Những thiếu niên viết nên trang sử vàng của dân tộc

ANTD.VN - Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20h ngày 19-12-1946, tại Hà Nội, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Quân và dân Thủ đô với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!” đã làm nên những chiến công vang dội. 70 năm sau ngày ấy, chúng tôi được gặp đồng chí Hoàng Văn Quyến, là thành viên Trung đội Thiếu niên Bát Sắt, nghe kể lại các hoạt động của đội quân báo của các anh, các chị ngày ấy khi còn rất nhỏ tuổi.

Những thiếu niên viết nên trang sử vàng của dân tộc ảnh 1Các thành viên Trung đội Thiếu niên Bát Sắt về thăm đình Huỳnh Cung

Những em bé nhà nghèo “đi lạc”

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ủy ban Bảo vệ chợ Hôm thành lập Tổ liên lạc gồm một số thiếu niên nam nữ từ 11 đến 16 tuổi có nhiệm vụ chuyển giao chỉ thị của Ủy ban Bảo vệ khu chợ Hôm cho các đơn vị chiến đấu. Sau khi địch chiếm khu chợ Hôm, quân ta rút về Bạch Mai cùng với tự vệ các khu Lò Đúc, Bảy Mẫu. Chi bộ chợ Hôm giao cho đồng chí Ngô Tất Oánh tập hợp các thiếu niên trong Liên khu II thành lập Đội giao thông để tiếp tục phục vụ chiến đấu.

Ngày 15-1-1947, Pháp tiến xuống phía Nam Hà Nội. Đồng chí Phạm Thiều là Bí thư Ban Chấp hành Thiếu niên tiền phong thành phố Hà Nội thay đồng chí Ngô Tất Oánh, Đội đổi tên thành Đội Quân báo thiếu niên với nhiệm vụ điều tra tình hình quân đội của Pháp ở phía Nam Hà Nội. Hàng đêm, đội có nhiệm vụ đi điều tra các bốt Pháp đóng tại Ngã Tư Vọng, đình Tương Mai, chùa Mai Động, Vĩnh Tuy… Đội đã đưa lệnh rút quân của Ban Chỉ huy quân sự Liên khu II cho Tiểu đoàn Vệ quốc quân số 202 đang bị Pháp bao vây ở khu học xá Việt Nam tại phố Bạch Mai và dẫn đường cho đồng chí quân báo viên Trần Quang Cơ đang bị vây rút ra làng Giáp Nhị.

Ngày 14-2-1947, Đội Quân báo thiếu niên được biên chế vào Công an quận 6 với tên Trạm Giao thông. Ngày 17-2-1946, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I. Lãnh đạo Ty Công an Hà Nội có chủ trương cho lực lượng của ta bí mật quay lại vùng nội thành Hà Nội để mở cuộc chiến đấu sau lưng địch. Đồng chí Nguyễn Xuân Sinh có sáng kiến đưa các thiếu niên đi trước để lợi dụng tâm lý mất cảnh giác của địch với các em nhỏ. Nhiều em rất phấn khởi và xung phong. Năm em hăng hái được chọn vào tổ mở đường gồm: Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Trúc, Hoàng Văn Quyến, Trần Văn Hoàn và Trần Văn Sâm. Chiều 18-2-1947, Đội làm lễ xuất phát và tuyên thệ trước Quốc kỳ.

Chiều 19-2-1947, tổ mở đường hóa trang thành những em bé dân nghèo lạc gia đình vào đền Lừ. 20h các em vượt đường Đại La về Lạc Trung vào làng Thanh Nhàn. Cả tổ vào một căn nhà hoang ngủ. Hôm sau, tổ chia làm 2 hướng: Nguyễn Văn Trúc, Trần Văn Sâm và Trần Văn Hoàn đi ra Mai Động; Hoàng Văn Quyến và Nguyễn Văn Phú đến Quỳnh Lôi tìm hiểu. Hướng Mai Động bị địch bắt vào đồn, các em đánh lừa được địch, chúng chỉ bắt các em nhặt rau, quét đồn rồi thả ra. Đêm 20, đội quay về báo cáo, ta có thể vào nội thành. 

Sau khi mở đường thành công, các đội viên đã xây dựng cơ sở từ các tù binh được Pháp thả, những người quen biết cũ… thành lập được tổ hoạt động trong nội thành, đi lại hợp pháp.

Hoạt động trong lòng địch

Trạm Giao thông Công an quận 6 đã vinh dự làm nhiệm vụ chuyển thư của Bác Hồ và Chính phủ đến các nhân sỹ, trí thức: Vợ chồng Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (qua đó liên lạc với cụ Phạm Khắc Hòe, kỹ sư Đặng Phúc Thông), bác sỹ Phạm Biểu Tâm (phụ trách Bệnh viện Phủ Doãn), bác sỹ Trần Văn Lai (nguyên Đốc lý Hà Nội), luật sư Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Tường Chiểu, ông Hoàng Luyện Thiết (em trai Bộ trưởng Hoàng Minh Giám), ông Vũ Ngọc Tiến (thành viên Đảng xã hội Pháp), bác sỹ Dương Bá Bành, Giáo sư Dương Trọng Bái…

Khi Trung ương Đảng có chủ trương mời một số nhân sỹ, trí thức ra vùng tự do, Trạm Giao thông đã đưa cha con cụ Phạm Khắc Hòe và vợ chồng kỹ sư Đặng Phúc Thông lên Việt Bắc an toàn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là một thắng lợi lớn. Thành viên Trạm Giao thông hai lần đưa Quốc thư của Chính phủ cho Bộ trưởng Eugène Thomas và Cao ủy Bollaert. Trong các ngày lễ 1-5 và 19-5-1947, các đội viên đã rải 200 tờ truyền đơn và dán 30 tờ áp phích từ phố Huế đến Hàng Bài. Các hoạt động rải truyền đơn có tác động rất tốt, nhưng trên một địa bàn quân địch đông, chúng đã ráo riết phục kích, nhiều đội viên bị bắt, các cơ sở bị lộ.

Sau đợt khủng bố trên, Trạm Giao thông tiếp tục hoạt động vào nội thành. Ngày 19-6-1947 đơn vị đặt thêm tên mới là Trung đội Thiếu niên Bát Sắt, gồm khoảng 40 em, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Xuân Tuế làm Trung đội trưởng đóng tại ngôi nhà của dòng họ cụ Lương Văn Can ở cuối làng Nhị Khê, các đội viên có đồng phục màu nâu, đội calô nâu với huy hiệu gắn chữ XP. Ngày 21-6-1947 đơn vị giao cho đồng chí Nguyễn Văn Phú quay lại nội thành xây dựng cơ sở.

Các đội viên đã điều tra được nhà riêng, quy luật đi lại của tên Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Việt, cầm đầu tổ chức Quốc dân đảng ở Hà Nội và dẫn đường cho Đội hành động, Công an quận 6 là đồng chí Trần Bình và Đặng Đình Kỳ vào nội thành xử tử vào ngày 10-10-1947.

Tổ điệp báo có 5 người gồm: Phạm Văn Thẩm, Nguyễn Văn Chúc, Trần Văn Sâm, Trần Văn Thục và Nguyễn Văn Quá vào làm bồi cho vũ trường Li đô tại 18 Phan Đình Phùng. Từ đây, tổ móc nối thu thập được tình hình hành quân của đơn vị Lambert càn quét xung quanh Hà Nội. Tháng 12-1947, tổ đã xây dựng cơ sở để thực hiện kế hoạch trừ khử tên mật thám Lê Hữu Ba Kế tại nhà riêng.

Vào giữa năm 1948, Công an Hà Nội thay đổi tổ chức, bỏ cấp quận, lập cấp liên huyện. Trung đội Thiếu niên Bát Sắt giải thể, các đội viên chuyển về các đơn vị của Công an Hà Nội.

Với những thành tích đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung đội Thiếu niên Bát Sắt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 18-2-2013, Bộ trưởng Bộ Công an khi đó đến dự Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội Thiếu niên Bát Sắt, xúc động phát biểu: “Các bác, các anh, các chị đã trở nên bất tử cùng núi sông đất nước, đã hòa vào cỏ cây hoa lá để muôn đời con cháu tươi xanh; đã viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của dân tộc, vang dội bước quân hành của một thời chống Pháp, chống Mỹ hào hùng.

Tổ quốc mãi ghi công các anh hùng, liệt sỹ Công an nhân dân đã dũng cảm hy sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm vì an ninh Tổ quốc. Những tấm gương hy sinh đó đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, củng cố niềm tin yêu và sự gắn bó của nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc”.