Những tác phẩm văn học “kinh điển” lên… phim

ANTĐ - Công chúng đã có dịp thưởng thức những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của phim truyền hình Việt Nam như Chị Dậu (chuyển thể từ tác phẩm Tắt đèn - Ngô Tất Tố), Làng Vũ Đại ngày ấy (chuyển thể từ loạt truyện ngắn của nhà văn Nam Cao gồm Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc) hay nhiều tác phẩm khác cũng gây không ít sự chú ý như Giông tố, Số đỏ (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng), Lều chõng (Ngô Tất Tố)… Nhưng thời gian gần đây, những bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 thế kỷ trước gần như vắng bóng trên màn ảnh nhỏ, cho đến tận bây giờ, khi Hãng Phim Hội điện ảnh Việt Nam và Hãng phim truyện Việt Nam cùng bắt tay phục dựng những tác phẩm giai đoạn này trên phim. 

Mở đầu là bộ phim Ánh sáng kinh thành (kịch bản được chuyển thể từ 4 tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ) hiện đang quay được khoảng một nửa trong tổng số 30 tập phim. Bộ phim do hai nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể và được “chọn mặt gửi vàng” cho vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và NSƯT Phạm Nhuệ Giang. Trước đây, chúng ta cũng đã có một bộ phim Số đỏ (6 tập) của đạo diễn Hà Văn Trọng, do diễn viên Quốc Trọng đóng vai Xuân tóc đỏ. Nhưng trong tác phẩm lần này, đạo diễn Thanh Vân cho biết ngoài trung tâm câu chuyện là Số đỏ thì bộ phim còn được mở rộng bối cảnh xã hội thời đó bằng các chi tiết trong các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng. 

Việc khai thác những đề tài cũ, nhất là dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 khiến nhiều người e ngại về việc có thể nó quá nặng nề bởi tính bi kịch trong đời sống người dân giai đoạn thực dân nửa phong kiến vốn đã quá khác xa thời đại này. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Tôi đảm bảo khán giả sẽ rất thích xem bộ phim này vì nó phản ánh xã hội Hà Nội đang đứng trước sự “Tây hóa” với những nhăng nhố của nó. Sự cũ kỹ chỉ ở vấn đề thời gian, còn lại các vấn đề được phản ánh trong phim vẫn rất đương đại. Chúng tôi không tập trung khai thác sự nghèo nàn, những bi kịch của đời sống để lấy lòng khán giả như Chị Dậu hay Bước đường cùng, mà khai thác ở khía cạnh bi kịch văn hóa, nó vẫn rất thời sự. Những kẻ hợm hĩnh, cơ hội, nịnh nọt để thăng tiến như Xuân tóc đỏ thì thời nào cũng tồn tại, nhất là trong thời đại ngày nay càng nhiều hơn”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - Phó Giám đốc Hodafilm cho biết: Xuất phát từ thực tế tình hình phim truyền hình của chúng ta hiện nay đang có những khó khăn như thế hệ đạo diễn trẻ ít hiểu biết về những vấn đề cũ, chủ yếu họ bị chi phối quanh quẩn những đề tài tình yêu, sinh viên, tuổi teen… với tính giải trí cao. Hơn nữa, lịch sử văn học Việt Nam có một kho tàng quý các tác phẩm văn học nổi tiếng của giai đoạn 1930-1945 gồm có văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán, nếu thực hiện được serics phim về thời kỳ này thì đây là cơ hội để người xem thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật thành công một thời thông qua phim ảnh. Việc này cũng góp phần mang lại màu sắc tươi mới cho phim truyền hình.

Nhiều người cũng nghi ngờ về việc không bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đã không phản ánh đầy đủ tinh thần vốn có của nguyên bản. Chia sẻ băn khoăn này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng khi chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị lâu bền người làm phim không tránh khỏi áp lực vì chẳng dễ gì có những tác phẩm điện ảnh vượt qua được tác phẩm văn học. “Tuy nhiên, theo tôi mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ và đặc thù riêng. Chúng tôi lường trước được trách nhiệm nặng nề làm sao để tác phẩm điện ảnh có giá trị tương xứng với tác phẩm văn học”.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng cho biết bộ phim sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phục dựng, chọn bối cảnh. Cái khó là Việt Nam hiện chưa có phim trường nên mỗi lần dựng bối cảnh phim chỉ phục vụ cho 1 bộ phim dẫn đến đẩy kinh phí lên cao. Hơn nữa để phục dựng bối cảnh cách đây gần một thế kỷ không phải dễ cho những người làm phim. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng để bộ phim đến với khán giả phải đẹp đẽ về mặt hình ảnh” - ông cho biết. Dù vậy, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lại cho rằng, do dự án sẽ phục dựng nhiều bộ phim cùng giai đoạn nên nhiều trang phục, đạo cụ… có thể tận dụng dùng chung sẽ giảm kinh phí trong khâu này.