Những tiến bộ trong quyền hành pháp và tư pháp

ANTĐ - Một trong những điểm mới quan trọng và tiến bộ rõ rệt của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa được công bố là vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Có thể nói, nội hàm về Nhà nước pháp quyền đã được thể hiện cụ thể và xuyên suốt trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới đã xác định rõ các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp nên phân định khá đầy đủ, đúng đắn, minh bạch về thẩm quyền của mỗi cơ quan. 

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều biểu hiện cụ thể của việc giám sát quyền lực đã được thể hiện cụ thể hơn như Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng để luật có hiệu lực thì phải được Chủ tịch nước đồng ý và công bố. Chủ tịch nước có quyền dừng ban hành luật. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định việc làm luật nhưng Chính phủ cũng có quyền đề nghị dừng xây dựng luật hoặc sửa đổi những nội dung mà Quốc hội đã quyết vì có thể sẽ khó thực thi trong thực tế. Chính phủ cũng có quyền giám sát hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực giữa 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngoài cơ chế bảo hiến, cần có thêm thiết chế để kiểm soát Quốc hội. Nên chăng có thể trao thêm quyền cho Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Quốc hội xem lại các luật trước khi ban bố. 

Các nguyên tắc được xây dựng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này cũng cho thấy Hiến pháp của nước ta vừa thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc các giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa bảo đảm tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị đặc thù về chính trị-pháp lý của Hiến pháp trong xu thế hội nhập. Sự điều chỉnh này thể hiện rõ 3 nội dung trọng tâm phù hợp với chức năng của Hiến pháp là quy định về chế độ chính trị, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân và tổ chức quyền lực nhà nước.