Campuchia du ký:

Những thợ ảnh lạ lùng ở khu đền Angkor (P3)

ANTĐ - Cánh thợ chụp ảnh ở khu đền Angkor có cách đón khách rất lạ lùng: Lẽo đẽo phóng xe máy theo ôtô du lịch cả trăm km, trước khi vào đền.

Trước khi tác nghiệp như thế này, anh thợ ảnh phải chạy xe máy, đón khách cả trăm km

 

Con đường nhỏ ngoằn nghèo từ trung tâm thành phố Siem Reap dẫn đến cổng phía Nam của đền Angkor Thom phủ đầy bụi đỏ, chiếc xe 45 chỗ ngồi chở khách du lịch thi thoảng lại dằn xóc khi lăn bánh qua những chiếc ổ gà. Chey Meng, một “thợ chụp ảnh vườn” lọc cọc phóng chiếc xe máy bám sát ngay sau. Anh đã đi theo theo ô tô suốt từ sáng sớm, nhẫn nại trải qua quãng đường dài hơn trăm km, trước khi cùng du khách có mặt ở khu đền.

Đây là luật bất thành văn của  cánh thợ chụp ảnh ở khu đền Angkor (bao gồm cả Angkor Wat- đền Đế Thiên và Angkor Thom- đền Đế Thích): Trước khi chụp ảnh cho khách tại đền thì thợ phải tự đi “đón khách” từ rất xa. Cứ 1 thợ chụp ảnh sẽ bám theo 1 xe ôtô, khi tới nơi (khu đền) thì đương nhiên được quyền chụp ảnh cho toàn bộ nhóm khách trên xe ô tô đó, mà thợ chụp ảnh khác không được tranh giành.

Tiếp thị khung hình với khách. Những thợ chụp ảnh tại khu
đền Angkor thường nói được tiếng Anh và một chút tiếng Việt.

Chính vì thế, dù tại khu đền di sản văn hóa nổi tiếng này của Campuchia có rất đông thợ chụp ảnh nhưng không hề có chuyện tranh giành khách, gây ồn ào, mất an ninh trật tự. Ban đầu, cánh thợ chụp ảnh chỉ đón khách cách đền chừng 10-15km, nhưng do tính cạnh tranh, càng về sau khoảng cách này càng được nâng lên, đến nay họ có mặt cách đền đến cả trăm km.

Dù vất vả như thế, song Chey Meng cũng như những đồng nghiệp khác của mình không bao giờ ép du khách phải chụp ảnh. Bập bẹ bằng tiếng Việt Nam, anh nói: “Cứ chụp, đẹp thì lấy, không đẹp thì không lấy, không sao”. Trong thời buổi công nghệ số tràn ngập như hiện nay, hầu như bất cứ ai đến Angkor Wat đều có máy ảnh bên người, nên công việc của Chey Meng mỗi ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Những thợ ảnh lạ lùng ở khu đền Angkor (P3) ảnh 3
Lợi thế thông thuộc khu đền, giúp họ có được những tấm ảnh đẹp mắt...

 

...hơn so với du khách (trái); phút nghỉ ngơi của một thợ chụp ảnh (phải)

Anh phải dùng kinh nghiệm bù đắp lại, đó là tìm ra những góc chụp đẹp mà người mới đến lần đầu không thể nhìn ra. Ví dụ như góc chụp “mũi chạm mũi” tại đền Bayon, Angkor Thom. Rất khó để sắp đặt- tạo hình, đưa mũi du khách chạm nhẹ vào mũi tượng thần Bayon ở phía xa; đồng thời rất khó để khuân mặt- cả người, cả tượng cùng sáng đều. Tất cả những điều này, Chey Meng chỉ làm trong vòng… 2 giây, và đây là một trong những vị trí kiếm tiền chính của anh trong toàn bộ khu đền kỳ vĩ, rộng lớn.

Một nơi khác nữa, Chey Meng cũng có thể kiếm tiền, đó là bức ảnh chụp tập thể cả đoàn, với toàn cảnh đền Angkor. Thường thì không có ai muốn thiếu mặt mình trong bức ảnh này, nên Chey Meng chỉ cần bấm máy 1 lần và đếm đầu người để rửa ra ảnh giấy.

Cùng nhau trở về sau một ngày làm việc, lúc trời đã xế chiều

Chụp xong, Chey Meng… biến mất. Vào buổi tối, khi đoàn khách đang ăn, anh sẽ xuất hiện trở lại, trên tay là xấp ảnh đã rửa. Dù mỗi ngày tiếp xúc với hàng trăm người, xong chỉ cần nhìn liếc qua là Chey Meng có thể rút ra chính xác những bức ảnh của chủ nhân. Thêm 1 chút thủ thuật kiếm tiền của anh thợ ảnh này: Mỗi người, anh rửa quá thêm 1-2 bức ảnh, thường lúc này chẳng ai tiếc vài chục nghìn trả thêm (15.000đồng/ảnh).

Chỉ đến lúc này, một ngày làm việc vất vả của Chey Meng mới kết thúc. Phủi đám bụi đỏ trên vạt áo, anh chắp tay trước ngực, cúi đầu nói “okun” (cám ơn) và rút lui. 

(Phần 4: Đi chợ côn trùng, ăn món “nhện chiên”)