Những thách thức trong việc phòng chống HIV/AIDS

ANTD.VN - Trong thời gian qua, để đẩy lùi, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS chúng ta đã đưa ra rất nhiều những chương trình, tuyên truyền về công tác phòng chống HIV/AIDS. Sau nhiều giải pháp mạnh, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm…

PrEP giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV

Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, PrEP là một loại thuốc kháng virus HIV có chứa tenofovir (một nucleotid ức chế enzym phiên mã ngược trong điều trị HIV ở người trưởng thành). Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ việc sử dụng PrEP như một phần trong chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Những thách thức trong việc phòng chống HIV/AIDS ảnh 1 

PrEP cùng ARV sẽ là loại thuốc hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV

PrEP được giới thiệu cho các nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình của những người có H. Việc kê đơn dùng PrEP được thực hiện thí điểm từ tháng 3-2017 đến tháng 9-2018.

Loại thuốc này sẽ được dùng thí điểm tại Việt Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh, PrEP được cung cấp tại cả các phòng khám công là phòng khám thuộc Trung tâm y tế 24 quận, huyện; một số phòng khám tư và các doanh nghiệp xã hội do chính thành viên các nhóm cộng đồng vận hành như phòng khám Galant, Life…

Theo đó, trong tháng đầu tiên, người sử dụng thuốc được miễn phí hoàn toàn, đến tháng thứ 2 thuốc được bán với giá 750.000 đồng/hộp 30 viên. Hết thời gian thí điểm thuốc được bán với giá 1.500.000 đồng/hộp.

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, cùng với chương trình điều trị ARV đối với người nhiễm HIV và chương trình điều trị cho người phơi nhiễm đang được triển khai, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm này kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV

Theo thông tin trên báo Đại biểu Nhân dân, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trước kia 80-90% nguồn thuốc ARV cung cấp để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam là do nguồn viện trợ từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn viện trợ từ nước ngoài hiện đã bị cắt giảm và dự kiến từ năm 2020 sẽ không còn. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188 quy định về việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Theo đó, từ ngày 1-1-2019, toàn bộ người nhiễm HIV từ 16 tuổi trở lên sẽ được thanh quyết toán thuốc ARV từ nguồn BHYT, thay vì nguồn tài trợ cấp miễn phí như hiện nay.

Những thách thức trong việc phòng chống HIV/AIDS ảnh 2 

Khám, tầm soát phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Thực hiện mục tiêu đến năm 2020, có 90% người có HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, cho biết, các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi lẽ, một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm bệnh cho người thân và cho nhiều người khác trong cộng đồng.

Còn nhiều thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS

Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Như thông tin trên báo Quân đội Nhân dân, theo TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được đáng khích lệ thì hiện nay chúng ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, hiện nay nhiều người có HIV vẫn chưa biết tình trạng mình bị nhiễm bệnh. Đối với những người chưa biết tình trạng nhiễm bệnh, như vậy vô tình họ sẽ là nguồn lây cho cả cộng đồng.

Những thách thức trong việc phòng chống HIV/AIDS ảnh 3 

Khám điều trị, cấp phát thuốc cho người nhiễm HIV

Đặc biệt, mỗi năm số người mắc HIV vẫn cao, mỗi năm chúng ta phát hiện ra khoảng 10.000 người mắc bệnh, có khoảng 2000 trường hợp tử vong do AIDS. Như vậy HIV vẫn là một gánh nặng bệnh tật, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hiện nay. Còn nhiều người được chẩn đoán có HIV vẫn chưa tham gia điều trị ARV.

Theo thống kê, mới chỉ có khoảng gần 130 000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt được khoảng 65% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

Như vậy, vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV. Trong khi, hiện nay, việc điều trị ARV đã được mở rộng đến tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, với 470 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện. Cụ thể, có tới 652 cơ sở phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong năm tới.

Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân là do hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện, đặc biệt là những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi; sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm về các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta vẫn đang phải đối diện với sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có HIV. Đây chính là một rào cản khiến những người có HIV họ lẩn tránh, họ không tiếp cận điều trị, khiến dịch tiềm ẩn và khó kiểm soát.