Những tín hiệu khả quan từ “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, song đã có những tín hiệu tích cực khi dịch bệnh có dấu hiệu suy yếu ở nhiều quốc gia trong khi cả thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh việc sản xuất ra những loại “vũ khí” phòng chống như vaccine và thuốc đặc trị cũng như các cách thức chữa trị căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trở lại ở Việt Nam khi các ca mắc mới trong cộng đồng có chiều hướng giảm

Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trở lại ở Việt Nam khi các ca mắc mới trong cộng đồng có chiều hướng giảm

Dấu hiệu đại dịch Covid-19 dần suy yếu

Tính tới cuối ngày 26-8, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 24 triệu người nhiễm bệnh, trong đó hơn 823.000 người tử vong. Tính tới nay cũng đã có hơn 16,6 triệu trường hợp mắc Covid-19 đã phục hồi, khỏi bệnh. Trong số hơn 6,633 triệu người mắc Covid-19 hiện còn đang phải tiếp tục điều trị, có hơn 6,57 triệu người trong tình trạng trung bình, chỉ có gần 62.000 người trong tình trạng nguy kịch (chiếm tỷ lệ gần 1%).

Trong khi đó, dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đại dịch Covid-19 có dấu hiệu suy yếu ở nhiều quốc gia, số ca dương tính và tử vong cùng giảm so với trước. Tính ra, trong 7 ngày từ 17-8 đến 23-8, số ca nhiễm Covid-19 mới toàn cầu giảm 5%, số ca tử vong giảm 12% so với một tuần trước đó. Báo cáo ngày 26-8 của WHO cho biết, châu Mỹ - nơi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch - đã có sự chững lại rõ rệt nhất. Ngoại trừ Đông Nam Á và Địa Trung Hải, dịch bệnh Covid-19 gần như suy yếu tại tất cả khu vực còn lại trên thế giới.

Tín hiệu khả quan về việc đại dịch Covid-19 bắt đầu dần suy yếu đến từ châu Mỹ, khu vực bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất thế giới với số trường hợp nhiễm mới chiếm một nửa trên thế giới và số ca tử vong mới cũng bằng 62% toàn cầu, khi số liệu công bố tuần nay cho thấy cả lượng bệnh nhân nhập viện và tử vong mới đều giảm đáng kể, nhất là 2 tâm dịch lớn bậc nhất hiện nay tại Brazil và Mỹ. Tình hình dịch bệnh ở châu Âu cũng có các tiến triển tích cực với số ca mắc Covid-19 mới giảm 12% so với một tuần trước.

WHO cho biết, dịch bệnh Covid-19 tại châu Phi có thể đã qua giai đoạn đỉnh điểm sau khi ghi nhận số ca mắc mới liên tục giảm trong nhiều ngày gần đây. WHO cũng cho biết, đợt bùng phát tại châu Phi, châu lục có gần 1,2 triệu ca nhiễm và khoảng 28 nghìn trường hợp tử vong, có thể đã qua ngưỡng nghiêm trọng nhất dù vẫn cảnh báo các nước trong châu lục không được chủ quan trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai có thể ập đến bất cứ lúc nào. Lên tiếng tại Hội nghị Các bộ trưởng Y tế châu Phi ngày 25-8, bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực, cho biết: “Chúng tôi dường như đã chứng kiến đỉnh dịch, giờ thì số ca nhiễm theo ngày đang giảm xuống”.

Duy chỉ có tình hình dịch Covid-19 tại châu Á và khu vực Đông Nam Á vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Số ca dương tính mới với virus SARS CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 hiện chiếm 19% tổng số ca nhiễm mới toàn cầu, trong đó Philippines và Indonesia là hai vùng dịch lớn nhất khu vực. Các chuyên gia y tế cũng lo ngại về tình hình ở Hàn Quốc khi nước này từ ngày 23-8 đã phải tái áp đặt lệnh giãn cách xã hội nhằm kiềm chế dịch Covid-19 lây lan toàn quốc do đối đầu với một đợt bùng phát dịch mới.

Việt Nam sau khi phát hiện các ca bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng từ ngày 25-7 cũng đã ngăn chặn, khống chế tốt các ổ dịch. Mới nhất, ngày 26-8, nước ta ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 mới, nhưng đều là những trường hợp nhập cảnh, được cách ly ngay, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Ngày 26-8 cũng là ngày đầu tiên trong một tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, trong khi các trường hợp mắc bệnh cũng đang có chiều hướng giảm rõ rệt những ngày gần đây.

Tín hiệu lạc quan giúp khởi sắc kinh tế

Những tín hiệu tích cực của nỗ lực chung trên toàn thế giới nhằm sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 đến từ việc sớm có vaccine cũng như thuốc đặc trị căn bệnh truyền nhiễm đã khiến hơn 800 nghìn người thiệt mạng này. WHO thông báo một thông tin tích cực khi vào ngày 24-8 vừa qua, 172 quốc gia tham gia dự án COVAX nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng với vaccine phòng ngừa Covid-19 sau khi chúng được phát triển và đưa vào sử dụng.

Là dự án do WHO, Liên minh Vaccine GAVI và Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) đứng đầu, COVAX hiện có 9 ứng viên vaccine phòng ngừa Covid-19 và đặt mục tiêu bảo đảm nguồn cung, cũng như phân phối khoảng 2 tỷ liều vaccine cho các nước đăng ký tham gia. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, kế hoạch này đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19, không những tăng cơ hội mua vaccine cho các quốc gia đang phát triển mà còn bảo đảm giá vaccine được duy trì ở mức thấp nhất có thể.

Tại châu Âu, Ban châu Âu (EC) đang không ngừng nỗ lực nhằm cụ thể hóa chiến lược đảm bảo nguồn cung vaccine chống Covid-19 cho công dân châu Âu. EC hiện đã thương lượng sơ bộ với các hãng dược phẩm Sanofi-GSK, Johnson&Johnson et Curevac và Moderna, trong đó đặc biệt đã đạt được một thỏa thuận cung cấp vaccine với hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca.

Theo EC, hiện nay trên thế giới có hơn 165 loại vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển và 32 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Theo thống kê mới nhất của giới khoa học châu Âu, hiện có 7 loại vaccine đang được thử nghiệm ở giai đoạn III, tức giai đoạn cuối trước khi được thương mại hóa. Theo các chuyên gia y tế châu Âu, miễn dịch cộng đồng là điều xa vời, chính vì vậy, điều chế vaccine chống Covid-19 chính là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết, trong tuần này, Nga bắt đầu thử nghiệm trên diện rộng vaccine ngừa Covid-19 do Viện Gameleya tại thủ đô Mátxcơva phát triển. Nga dự kiến sản xuất từ 1,5-2 triệu liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiềm năng mỗi tháng vào cuối năm nay, sau đó tăng dần lên 6 triệu liều mỗi tháng.

Là một trong những công ty đi đầu và được kỳ vọng trong việc sớm có vaccine an toàn, hiệu quả để giúp con người thoát khỏi đại dịch Covid-19, Tập đoàn Johnson & Johnson sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Covid-19 trên 60.000 người, số lượng lớn nhất thế giới, từ tháng 9 tới. Cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhất thế giới này sẽ giúp có thể chính thức bào chế vaccine phòng ngừa Covid-19 sớm nhất có thể.

Một tín hiệu tích cực khác cũng đến từ nước Mỹ khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo đã cấp phép khẩn cấp cho các bác sĩ sử dụng huyết tương từ bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi như một phương pháp điều đại dịch khiến hơn 176.000 người Mỹ thiệt mạng. Dù có những đánh giá, ý kiến khác nhau nhưng đây vẫn được xem là một cách thức giúp điều trị hiệu quả hơn cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Những thông tin lạc quan về sớm khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã khiến chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Việc thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc hơn so với giai đoạn cuối tháng 7 là chỉ dấu cho thấy niềm tin đang dần trở lại với giới đầu tư và kinh doanh, điều giúp sớm khôi phục kinh tế thế giới một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.