Những tiếng còi xe vô duyên

ANTĐ - Xưa nay, thái độ của người đi dự đám ma là đề tài người ta nói đến rất nhiều. Những đám ma bây giờ dù có “hiện đại” và giản lược đi nhiều công đoạn so với ngày xưa, thì thái độ văn minh và cách hành xử khi tham dự một đám ma vẫn phần nào tạo nên cốt cách người Hà Nội. Nhưng đấy không phải là tất cả, bởi việc bạn cư xử thế nào khi bắt gặp một đám ma trên đường mới quan trọng. 

Mới hôm nọ, tôi có việc đi qua Phùng Hưng. Hẹn người ta đã muộn mất 10 phút nên cố phóng cho nhanh. Đến đoạn Nhà tang lễ, nhìn thấy chiếc xe tang từ xa, cùng đoàn người lặng lẽ bước theo sau, tôi dừng xe, tắt máy và dắt bộ đi sau họ. Nghĩ bụng“chắc muộn thêm 2-3 phút cũng chẳng vấn đề gì đâu”. Đi cạnh tôi cũng có 2 người nước ngoài, một nam một nữ. Không biết họ đến từ đâu vì tôi không tiện  hỏi, nhưng nhìn có vẻ giống Tây Âu. Họ cũng dắt xe máy lặng lẽ đi sau đám tang của một người mà họ không quen biết. Hành động của họ khiến những người xung quanh thực sự xúc động.

Đang định bắt chuyện, thì ở đằng sau, liên tục vang lên những tiếng còi chói tai. Một cô gái trong bộ đầm đỏ, trên một chiếc xe gắn máy đắt tiền cứ thế ra sức bấm còi để cố len lên khỏi đám đông. Cả đoạn phố đang chìm trong không khí trầm buồn và thành kính, bỗng nhiên bị xé toang bởi tiếng còi vô ý. Đôi bạn trẻ người nước ngoài đi cạnh tôi tròn mắt ngạc nhiên. Tôi thấy ngượng thay cho cô gái liền ra hiệu đừng bấm còi nữa. Cô gái không bấm còi nữa, nhưng liền rồ ga và lách lên, vọt đi mà không quên lẩm bẩm vài câu thiếu văn hóa. 

Tôi không biết nói gì trong tình huống ấy, và cũng rút lại luôn ý định bắt chuyện làm quen với đôi bạn nước ngoài. Tôi chỉ lắc đầu và thấy tiếc vì không hiểu tại sao, đến những du khách ngoại quốc còn biết hành xử văn minh trong một đám tang của người Việt, thì rành rành là người sống giữa Thủ đô lại hành động thiếu văn hóa đến thế.

Sự cảm thông và thành kính không nên chỉ được thể hiện với bạn bè, người thân không may qua đời, mà còn nên thể hiện với bất cứ những người nào đã khuất.