Những thành phố nổi giữa đại dương

ANTĐ - Các đại dương chiếm diện tích vô cùng rộng lớn, bao phủ phần lớn bề mặt Trái đất, cùng với đó, hàng năm mực nước biển lại dâng lên do ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu. Người ta dự tính rất nhiều người dân đang sinh sống tại các khu vực thấp so với mực nước biển có thể mất nhà cửa trong tương lai. Để gia tăng diện tích ở dành cho con người và khả năng khai thác tài nguyên, việc biến đại dương thành nơi sinh sống của con người đã được các nhà kiến trúc tính đến.

NOAH mang đầy đủ những cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ cho cư dân


“Green Float” giữa Thái Bình Dương

Năm 2025, con người trong tương lai có thể sống trong những tòa tháp hình hoa loa kèn được xây dựng trên những thành phố nổi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương. Công ty Công nghệ xây dựng Shimizu (Nhật Bản) vừa giới thiệu mô hình thành phố nổi trên biển Green Float. Thành phố Green Float sẽ bao gồm nhiều “đảo“ nổi. Mỗi hòn đảo sẽ có một tháp trung tâm có đường kính 1km. Các hòn đảo này sẽ trôi tự do trên vùng biển gần xích đạo ở Thái Bình Dương hoặc có thể gắn lại với nhau để hình thành một thành phố lớn hay một quốc gia trên biển.

Tòa tháp trung tâm của mỗi hòn đảo có khả năng chứa được từ 10.000 đến 50.000 người. Chúng sẽ được bao quanh bởi các khu rừng, đồng cỏ và khu vực trang trại tự sản xuất lương thực phục vụ hòn đảo. Ngoài ra, mỗi hòn đảo đều có một cảng biển, sân bay và bãi tắm riêng. Chất liệu được sử dụng để xây các tòa tháp là hợp kim siêu nhẹ. Trong khi đó, phần nằm dưới mặt nước của hòn đảo sẽ được xây dựng bằng kim loại mạ magiê để chống lại sự ăn mòn của nước biển. Hiện tại, nhóm nghiên cứu vẫn đang tập trung phát triển những công nghệ mới phục vụ cho việc xây dựng công trình tương lai này.

Đô thị nổi hình kim tự tháp độc đáo

Một nhóm nhà thiết kế tới từ TP Boston (Massachusetts, Mỹ) đã đề nghị xây dựng thành phố nổi có tên New Orleans Arcology Habitat (NOAH) trên bờ sông Mississippi. NOAH là mẫu thiết kế siêu đô thị nổi khá kì lạ mang tính cách mạng nhằm tránh sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt. NOAH có hình dáng thiết kế kim tự tháp, cao 1.200feet (360m), trên diện tích 2,7 triệu m2 và là nơi cư ngụ cho 40.000 cư dân. NOAH chứa đựng đầy đủ những thứ bạn mong muốn ở một đô thị như: khách sạn, cửa hàng, sòng bạc và trường học.

Nhóm thiết kế nảy sinh ra ý tưởng khu đô thị nổi sau khi chứng kiến những thiệt hại mà cơn bão Katrina đã gây ra tại thành phố New Orleans (Mỹ) vào năm 2005. Với hình dáng đặc biệt cùng vật liệu chế tạo chắc chắn, NOAH có khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt, bão lớn mà không gây thiệt hại cho cư dân sống bên trong. Theo thiết kế, khối kiến trúc khổng lồ được neo cố định tại khu vực ngập nước rộng khoảng 360m và sâu 75m, có thể điều chỉnh lên xuống khi khu vực đặt tòa nhà xảy ra lũ lụt hay nước biển dâng.


Nơi khác biệt với thế giới

Peter Thiel, nhà sáng lập Công ty PayPal (Mỹ) đã quyết định tài trợ 1,25 triệu USD cho Viện Seasteading tại Mỹ - tổ chức nghiên cứu và phát triển các mô hình cộng đồng trên biển - để các chuyên gia của viện phát triển mô hình các thành phố nổi. Thành phố nổi mà ông Thiel tưởng tượng ra sẽ được xây dựng trên những cấu trúc giống như các giàn khoan dầu. Những cấu trúc này đều có khối lượng 12 nghìn tấn, sản xuất năng lượng bằng dầu diesel và cung cấp đủ không gian sống cho khoảng 270 người. Nếu ghép các cấu trúc với nhau, người ta sẽ tạo ra thành phố nổi có khả năng chứa hàng triệu người. Kế hoạch dài hạn sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm các thềm tựa giàn khoan dầu liên kết với nhau, nhắm đến mục tiêu thu hút có hàng chục triệu cư dân vào năm 2050 với mô hình quản lý xã hội và hệ thống luật pháp hoàn toàn khác biệt với mọi quốc gia đang tồn tại trên thế giới.


Kiến trúc nhà Ark thách thức tương lai

Một nhóm kiến trúc sư người Nga đã cho ra mắt mô hình thiết kế về một công trình mái vòm giống như thân của một con ốc. Có tên gọi là Ark-một khái niệm chỉ kiểu dáng arch, lấy tên gọi từ kiểu cấu trúc cho phép trôi nổi và xây dựng trên bề mặt nước. Tòa nhà được thiết kế cho chiến dịch “Kiến trúc giảm nhẹ thiên tai” của hiệp hội kiến trúc quốc tế, có thể đối phó hiệu quả với tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu Cấu trúc của Ark có thể chứa được 10 nghìn người, được thiết kế tương tự như một hòn đảo nhỏ được bao bọc bởi những tấm pa nô mặt trời có thể tự cung cấp năng lượng điện từ gió, mặt trời và từ nước. Thậm chí có thể tự cung cấp thực phẩm trong thời gian dài ngày nhờ thảm rau xanh được xây dựng ngay trong công trình.

Bên cạnh chức năng cung cấp thực phẩm, không gian thảm cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc lọc không khí và làm mát không gian bên trong Ark. Ngoài ra, công trình còn có những bãi biển nhân tạo giống như trên một hòn đảo nhỏ giữa đại dương tạo phần phong phú cho quang cảnh của khu vực. Nhóm kiến trúc sư tin rằng thiết kế có thể được sử dụng cho nhiều mục đích như phục vụ dân cư, không gian văn phòng và khách sạn ở những vùng biển hay những khu vực bị ngập nước trong tương lai.