tín hiệu tốt

ANTĐ - Những con số tổng kết kinh tế năm 2015 đã cho thấy một bức tranh nhiều gam màu tươi sáng. Với đà đó, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế cũng đạt những kết quả bước đầu, cơ hội từ những hiệp định tự do thương mại đã và sẽ được ký kết… chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng một triển vọng kinh tế sáng sủa vào năm 2016. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chủ động để đối diện với những khó khăn tất yếu mang lại do sự hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế lớn trên thế giới. 

Những tín hiệu tốt ảnh 1

Đà lực tốt của năm cũ

Knh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng ổn định, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, trong khi đó tăng trưởng lại được duy trì ở mức độ cao, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực... Đó là những nhận định có thể đưa ra từ những con số thống kê kinh tế Việt Nam năm 2015. Theo Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng.

GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014. Hầu hết các ngành chủ chốt như công nghiệp, xây dựng, thương mại, ngân hàng... đều tăng trưởng cao. Đặc biệt, công nghiệp tăng 9,39%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6,32% năm 2014. Riêng công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 10,6% (năm 2014 tăng 7,41%). Trong đó, đáng lưu ý, ô tô tăng 54,5%; ti vi tăng 51,2%; điện thoại di động tăng 31,6%....

Lạm phát năm 2015 ở mức 0,6%, thấp nhất kể từ năm 2001, lạm phát cơ bản bình quân năm 2015 tăng 2,05% so với năm 2014. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì lạm phát thấp trong năm 2015 không phản ánh tổng cầu yếu mà chủ yếu do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Giá thế giới giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,63%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng các năm trước.

Trong khi đó, xét về tổng cầu của nền kinh tế, chỉ số tiêu dùng tăng 9,12% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây; trong đó tiêu dùng của nhà nước tăng 6,96%, tiêu dùng của hộ dân cư tăng 9,33%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng khoảng 10,6-10,8%, cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ số niềm tin tiêu dùng - CCI tháng 12 của Việt Nam do ANZ công bố ở mức 144,8 điểm tăng 9,2 điểm so với cùng kỳ năm 2014 và ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2014.

Trong năm 2015, hoạt động của các doanh nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao. Năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 26,6% và số vốn tăng tới trên 39%; số doanh nghiệp phục hồi trở lại cũng tăng rất cao. Ngoài ra, do kinh tế hồi phục thì đây cũng là hệ quả của những chính sách tốt như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.

Nhờ đó, năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp xếp hạng về năng lực cạnh tranh và điều kiện kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. Xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng từ 75 (năm 2013) lên 70 (năm 2014) và 68 (năm 2015); xếp hạng điều kiện kinh doanh tăng từ 99 (năm 2013) lên 93 (năm 2014) và 90 (năm 2015).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Trong đó nổi lên là chất lượng tăng trưởng bền vững chưa cao vì vẫn phải dựa vào vốn, phụ thuộc vào tăng trưởng từ nguồn lao động giá rẻ, tăng trưởng nhờ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa đi vào chiều sâu, nhất là vấn đề về tăng năng suất lao động…

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì nếu nhìn về mức độ ổn định, con số tăng trưởng, con số lạm phát thì có thể hài lòng. Nhưng ở từng ngành, từng thành phần kinh tế vẫn còn những mảng “màu đen”, “màu xám” chưa thể lạc quan. Chẳng hạn như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn có thể tăng nhưng việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp bạn đối với doanh nghiệp nội còn hạn chế. Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn chưa gần nhau, khiến cho câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó…


Triển vọng kinh tế sáng sủa

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, năm 2016 sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trước hết, tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, cơ hội từ việc ký kết TPP sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đầu tư tư nhân cũng sẽ cải thiện nhờ những chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua sẽ tiếp tục củng cố niềm tin kinh doanh.

Việc triển khai thực hiện các luật mới liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm tới giúp cải thiện năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Hơn nữa, TPP cũng tạo ra sức ép buộc Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính minh bạch trong quản lý của Nhà nước, từ đó nâng cao năng suất của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Năm 2016, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tăng trưởng cao hơn. Trong khi đó, các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản. Lạm phát năm 2016 về cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) được dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016 do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định…

Phải vượt qua thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thách thức lớn nhất là phải khai thác hiệu quả những cơ hội từ hội nhập khi đã tham gia Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do. Bởi theo Bộ trưởng, sự mở cửa nền kinh tế càng rộng thì lại càng phải đối mặt với nhiều cạnh tranh. Nền kinh tế không nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình, sản phẩm không cạnh tranh hơn, vẫn sản xuất manh mún, làm ăn như cũ thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà, chưa nói tới sân khách.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi ngành phải tìm ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ được những khó khăn, đẩy mạnh sự phát triển và nâng cao tính cạnh tranh. Cần xác định ngành mình trong nước phải đối mặt với những gì, ngoài nước các đối thủ cạnh tranh ra sao và đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả, không thể nói chung chung.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định chúng ta phải đối mặt với không ít thách thức cả trong và ngoài nước. Dù nền kinh tế trong nước có tiền đề tốt nhưng đối diện với nhiều thay đổi trên thế giới cũng sẽ bị tác động nhất định. Chẳng hạn đồng Nhân dân tệ được đưa vào rổ tiền tệ thanh toán quốc tế, biến động giá dầu xuống thấp, giá vàng xuống thấp, xung đột quân sự nghiêm trọng, chiến dịch chống khủng bố của Tây phương… Ngoài ra hiện tại nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều khó khăn vẫn tồn tại như lãi suất cao, nợ công cao, lãi suất ngân hàng sẽ khó giảm. Giá dầu thế giới sẽ tiếp tục giảm khiến ngân sách đã khó lại thêm khó khăn, thất thu ngân sách trong thời điểm chi ngân sách chưa tiết kiệm.

Cũng theo các chuyên gia, hội nhập giúp chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng đi kèm với những rào cản. Chẳng hạn mặt hàng nông thủy sản giảm về giá, rào cản kỹ thuật ngày càng cao. Trong khi đó, trong cơ cấu xuất khẩu thì tới 70% là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đa phần trong số này nhập linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài mà không phải từ nguồn cung của doanh nghiệp nội địa nên giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng thấp.

Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới tuy tăng, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển khá mạnh, khá đông đảo nhưng để hội nhập còn yếu vì tới 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa, và chỉ 2% là doanh nghiệp lớn. Làm sao để khu vực doanh nghiệp trong nước lớn lên được, làm sao để chúng ta có nhiều doanh nghiệp có thể tham gia liên kết chuỗi giá trị toàn cầu chính là thách thức lớn nhất trong bối cảnh hội nhập.