Những tín hiệu tích cực trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp trong nhiều tháng qua, Vương quốc Anh ghi nhận nhiều thông tin tiêu cực về tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, các số liệu hiện tại cho thấy tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã dần lắng dịu tại xứ sở sương mù khi số ca tử vong do bệnh này không còn gia tăng đột biến.

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã dần lắng dịu tại Vương quốc Anh

Anh: Covid-19 đã tạm thời lắng dịu

Trong tuần tính đến ngày 19-6, lần đầu tiên kể từ tháng 3 vừa qua, số trường hợp tử vong ở Anh và xứ Wales đã giảm xuống dưới mức trung bình trong 5 năm qua. Số liệu thống kê của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho thấy số ca tử vong đã giảm 0,7% so với mức dự báo trong giai đoạn này. Số ca tử vong chênh lệch theo ghi nhận của ONS đã cho thấy bức tranh rộng hơn về đại dịch Covid-19 so với số liệu mà Bộ Y tế Anh công bố mỗi ngày - vốn chỉ bao gồm những trường hợp được xác nhận bị mắc Covid-19 (hiện là 43.730 người).

Dữ liệu của ONS bao gồm cả những người có thể đã bị mắc Covid-19 nhưng không được phát hiện hoặc đã tử vong do ảnh hưởng từ đại dịch này, chẳng hạn như hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện thông thường buộc phải đình chỉ để tập trung cho cuộc chiến chống Covid-19. Các số liệu của ONS cũng cho thấy bệnh Covid-19 được ghi trong giấy chứng tử của nhiều trường hợp tử vong, song lại không nhất thiết phải được khám nghiệm để xác nhận nguyên nhân này (gần 54.000 trường hợp tính tới ngày 19-6).

Trên mọi phương diện, nước Anh đã phải hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất tại châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson đang từng bước tiến hành nới lỏng các quy định hạn chế xã hội đã áp đặt vào cuối tháng 3 vừa qua, trong bối cảnh Anh đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Mặc dù vậy, ngày 29-6, Thủ tướng Boris Johnson đã phải ra quyết định đóng cửa các trường học và cửa hàng ở thành phố Leicester khi số ca mắc bệnh tại đây tăng đột biến.

Dịch bệnh Covid-19 đã tạm thời lắng dịu, nhưng virus SARS-CoV-2 thì vẫn còn hiển hiện. Trong tuần tính đến ngày 19-6, nước Anh vẫn ghi nhận 783 trường hợp tử vong liên quan Covid-19. Theo chuyên gia David Spiegelhalter, số trường hợp tử vong vượt mức trung bình giảm xuống được lý giải là do các ca tử vong không phải vì Covid-19 đã thấp hơn 8% so với mức trung bình trong 5 năm qua.

Thụy Điển: Thành lập Ủy ban đánh giá sự ứng phó đối với dịch Covid-19

Trong khi đó, Chính phủ Thụy Điển cho biết nước này đã thành lập một Ủy ban đặc biệt nhằm đánh giá sự ứng phó trong nước đối với dịch Covid-19. Thủ tướng Stefan Lofven cho biết: “Khả năng đoàn kết toàn bộ cộng đồng là một trong những thế mạnh lớn của Thụy Điển. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong xã hội của chúng ta”. Ủy ban trên sẽ được giao nhiệm vụ đánh giá các biện pháp của Chính phủ, chính quyền địa phương và các khu vực y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng từ sự lây lan của dịch bệnh này. Đứng đầu Ủy ban là Tổng thanh tra của Quốc hội Mats Melin. Theo yêu cầu của các đảng đối lập, Ủy ban trên sẽ phải đưa ra báo cáo sơ bộ vào đầu tháng 11 tới và một báo cáo tổng kết cuối cùng vào tháng 2-2022.

Không giống như hầu hết các quốc gia khác tại châu Âu, Thụy Điển đã không áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội để phòng dịch Covid-19. Nước này vẫn duy trì mở cửa các trường học, các quán cà phê, quán bar, nhà hàng và hầu hết các doanh nghiệp. Cơ quan Y tế Cộng đồng của Thụy Điển đã lập luận rằng hạn chế xẽ hội chỉ là giải pháp tạm thời, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp quyết liệt trong ngắn hạn không có hiệu quả cao trong việc chứng minh tác động đối với người dân.

Tuy nhiên, cách phòng chống dịch bệnh của Thụy Điển lại là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt, đặc biệt là khi số người tử vong ở nước này đã vượt xa so với các nước láng giềng Bắc Âu - đều là những nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội ngay từ khi mới bùng phát đại dịch. Tính đến hết ngày 30-6, Thụy Điển đã ghi nhận tổng cộng 68.451 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5.333 trường hợp tử vong. Đất nước 10,3 triệu dân đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây, tuy nhiên Cơ quan Y tế Cộng đồng của Thụy Điển cho rằng tình trạng này phần lớn có thể bắt nguồn từ sự gia tăng đáng kể số lượng xét nghiệm được thực hiện, do số ca tử vong và những người được điều trị chăm sóc đặc biệt vẫn ổn định.

Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại cửa khẩu biên giới Pháp - Tây Ban Nha

Ba Lan: Sẵn sàng nối lại đường bay 

Chính phủ Ba Lan đã công bố danh sách 8 quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) mà nước này đã sẵn sàng nối lại đường bay sau khi đã đình chỉ toàn bộ dịch vụ hàng không dân dụng kể từ giữa tháng 3 vừa qua để phòng dịch Covid-19. Theo thông báo, kể từ ngày 1-7, các hãng hàng không Ba Lan có thể nối lại các tuyến bay đi và đến với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ukraine, Anh, Montenegro, Gruzia, Canada và Albania. Các tuyến bay nội địa cũng đã được nối lại tại Ba Lan, trong khi kết nối hàng không với hầu hết các quốc gia EU và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) được khôi phục từ ngày 17-6 vừa qua, trừ các đường bay tới Anh, Thụy Điển và Bồ Đào Nha. Hãng hàng không quốc gia Ba Lan LOT thông báo hãng này sẽ nối lại các tuyến bay từ Thủ đô Warsaw tới 20 thành phố ở châu Âu từ ngày 1-7 và từ ngày 3-7 sẽ mở thêm 36 đường bay từ các sân bay của Ba Lan tới các địa điểm du lịch phổ biến.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Anh phải nắm bắt thời khắc ngay sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để giải quyết các vấn đề kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời vạch ra kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế, cam kết hỗ trợ 5 tỷ Bảng (6,15 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa đất nước thoát khỏi các tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong bài phát biểu tại một trường đại học ở thị trấn Dudley, miền Trung nước Anh, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định nước này cần gia tăng nỗ lực do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã sụt giảm mạnh do đại dịch.

Bên cạnh đó, Anh cũng cần tận dụng thời điểm này để lên kế hoạch ứng phó, giải quyết các vấn đề tồn đọng từ lâu trong đó có hệ thống chăm sóc xã hội. Thủ tướng Boris Johnson cam kết sẽ dành 1,5 tỷ Bảng để sửa chữa, xây dựng các bệnh viện, cũng như cải thiện năng lực xử lý tình trạng khẩn cấp; 100 triệu Bảng cho 29 dự án duy tu và phát triển các tuyến đường... 

Liên minh châu Âu (EU) thông báo mở cửa biên giới với 15 nước, trong đó riêng với Trung Quốc mở cửa nhưng kèm một số điều kiện. Tuy nhiên, thông báo này không áp dụng đối với Mỹ, quốc gia được coi là đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thứ hai.

EU quyết định kéo dài lệnh cấm đi lại đối với công dân Mỹ thêm ít nhất 2 tuần nữa, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại nước này. Trước đó, Chính phủ các nước EU đã nhất trí với danh sách “14 nước an toàn”, theo đó sẽ cho phép nối lại hoạt động đi lại bình thường kể từ tháng 7 và danh sách này không có Mỹ. Hội đồng châu Âu cho biết ngoài các nước như Algeria, Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, Montenegro, Maroc, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay.