Những thách thức đối với tân Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha

ANTD.VN - Đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, thành viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Phalang Pracharat) lãnh đạo, vừa được Quốc hội Thái Lan bầu làm Thủ tướng mới của nước này. Nhưng những thách thức mà Chính phủ của ông phải đối mặt là không hề nhỏ.

Những thách thức đối với tân Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ảnh 1Ông Prayut Chan-o-cha được bầu làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan

Vượt xa ứng viên đối lập

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong đêm 5-6 sau cuộc tranh luận kéo dài tới 12 giờ đồng hồ của nghị sỹ các bên. Theo kết quả bỏ phiếu, đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, người đứng đầu đảng Tương lai Mới, nhận được. Ông Prayut Chan-o-cha không có mặt tại cuộc tranh luận cũng như cuộc bỏ phiếu nêu trên. Mặc dù ông Prayut Chan-o-cha không tham gia tranh cử ghế Hạ nghị sỹ trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng Hiến pháp Thái Lan không bắt buộc Thủ tướng phải là thành viên nghị viện.

Với việc lưỡng viện Quốc hội bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng kế tiếp ở thời điểm 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014, Thái Lan chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử. Kết quả bầu Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng này.

Thách thức không nhỏ

Trong thời gian đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan từ năm 2014, ông Prayut Chan-o-cha đã giúp chèo lái nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này phục hồi, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội tăng lên mức cao nhất trong 6 năm là 4,1% trong năm ngoái so với chỉ 1% trong năm 2014. 

Tuy nhiên, quý 1-2019, kinh tế Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2014 do xuất khẩu, du lịch và đầu tư công cùng yếu đi. Do đó, chính quyền của ông Prayut Chan-o-cha sẽ phải đối mặt với thách thức thúc đẩy nền kinh tế trong nước tăng trưởng cao hơn. 

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển sụt giảm trong bối cảnh lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế nước này. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào Thái Lan đã giảm một nửa từ năm 2014 xuống còn 89,7 tỷ baht (2,86 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) trong năm 2017. Đầu tư từ Mỹ và Liên minh châu Âu giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Do đó, thách thức không nhỏ của Chính phủ mới là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. 

Một thách thức khác của Thái Lan là làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Hiện GDP bình quân đầu người của Thái Lan khoảng 7.600USD, thấp hơn so với khoảng 11.000 USD của nước Malaysia láng giềng. 

Trong khi đó, hoạt động sản xuất sử dụng nhiều lao động như  hàng may mặc đã chuyển sang các nước láng giềng như Campuchia do lương công nhân ở đây thấp hơn. Chi phí lao động ở Thái Lan dường như sẽ tăng lên, do đảng Palang Pracharat cam kết tăng mức lương tối thiểu thêm 30%. “Thái Lan sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn nếu tăng lương cho người lao động”, Kriengkrai Thiênnukul, Phó chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cho biết.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, năm ngoái, Chính phủ nước này đã đưa ra một kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp mang tên Thái Lan 4.0, theo đó sẽ đưa ra các ưu đãi để thúc đẩy 10 ngành công nghiệp bao gồm robot và ô tô thế hệ tiếp theo. Thái Lan cũng tìm cách thu hút các công ty công nghệ cao vào Hành lang kinh tế phía Đông và nước này đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia Hiệp định thương mại Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Thái Lan đã không thể thiết lập chiến lược tăng trưởng do nhiều năm xung đột chính trị, nhưng chính quyền đã vạch ra được hướng đi”, Akio Egawa, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học St. Andrew ở Nhật Bản nhận định.

Việc chính quyền dân sự trở lại nắm quyền lãnh đạo Thái Lan có thể giúp mang lại nguồn vốn nước ngoài mà đất nước cần để phát triển. Tuy nhiên, việc đảng của ông Prayuth chiếm tỷ lệ  mong manh tại Hạ viện sẽ khác xa với sự kiểm soát gần như tuyệt đối mà ông nắm giữ trong suốt 5 năm cầm quyền vừa qua. Do đó, việc bỏ phiếu thông qua luật mới được cho là không hề dễ dàng. Trong khi đó, bất kỳ sự phá vỡ nào trong liên minh cầm quyền 19 đảng sẽ có nguy cơ gây trở ngại cho việc thực thi ngân sách hoặc luật pháp quan trọng khác.