Những thảm họa vũ trụ có thể khiến nhân loại lâm nguy

ANTĐ - Nhắc đến cụm từ “ngày tận thế” được bàn luận hồi đầu năm sẽ làm bạn liên tưởng đến những điều chỉ xảy ra trong phim. Tuy nhiên, có một số nguy cơ tiềm ẩn do thiên nhiên hoặc con người tạo ra đang chực chờ quét sạch mọi thứ trên trái đất chỉ trong nháy mắt…

Khi mặt trời nổi giận

Mặt trời hoạt động vô cùng dữ dội với những vụ bùng phát diễn ra liên tục trên khắp bề mặt. Những vụ bùng nổ sắc cầu lớn sẽ phóng thích vào không gian một luồng vật chất lớn với tốc độ từ vài trăm đến hàng nghìn km/giây. Luồng vật chất này bao gồm những hạt mang điện tích và khi luồng vật chất này bay đến trái đất tạo nên bão mặt trời. Trận bão mặt trời lớn đầu tiên do nhà thiên văn người Anh Richard Carrington ghi nhận vào năm 1859. Trong những thập niên gần đây, các nhà khoa học đã chứng kiến các trận bão từ mặt trời tương tự. Một vụ nổ trên bề mặt mặt trời năm 1972 đã cắt liên lạc điện thoại đường dài ở bang Illinois của Mỹ. Đợt bão mặt trời hồi năm 1989 đã đánh sập toàn bộ hệ thống cung cấp năng lượng của Quebec (bang lớn nhất của Canada), làm tê liệt hệ thống truyền tải điện cao áp tại một nước thuộc châu Âu làm thiệt hại hàng tỉ USD.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA)  cảnh báo rằng, nếu chúng ta không có các biện pháp phòng bị tốt thì cơn bão mặt trời sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng. Do thế giới ngày nay phụ thuộc nhiều vào công nghệ GPS và vệ tinh nên cuộc sống hiện đại nhiều khả năng bị các vụ nổ plasma dữ dội trên mặt trời làm tê liệt toàn bộ thế giới công nghệ mà con người chúng ta vẫn sống dựa dẫm vào hàng ngày. Các chuyên gia nói rằng đợt bão tiếp theo sẽ gây hậu quả còn tồi tệ hơn nhiều, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mạng lưới cung cấp năng lượng, hệ quả là ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước, hệ thống sản xuất và cung cấp lương thực, thuốc men và gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. Một vài nghiên cứu còn nói rằng có thể nó sẽ phóng các bức xạ cực nguy hiểm xuống trái đất và phá hủy tầng ozone.

Điều mà các nhà khoa học lo lắng đang xảy ra. Các chuyên gia cho biết trận bão không gian lớn nhất trong vòng 5 năm nay đang lao về phía trái đất gây “mưa” phân tử nhiễm từ đe dọa phá hủy hệ thống đường dây điện, hệ thống định vị toàn cầu GPS, các vệ tinh và các chuyến bay. Hình ảnh về khu vực xảy ra vụ nổ trên Mặt trời cho thấy một mạng lưới những vệt đen phức tạp, chứng tỏ có một lượng lớn năng lượng từ tích tụ. Đỉnh điểm của trận bão xảy ra sáng 8-3 và kéo dài qua ngày 9-3 (giờ GMT). Các phân tử nhiễm điện dự kiến tấn công trái đất với tốc độ 6.400.000 km/h và dự đoán bão sẽ kéo dài hết tuần.

Trận bão từ lớn nhất trong vòng 5 năm qua đang tấn công trái đất, gây ra biến động về từ trường và tạo ra hiện tượng cực quang trên một vùng rộng lớn. Ghi nhận mới nhất của NASA cho thấy, bão từ đã bắt đầu gây nhiễu sóng vô tuyến ở tần số cao. Tuy  nhiên sau khi đã đáp xuống Trái đất vào đêm 8-3, rất may, nó đã “xẹp hơi” vào phút cuối cùng và không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến mạng lưới điện cũng như hệ thống GPS toàn cầu, các mạng lưới điện cũng không gặp phải sự cố nào.

Thông báo trên Space.com, các nhà khoa học Mỹ dự đoán có thể từ trường Trái đất đã hấp thu gần như tất cả chấn động, do đó, các hệ thống cảm biến chỉ đo được bão từ ở cấp độ thấp nhất (G1) trên thang điểm 5. “Một loạt hoạt động mạnh của Mặt trời trong tuần qua đã phóng ra nguồn bức xạ và plasma cực mạnh, di chuyển về Trái đất với tốc độ khủng khiếp. Thế nhưng đến phút chót, chúng lại tan như chưa từng có gì xảy ra”, chuyên gia Joseph Kunches của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết. Tại thời điểm này, Kunches cho biết chưa có bất cứ báo cáo nào về việc GPS toàn cầu bị nhiễu loạn hay trục trặc, Từ trạm ISS, các nhà du hành cũng xác nhận mọi hoạt động không bị ảnh hưởng bởi cơn bão từ lần này, NASA cho hay. Trái đất vừa may mắn thoát được cơn thịnh nộ của mặt trời, nhưng tình huống xấu nhất vẫn chực chờ phía trước. 

Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội Thiên văn và vũ trụ Việt Nam cho biết, trận bão từ này cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nước ta nhưng không thực sự rõ nét. Tuy nhiên cần lưu ý rằng bão mặt trời sẽ “tấn công” những người mắc bệnh tim, xương khớp và thần kinh, nhẹ thì gây mệt mỏi, căng thẳng, đau nhức mình mẩy và xương khớp, nặng có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, đột quỵ và thậm chí tử vong. Nguyên nhân, do xương, tim, não có các tế bào mang từ tính và những người có tiền sử bệnh tim mạch, thần kinh, các bệnh về xương khớp rất nhạy cảm với bão từ. Vì thế, khi có sự xuất hiện của bão từ, những người này cẩn trọng hơn trong sinh hoạt và làm việc, hạn chế ra ngoài đường, không lái xe và tuyệt đối không làm việc trên cao… 

Dù hoạt động của mặt trời có đạt cực điểm vào năm 2012 thì những tác động của nó cũng không thể gây nên ngày tận thế như nhiều lời đồn đoán thiếu khoa học đang lan truyền tại nhiều nơi.

Các ngôi sao cũng là sát thủ

Khi một ngôi sao nổ tung (điều này rất thường xảy ra, khoảng 2 hay 3 lần một tuần), nó sẽ phóng vào không gian các tia điện từ phát quang. Một vụ nổ tia gamma thông thường kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Khi sao siêu lớn nổ tung, chúng tạo ra một lượng tia gamma khổng lồ có sức hủy diệt khủng khiếp. Nếu một ngôi sao siêu lớn nổ tung cách trái đất 30 năm ánh sáng, tia gamma của nó có thể thổi bay một phần khí quyển trái đất, tạo ra vô số đám cháy, làm tăng nhiệt độ bề mặt và tiêu diệt phần lớn sinh vật sống trong vòng vài tháng đưa trái đất vào một kỷ băng hà mới. Ngay cả những loài sống dưới lòng đất hay trong nước cũng không thoát khỏi tác động của tia gamma.

Vào năm 2008, ba nhà khoa học đã phát hiện ra rằng hệ mặt trời không hề ổn định như chúng ta tưởng. Mọi rắc rối đều do lực từ trường của sao Mộc. Lực này có thể kéo sao Thủy ra khỏi quỹ đạo và ném nó vào trái đất. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn sự sống trên trái đất sẽ bị xóa sổ, ngay cả những vi sinh vật nhỏ nhất cũng khó lòng sống sót. Để dễ hình dung, hãy nhớ rằng thiên thể đã làm tuyệt diệt loài khủng long có đường kính chỉ khoảng 6 dặm, còn đường kính sao Thủy là khoảng 3.032 dặm. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng chỉ có 1% khả năng cho thảm họa này xảy ra.

Các chuyên gia hiện đang theo dõi sát sao chuyển động của tiểu hành tinh 2011 AG5, đường kính 140m, được xác định là vật thể vũ trụ có xác suất va chạm với trái đất cao nhất trong thời gian tới. Vật thể trên đã được quan sát từ đỉnh Lemmon, Tucson, bang Arizona (Mỹ) vào tháng 1-2011. “ Chúng tôi chỉ mới quan sát được phân nửa chu kỳ quỹ đạo của nó, do đó kết quả tính toán vẫn chưa cao lắm”, chuyên gia Detlef Koschny của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cho hay. Theo ông này, cần quan sát thêm ít nhất 1 hoặc 2 quỹ đạo toàn phần của nó. Hiện xác xuất 2011 AG5 va phải trái đất đang được tính toán vào khoảng 1/625, diễn ra trong ngày 5-2-2040. Các chuyên gia hy vọng sẽ thu thập thêm thông tin cần thiết về quỹ đạo của tiểu hành tinh trên trong giai đoạn 2013 - 2016, khi nó lọt vào tầm quan sát của các kính thiên văn trên mặt đất. 

Lá chắn chống “hung thần” vũ trụ 

Cú áp sát gần đây nhất của một tiểu hành tinh đã khuấy động mối lo ngại lâu nay về khả năng vật thể từ vũ trụ có thể hủy diệt sự sống trên trái đất. Những vật thể gần trái đất (gọi tắt là NEO), dù là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, đều có thể trở thành thảm họa cho nhân loại nếu quất thẳng vào hành tinh chúng ta. Mối lo ngại này đang lớn dần sau khi NASA nhờ vào công nghệ phát triển ngày càng hiện đại hơn đã thống kê có khoảng 50 triệu NEO thẳng hướng đến trái đất mỗi ngày, Hiện các nhà thiên văn học đang tìm cách triển khai thêm kính viễn vọng mới chuyên tìm kiếm những NEO dạng này. 

Đối mặt với nguy cơ bị “hung thần” vũ trụ tấn công, dù đang khủng hoảng tiền tệ, Ủy ban châu Âu vẫn chi gần 6 triệu euro cho dự án gọi là NEOShield, tức lá chắn NEO, trong nỗ lực đánh giá mối đe dọa từ các vật thể không gian, và quan trọng hơn nữa là chuẩn bị, triển khai những biện pháp đối phó cần thiết. Mục tiêu quan trọng nhất của NEOShield, kéo dài 3 năm rưỡi, là đánh giá chi tiết 3 biện pháp chống NEO hữu hiệu nhất: tạo động lực ngăn cản va chạm, tạo trọng lực thay đổi đường đi NEO và phá hủy luôn vật thể đe dọa trái đất.