Những thách thức thời “hậu Gadhafi”

ANTĐ - Cái chết của Đại tá Moammar Gadhafi đặt dấu chấm hết cho chế độ cũ tại Libya, song nó không hề làm giảm những thách thức khổng lồ đang đặt ra cho chính quyền mới.

Thời kỳ mới ở Libya rồi đây sẽ như thế nào là câu hỏi hiện chưa có câu trả lời. Nó phụ thuộc vào chủ định của bên thắng thế trong cuộc chiến cho thời gian trước mắt là trả thù hay hòa giải và hòa hợp dân tộc, vào sự phân chia quyền lực giữa các nhóm phái trong nội bộ phe chiến thắng và vào việc họ đáp ứng lợi ích của phương Tây đến mức nào.

Giới phân tích cho rằng sau những giây phút hân hoan, bất kỳ chính trị gia nào đều nhận thấy bộ máy quyền lực mới của Libya sẽ phải đối mặt với vô vàn thử thách trong đó bao gồm việc tái thiết một đất nước đã bị tàn phá, đầy rẫy tệ nạn xã hội, vấn nạn tham nhũng và không có quyền công dân và tự do ngôn luận.

Đầu tiên là mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Một khi không còn được người dân ủng hộ thì chính thể của ông Gaddafi tưởng rất vững chắc bởi được dựng xây và duy trì suốt 42 năm đã bị sụp đổ chỉ trong thời gian có 8 tháng. Cho nên, Libya tới đây chỉ có thể yên bình nếu chính thể mới thành công trong việc quy tụ được lòng dân thành một khối và giải giáp tất cả các lực lượng vũ trang riêng của các bộ tộc, nhóm phái để xây dựng quân đội và bộ máy an ninh chung. Nếu không, đất nước này sẽ sa vào nội chiến, cát cứ lãnh thổ với những hậu quả còn tai hại và dai dẳng hơn nhiều so với cuộc chiến tranh vừa qua.

Mâu thuẫn gay gắt phát sinh ngay giữa những lực lượng tham gia cuộc chiến chống chế độ Gadhafi. Chẳng hạn, những người đứng đầu thành phố Misrata ở phía Tây từ chối công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) là Chính phủ mới. Trong bối cảnh hiện nay, mâu thuẫn giữa các bộ lạc tại Libya có thể bị đẩy lên mức cao hơn.

Fawaz Gerges, Giám đốc Trung tâm Trung Đông thuộc Đại học Kinh tế London tại Anh dự đoán tình hình tại Libya có thể sẽ không khác Ai Cập. Hồi tháng 2 người dân Ai Cập reo hò sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức dưới sức ép của làn sóng biểu tình rầm rộ. Nhưng vài tháng sau, tình hình hầu như không chuyển biến và họ lại phải đổ ra đường để yêu cầu quân đội tiến hành cải cách. “Viễn cảnh tương tự có thể xảy ra với Libya. Trên thực tế, sự chia rẽ giữa các bộ lạc tại Libya lớn hơn nhiều so với Ai Cập hay Yemen”, Fawaz Gerges nhận định.

Thứ hai là một kiểu tiến hành chiến tranh mới. Không có sự tham chiến trực tiếp của NATO và sự hậu thuẫn về chính trị cũng như tài chính của phương Tây thì phe nổi dậy ở Libya không thể đánh bại được lực lượng của ông Gaddafi. NATO đạt được mục đích mà không phải đưa quân đội đến tham chiến trên đất liền, tránh bị thiệt hại về người và sa lầy như ở Afghanistan hay Iraq, dùng chính người Libya để thực hiện mục tiêu chiến lược ở Libya. Dù phe nào và cá nhân nào tới đây nắm quyền ở Libya cũng không thể thoát khỏi phạm vi cương tỏa và chi phối của phương Tây. Chính phủ mới của Libya có xu hướng cởi mở hơn với lực lượng đồng minh từng hỗ trợ lật đổ chế độ Gaddafi, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và một số quốc gia Arab.

Tuy nhiên, một số các chuyên gia cảnh báo, về lâu dài quan điểm của các bộ lạc ở Libya cũng như hầu hết các quốc gia Arab có xu hướng gia tăng đối đầu với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Theo ông Andrei Grozin - chuyên gia phân tích chính trị hàng đầu nước Nga, nhận định: "Trước, trong và sau cuộc chiến, binh lính Hồi giáo, lực lượng được xem như “bộ phận Al-Qaeda ở Bắc Phi” chính là hạt nhân nòng cốt của lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Gaddafi tại Libya. Đây là sự thật không thể phủ nhận".

Thực tế, không chỉ ở Libya mà cả Iraq và Afghanistan trước đó cũng cho thấy cái bóng vật vờ của những “bóng ma” Hồi giáo cực đoan. Cùng với sự phân chia quyền lực trong ban lãnh đạo mới, thì sự xuất hiện của những “bóng ma” Hồi giáo cực đoan sẽ càng khiến cho tình hình chính trường tại Libya thêm rối ren.

Thứ ba là về hiệu lực hạn chế của luật pháp quốc tế. NATO đã lợi dụng rồi lạm dụng Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc để lật đổ một chính thể. Bài học này nhắc nhở rằng, không khi nào được để bên ngoài vin cớ can thiệp và không quá tin vào hiệu lực của luật pháp quốc tế đủ khả năng để ngăn cản những thế lực chủ định lạm dụng luật pháp quốc tế.

Hy vọng rằng, cuộc cách mạng Libya sẽ là trường hợp cuối cùng của sự thay đổi chế độ bằng bạo lực trong khu vực. Mối quan tâm chính bây giờ là ai sẽ lên nắm quyền? Chính phủ mới thân phương Tây hay có nguồn gốc Hồi giáo? Dù thế nào thì cần có sự hòa giải và gác lại mâu thuẫn giữa các bên thời “hậu Gadhafi”. Nếu không, chẳng ai dám chắc về “một chương mới” sẽ được mở ra tại quốc gia Bắc Phi này.