Những thế lực đứng sau vụ đảo chính ở Sudan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tướng Abdel-Fattah Burhan, người đứng đầu cuộc đảo chính ở Sudan tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2023. Nhân vật này đang có các đồng minh hùng mạnh cả trong và ngoài nước, khiến giới quan sát cho rằng quân đội Sudan có vẻ có ý định duy trì quyền kiểm soát lâu dài tại nước này.
Tướng Abdel Fattah al-Burhan khẳng định hành động để nội chiến chứ không phải một cuộc đảo chính

Tướng Abdel Fattah al-Burhan khẳng định hành động để nội chiến chứ không phải một cuộc đảo chính

Vị tướng lĩnh đứng đầu vụ đảo chính

Tướng Abdel-Fattah Burhan là một chỉ huy quân sự nổi bật vào năm 2019, khi ông và các tướng lĩnh hàng đầu khác lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, nhà lãnh đạo cầm quyền suốt 30 năm ở Sudan. Khi đó, ông Burhan nắm quyền trong vài tháng, nhưng áp lực quốc tế buộc quân đội phải đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với những người biểu tình. Hội đồng quân - dân sự chung do ông Burhan đứng đầu được thành lập, dự kiến điều hành Sudan cho đến khi tổ chức bầu cử năm 2023.

Tuy nhiên, hôm 25-10, tướng Burhan quét sạch dấu tích của chính quyền dân sự. Ông giải tán chính phủ chuyển tiếp, bắt giam Thủ tướng Abdalla Hamdok và các quan chức khác, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông Hamdok đã được thả hôm 26-10 nhưng những người khác vẫn bị giam giữ.

Lên tiếng bảo vệ hành động của quân đội, tướng Abdel Fattah al-Burhan viện dẫn lý do ông lật đổ chính phủ của Thủ tướng Abdalla Hamdok để tránh nội chiến tại nước này. Nhưng cuộc đảo chính diễn ra ở thời điểm chỉ vài tuần trước khi tướng Burhan, 61 tuổi sẽ không còn giữ chức đứng đầu hội đồng mà phải nhường cho một đại diện về dân sự. Theo hãng tin AP, nếu người đứng đầu hội đồng chuyển tiếp là dân thường, điều đó sẽ không chỉ làm suy yếu quyền lực của quân đội mà còn đe dọa nguồn tài chính dồi dào của quân đội và có thể dẫn đến các vụ truy tố vi phạm nhân quyền trong 30 năm qua.

Nói thêm về nhân vật này, hồ sơ của tướng Burhan tương đối sạch và ông ta không bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố như cựu Tổng thống al-Bashir và những người khác vì tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột Darfur đầu những năm 2000. Vị chỉ huy này cũng là người hiếm hoi không theo đạo Hồi trong số các tướng lĩnh hàng đầu trong chế độ quân sự - Hồi giáo của cựu lãnh đạo al-Bashir.

Những thế lực “chống lưng”

Vụ đảo chính thành công một phần vì ông Abdel-Fattah Burhan khá mạnh nhờ có những thế lực “chống lưng”. Trong những năm gần đây, ông Burhan có mối quan hệ khá thân thiết với lãnh đạo Ai Cập và các quốc gia Vùng Vịnh. Ông được đào tạo tại trường cao đẳng quân sự của Ai Cập và đã có nhiều chuyến thăm tới Emirates kể kể từ năm 2019. Các quốc gia đó đã tránh chỉ trích cuộc đảo chính hôm 25-10, thay vào đó kêu gọi bình tĩnh và đối thoại. Dù sao, chính quyền quân sự phù hợp với lợi ích của các quốc gia Vùng Vịnh hơn là một chính phủ dân chủ vì họ sợ tác động của phong trào “Mùa xuân Ảrập”.

Đứng sau ông Burhan còn là một vị tướng khác, thậm chí đáng sợ hơn: Mohammed Hamdan Dagalo, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Nhanh chóng (RSF) - một đơn vị bán quân sự phát triển từ lực lượng dân quân Janjaweed khét tiếng với những hành động tàn bạo trong cuộc xung đột Darfur. Các thành viên RSF đã tham gia bắt giữ quan chức Sudan hôm 25-10 và trấn áp trên đường phố. Lực lượng này được đánh giá gần như là một đội quân song song gồm hàng chục nghìn tay súng đã được huấn luyện và có kinh nghiệm chiến đấu. Năm 2015, tướng Burhan và Dagalo phối hợp triển khai quân đội Sudan và các chiến binh RSF tới Yemen để chiến đấu cùng liên quân do Arập Xê-út dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi thân Iran. Lực lượng của họ đã nhận được những khoản thanh toán khổng lồ từ Arập Xê-út và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Trong cuộc nổi dậy chống lại cựu Tổng thống al-Bashir, hai chỉ huy Burhan và Dagalo đã từ chối sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình chống chính phủ. Nhưng sau khi ông al-Bashir bị lật đổ, vào ngày 2-6-2019, lực lượng an ninh và dân quân RSF đã tấn công những người biểu tình. Hơn 100 người đã bị giết hại và hàng chục phụ nữ tố cáo bị cưỡng bức. Ông Osman Mirgany, phóng viên nhật báo al-Tayar có trụ sở tại Khartoum, nói: “Ông Burhan phải chịu trách nhiệm vì ông ấy là người lãnh đạo. Khi các cuộc thảm sát người biểu tình diễn ra, mọi người nhận ra ông ấy không giữ lời hứa của mình”. Sự hoài nghi đó vẫn treo lơ lửng đến giờ.

“Sự chia rẽ địa chính trị sâu sắc, những khó khăn của Hội đồng Bảo an trong việc thực thi các biện pháp mạnh mẽ cũng như những ảnh hưởng kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 đang tạo ra một môi trường, trong đó một số lãnh đạo quân đội cảm thấy họ hoàn toàn không bị trừng phạt nên họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (lên án về “dịch” đảo chính khi Hội đồng Bảo an mở phiên họp liên quan đến vụ chính biến ở Sudan)