Những thân phận bị đày đọa vì hủ tục

ANTD.VN - Mới đây, chính quyền Nepal đã ban hành luật quy định hình phạt cụ thể đối với hành vi cách ly phụ nữ vào ngày “đèn đỏ”. Các nhà hoạt động nhân quyền hoan nghênh động thái tích cực này nhưng đồng thời cũng cho rằng, giáo dục để nâng cao nhận thức, chấm dứt sự kỳ thị phụ nữ là hết sức cần thiết.

Trong năm ngày liên tục mỗi tháng, Sofalta Rokaya (16 tuổi) phải rời nhà đến ngủ trong chuồng bò của gia đình. “Em rất sợ khi biết mình bắt đầu dậy thì, vì nó có nghĩa là em sẽ phải ở lại trong chuồng bò 5 ngày mỗi tháng. Mọi thứ thật kinh khủng. Bụi bẩn, phân bò, cỏ khô dính đầy người. Ước gì không có khoảng thời gian kinh hoàng đó”, Sofalta nói. 

Sofalta là một trong số hàng nghìn phụ nữ Nepal phải tuân theo tục Chhaupadi - bị đưa đến chuồng gia súc hoặc nhà tạm vào ngày “đèn đỏ” hoặc ngay sau khi sinh con. Những ngày đó, phụ nữ không được vào nhà, nấu ăn, chạm vào cha mẹ, đi đến đền thờ hay trường học. Họ không được ăn bất cứ thứ gì ngoài bánh mì muối và gạo.

Rủi ro khi bị cách ly

Những người tin vào Chhaupadi cho rằng, phụ nữ không làm theo  có thể mang lại rủi ro, chết chóc cho gia đình. “Nếu ở nhà thay vì nhà kho, chúng tôi sẽ bị ốm bởi vì các vị thần không chấp nhận điều đó”, Gita Rokaya, một phụ nữ ở làng Sanigauna, quận phía Tây Jumla giải thích.

Theo Radha Paudel, người đứng đầu Tổ chức Action Works Nepal (Awon), 95% trẻ em gái và phụ nữ ở miền Trung Nepal thực hiện tục Chhaupadi. Hệ quả là,  Chhaupadi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và thể chất phụ nữ. Nghiên cứu của Awon cho thấy, 77% trẻ em gái và phụ nữ cảm thấy bị sỉ nhục trong thời gian bị cách ly, 2/3 cảm thấy cô đơn và sợ hãi khi ở trong chuồng bò.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết, phụ nữ bị cách ly trong ngày “đèn đỏ” có nguy cơ cao mắc tiêu chảy, viêm phổi, các bệnh về đường hô hấp; nguy cơ bị rắn, động vật hoang dã, đàn ông say rượu tấn công… Gần đây, ít nhất 2 cô gái tuổi teen đã chết vì hủ tục Chhaupadi. Tháng trước, một cô gái 19 tuổi ở quận Dailekh chết vì bị rắn cắn khi buộc phải ngủ trong chuồng bò. Vào tháng 12-2016, Roshani Tiruwa (15 tuổi) đã chết ngạt trong một túp lều hoang ở Achham sau khi đốt lửa để sưởi ấm.

Thay đổi nhận thức

Mặc dù hủ tục này đã bị Tòa án tối cao Nepal cấm vào năm 2005 nhưng trên thực tế vẫn còn phổ biến ở nhiều vùng hẻo lánh của Nepal. Luật cấm hành vi cách ly phụ nữ vào ngày “đèn đỏ” là một phần của chiến dịch nhằm cải thiện sự an toàn của phụ nữ ở Nepal. Bất cứ ai vi phạm quy định này sẽ bị phạt tù 3 tháng và phạt 3.000 rupee Nepal (khoảng 23 bảng Anh). Để các nhà chức trách có thời gian tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đạo luật cấm Chhaupadi sẽ có hiệu lực chính thức vào tháng 8-2018.

Krishna Bhakta Pokharel, người tham gia xây dựng luật cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về đạo luật.  Ông Tom Palakudiyil, Giám đốc điều hành khu vực Nam Á của Tổ chức từ thiện WaterAid nói rằng, bên cạnh luật pháp thì cần hỗ trợ thêm các chương trình giáo dục sinh sản và hoạt động nâng cao nhận thức khác.

“Luật mới là một bước đi tích cực cho thấy cam kết thực sự của Chính phủ để bảo vệ cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, quy định không đủ để ngăn chặn phụ nữ và trẻ em gái bị “trục xuất” khỏi gia đình trong kỳ “đèn đỏ”. Truyền thống sâu sắc trong văn hóa cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải hiểu và giải quyết nguyên nhân gốc rễ để mang lại sự thay đổi bền vững”, ông Tom Palakudiyil nói.

Bà Renu Rajbhandari, người đứng đầu Liên minh Quốc gia bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ nói rằng, việc giáo dục làm thay đổi nhận thức, thái độ của xã hội là một thách thức không nhỏ. “Sự ra đời của luật là rất quan trọng nhưng việc thay đổi quan niệm xã hội sẽ mất nhiều thời gian hơn”, bà Rajbhandari nói.

77% trẻ em gái và phụ nữ Nepal cảm thấy bị sỉ nhục trong thời gian bị cách ly, 2/3 cảm thấy cô đơn và sợ hãi khi ở trong chuồng bò. Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết, phụ nữ bị cách ly trong ngày “đèn đỏ” có nguy cơ cao mắc tiêu chảy, viêm phổi, các bệnh về đường hô hấp; nguy cơ bị rắn, động vật hoang dã, đàn ông say rượu tấn công…