Năm 2013

Những thách thức lớn thờ̀i khủng hoảng toàn cầu

ANTĐ - NASA vừa phát hiện ra một vết đen Mặt trời khổng lồ với đường kính gấp 11 lần đường kính của Trái đất, báo hiệu nguy cơ bùng nổ năng lượng mặt trời ở mức rất nguy hiểm. Theo đó, những trận bão từ mạnh nhất có sức công phá vô cùng khủng khiếp, hơn khoảng 1000 tỷ lần so với quả bom nguyên tử Hiroshima.

Cuộc sống trên Trái đất sẽ thay đổi vào năm 2013? 

Cho đến nay mới chỉ ghi nhận được những vụ nổ có quy mô nhỏ, nhưng theo các chuyên gia, tình hình có thể sẽ thay đổi vào tháng 5-2013 khi bề mặt Mặt trời bước vào giai đoạn hoạt động tích cực. Nhiều học giả bao gồm cả Tiến sĩ Richard Fisher - Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Mặt trời của NASA nhận định 2 lý do chính khiến họ tin rằng một cơn bão Mặt trời khủng khiếp có thể xảy ra vào năm tới là: chu kỳ hoạt động của Mặt trời trải qua các giai đoạn cao thấp khác nhau trong 11 năm. 2013 được dự đoán là năm mà những tia lửa năng lượng Mặt trời đạt mức cực đại. Đây cũng là năm các cực từ của Mặt trời đảo chiều mà khi kết hợp với quá trình hoạt động mạnh của Mặt trời, nó sẽ gây ra vụ nổ lớn.

Một cơn bão Mặt trời và màn giải phóng số lượng lớn hào quang (CME) sau đó sẽ tạo ra nguồn năng lượng không nhỏ trên bề mặt Mặt trời. Sự ảnh hưởng, theo giới khoa học là không thể ngờ tới, có khả năng thay đổi toàn bộ cuộc sống trên Trái đất. Ngoài việc làm hỏng các vệ tinh trong không gian, nó còn gây gián đoạn hệ thống định vị GPS và phá vỡ điện lưới.

Nhưng điều này dù có đúng thì dường như mới chỉ là  hiệu ứng của “câu chuyện ngày tận thế” đang râm ram khắp thế giới. Còn thực tại? AFP đưa tin, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong năm tới, từ khủng hoảng kinh tế kéo dài cho đến bạo loạn đẫm máu ở Trung Đông.

Từ tổng thống Nga Putin và Barack Obama mới tái đắc cử ở Mý, đến lãnh đạo mới của Trung Quốc là Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn trong năm tới, từ hậu quả khủng hoảng kinh tế đến các tranh chấp biển và chảo dầu sôi ở Trung Đông. 

2013 - năm khủng hoảng toàn cầu

Thời kỳ đại khủng hoảng bắt đầu từ những tháng mùa hè 2012 khắc nghiệt trên toàn thế giới. Gần 80% lục địa Hoa Kỳ phải trải qua những trận hạn hán khốc liệt. Không khá hơn là tình trạng của hai vựa lương thực khác của thế giới là Nga và Australia với những tháng hè nắng cháy. Hạn hán kéo theo những cánh đồng chết khô và mất trắng. Sản lượng ngô dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995. Kèm với đó là tình trạng tăng giá lương thực bao gồm ngô và lúa mì lên 25%, giá đậu tương lên 17% chỉ trong tháng 7. Việc tăng giá các mặt hàng trên sẽ kéo theo giá ngũ cốc tăng cao. Đối với người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, giá lương thực tăng cao là gánh nặng trong khi chúng sẽ khiến hàng nghìn người chết đói ở những quốc gia chậm phát triển. Những số liệu thu thập năm 2007-2008 cho thấy, giá ngũ cốc phi mã gây ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới hơn 30 quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Tờ Financial Times cho biết, hàng triệu người từ Haiti tới Banglades lao đao vì giá lương thực. Cùng với  cái gọi là “Mùa xuân Arab” làm chấn động các nước Trung Đông, Bắc Phi, nạn đói đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Nhiều thể chế chính trị hàng chục năm cầm quyền nhanh chóng đổ sụp khi sự tức giận của người dân lên tới đỉnh điểm. Tạp chí The Spectator của Anh mô tả: Khi dân số Ai Cập tăng gấp đôi lên 20 triệu vào năm 1950 rồi 40 triệu vào năm 1980 và 80 triệu hiện nay, Ai Cập trở thành quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Việc tăng giá trong giai đoạn 2007-2010 khiến chính quyền Mubarak nhanh chóng kiệt quệ. Bánh mì giá rẻ biến mất khỏi các cửa hàng, reo rắc bất mãn trên khắp cả nước. Nó gây ra tình trạng bạo loạn ở Cairo, buộc Tổng thống Mubarak phải từ chức.

Câu hỏi được đặt ra: tình hình thế giới sẽ ra sao nếu giá lương thực thêm một lần phi mã? Câu trả lời sẽ là khủng hoảng ở đất nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc. Năm 2011, chi phí sinh hoạt tại Trung Quốc đã tăng 6,5% vì lương thực tăng giá. Tuy nhiên, lạm phát được hạ nhiệt trong năm 2012 và những cánh đồng ngũ cốc bội thu của Mỹ được coi là cứu cánh cho Trung Quốc. Thế nhưng, chính quyền Bắc Kinh đang thực sự đứng trước bờ vực khủng hoảng bởi vựa lương thực mà họ hy vọng vừa bị thất bát nghiêm trọng do hạn hán kéo dài trên 80% lãnh thổ nước Mỹ. Các nhà quản lý Trung Quốc đang đau đầu để tìm nguồn cung lương thực khác thay thế. Nếu Bắc Kinh không tìm được nguồn cung thay thế, cuộc khủng hoảng thực sự sẽ nổ ra trên quy mô toàn cầu bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Với dân số hơn 1,3 tỷ người, sự “ vật vã trong đói ăn” của Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mang tính toàn cầu, đẩy thế giới vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, sự hỗn loạn, tranh chấp ở nhiều nơi trên thế giới đều tiểm ẩn những nguy cơ khiến thế giới lao đao. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, bất ổn trên dải Gaza hay nội chiến Syria cũng khiến thế giới thêm phần quan ngại về một năm 2013 đầy giông bão.

Tranh chấp lãnh thổ và xung đột vũ trang

Khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, các chuyên gia ngày càng lo ngại về khả năng một cuộc chạy đua vũ trang và thậm chí là xung đột vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương. Tranh chấp lãnh thổ tưởng như vô thưởng vô phạt ở những quần đảo xa xôi, hầu như không có người ở có thể châm ngòi cho những xung đột quân sự giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ có hiệp ước quân sự với Nhật nhưng cho tới nay vẫn tuyên bố không đứng về bên nào. Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn là “vấn đề nóng bỏng” trong năm 2013 với “nhiều khả năng khá cao bùng nổ xung đột nghiêm trọng trong khu vực. Trong khi về vấn đề Syria, giới chuyên gia cho rằng Thủ đô Damacus nằm dưới quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có thể rơi vào tay quân nổi dậy vào khoảng thời gian Giáng Sinh và dự báo sự khởi đầu của một "đồng thuận quốc tế" nhờ lập trường mềm mỏng hơn của Nga. Các chuyên gia dự đoán rằng, 2013 có thể là năm “bắt đầu một quá trình chuyển giao chính trị lâu dài và khó khăn” tại Syria.

Khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu

Về vấn đề khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và châu Âu, Jessica Mathews, Chủ tịch Viện Carnegie Endowment vì hòa bình thế giới cho rằng trong năm 2013, việc Mỹ và châu Âu có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế của họ sẽ có tác động lớn tới các điều kiện kinh tế, chính trị và cuối cùng là an ninh toàn cầu chứ không phải là các vấn đề chính sách đối ngoại.

Nếu như không có thỏa thuận nào đạt được giữa Tổng thống Mỹ Obama và phe Cộng hòa vào cuối năm nay, thì Mỹ sẽ va vào "vách đá tài chính" - kịch bản tăng thuế kèm theo cắt giảm mạnh ngân sách liên bang - sẽ tự động có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Thời gian không còn cho các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Tổng thống Barack Obama tìm kiếm một thỏa thuận để ngăn chặn “vực thẳm tài khóa” - thủ phạm bóp nghẹt nền kinh tế trong 18 tháng qua đối với khu vực đầu tư tư nhân, thì nền kinh tế mới có thể được phục hồi và tạo ra năng lượng và sức nặng cho Mỹ trong những vấn đề quốc tế. Nếu hai bên không thể đi đến một thỏa thuận trước cuối năm nay, "vách đá tài chính" được tin là có thể châm ngòi cho cuộc suy thoái khác ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Với châu Âu, GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo sẽ giảm 0,3% trong năm tới, nhưng giám đốc nghiên cứu Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings - ông Justin Vaisse, tin rằng, mức độ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tại Eurozone đã ở phía sau. Tuy nhiên, chuyên gia người Pháp bày tỏ sự lo lắng về tác động suy thoái toàn cầu với Trung Quốc. Vaisse nói về một viễn cảnh ảm đạm khi khu vực đồng euro cắt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc dẫn tới những hậu quả chính trị, xã hội ở Trung Quốc.