- Mỹ bắt đầu trục xuất hàng trăm người nhập cư bất hợp pháp
- Ông Donald Trump sẽ sử dụng quân đội Mỹ để trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp
Kế hoạch trục xuất gây chấn động
Trong động thái mới nhất nhằm đẩy mạnh việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, người nhập cư vi phạm pháp luật, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 29-1 vừa qua đã công bố kế hoạch gây chấn động đưa 30.000 người nhập cư bị trục xuất đến căn cứ quân sự Guantanamo mà Mỹ chiếm đóng trái phép của Cuba. Theo đó, Mỹ sẽ tiến hành mở rộng cơ sở giam giữ tại căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo (Cuba) để giam giữ tới 30.000 người nhập cư bị trục xuất.
Những người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ và đưa lên máy bay quân sự để trục xuất khỏi nước Mỹ |
Kế hoạch trên được tân chủ nhân Nhà Trắng công bố trong buổi ký đạo Luật Laken Riley, quy định việc giam giữ và trục xuất những người nhập cư bị buộc tội trộm cắp và bạo lực, ngay cả khi chưa bị kết án. Tổng thống Donald Trump lý giải rằng, những người này “quá nguy hiểm, chúng tôi không thể tin tưởng các quốc gia khác giữ họ”, vì thế Washington không muốn họ trở lại nên phải đưa họ đến “Guantanamo - nơi đó rất khó để trốn thoát” để giam giữ.
Kế hoạch mở rộng căn cứ Guantanamo - nơi trở thành trại giam khủng bố dưới thời Tổng thống George W. Bush năm 2002 và từng bị chỉ trích vì các cáo buộc tra tấn và giam giữ vô thời hạn - để giam giữ những người bị trục xuất là bước đi mới nhất nhằm thực hiện cam kết đẩy mạnh thực hiện cam kết khi tranh cử về việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, người nhập cư vi phạm pháp luật của ông Donald Trump. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20-1-2025, ông Donald Trump đã ký tới 10 sắc lệnh hành pháp liên quan cải tổ hệ thống nhập cư và vấn đề an ninh biên giới phía Nam, cũng như trục xuất người di cư với quy mô lớn và chống nhập cư trái phép. Tân Tổng thống Donald Trump cho biết, tổng số người nhập cư bất hợp pháp bị trục xuất khỏi nước Mỹ có thể lên tới con số 11 triệu người, trong đó có hơn 4 triệu người Mexico.
Trong số các sắc lệnh trên, đáng chú ý là sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới, tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hoàn thành xây dựng bức tường biên giới với Mexico và cho phép Lầu Năm góc triển khai lực lượng quân thường trực, cùng với các thành viên Vệ binh Quốc gia, tới khu vực này. Động thái này nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và tăng cường an ninh biên giới.
Một sắc lệnh đáng chú ý khác là việc chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ. Theo đó, trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ nhưng có cha mẹ không phải là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp sẽ không được tự động cấp quốc tịch Mỹ. Chính sách này nhằm giảm thiểu tình trạng “du lịch sinh con” và kiểm soát dân số nhập cư.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã đình chỉ chương trình tái định cư người tị nạn trong ít nhất 4 tháng để xem xét và cải tổ quy trình xét duyệt. Mục tiêu là đảm bảo rằng chỉ những người tị nạn đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh và nhân đạo nghiêm ngặt mới được phép nhập cảnh.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan của Mỹ (ICE) ngay sau đó đã đẩy mạnh hoạt động bắt giữ, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trên toàn nước Mỹ với hàng trăm người bị bắt giữ mỗi ngày. Các thành phố bị nhắm tới nhiều nhất là Boston, New York, Newark và San Francisco. Trong những ngày vừa qua, các cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành hàng loạt cuộc truy quét, bắt giữ hơn 530 người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất hàng trăm người bằng máy bay quân sự.
Những tác động sâu rộng
Lên tiếng về chiến dịch truy lùng, bắt giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavit tuyên bố, đây là “chiến dịch trục xuất quy mô lớn nhất trong lịch sử” để cho thấy nỗ lực hiện thực hóa cam kết của chính quyền. Những chính sách nhập cư mới được triển khai đầy cứng rắn và quyết liệt của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Người ủng hộ cho rằng chúng cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì trật tự xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về khả năng vi phạm quyền con người và tạo ra khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt là trong việc chia cắt gia đình và đối xử với người tị nạn.
Thậm chí, chiến dịch bắt giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp còn vấp phải sự phản đối từ một số quan chức, trong đó có Thị trưởng Newark (bang New Jersey) Ras J. Baraka. Quan chức này cho rằng, các đặc vụ Cơ quan ICE đã khám xét một cơ sở ở địa phương, tạm giữ cả người nhập cư không giấy tờ lẫn công dân Mỹ, mà không xuất trình lệnh khám xét.
Chính sách nhập cư mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng dẫn tới căng thẳng trong quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh như Brazil, Colombia… Bộ Ngoại giao Brazil ngày 27-1 vừa qua thông báo đã triệu một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ để trao đổi về việc trục xuất người di cư Brazil hiện đang gây nhiều tranh cãi trong quan hệ song phương.
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump mạnh tay trục xuất người nhập cư bất hợp pháp không có giấy tờ tại Mỹ được cho cũng sẽ gây ra những tác động sâu rộng không chỉ đối với nền kinh tế quốc gia này, mà còn có ảnh hưởng tới toàn cầu. Người nhập cư không có giấy tờ hiện chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lực lượng lao động của Mỹ, đặc biệt trong các ngành như xây dựng, chăm sóc sức khỏe và khách sạn, nơi lao động tay nghề thấp chiếm ưu thế.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Di cư, người nhập cư đóng góp vào khoảng 17% tổng số lao động tại Mỹ. Việc trục xuất hàng triệu lao động này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành nghề thiết yếu, từ đó làm tăng chi phí sản xuất và dịch vụ. Ông Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cho biết, ngăn chặn dòng người nhập cư và tăng cường trục xuất có thể khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm đáng kể về tiềm năng tăng trưởng. Một phân tích của Bloomberg cho thấy, việc trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp khỏi đất nước sẽ làm giảm GDP của Mỹ 8%.
Theo ước tính của Viện Thuế và Chính sách kinh tế, có khoảng 7,6 triệu người không có giấy tờ đang làm việc tại thị trường lao động Mỹ, tích lũy hơn 375 tỷ USD thu nhập vào năm 2022 và nộp 96,7 tỷ USD thuế vào năm 2022. Việc mất đi nguồn thu thuế đó có thể gây khó khăn cho chương trình nghị sự cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump.
Chưa kể quá trình trục xuất người nhập cư cũng rất tốn kém. Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Nhập cư Mỹ, chiến dịch trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ có thể tiêu tốn khoảng 315 tỷ USD.
Chính sách trục xuất hàng triệu người nhập cư không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà còn gây ra những hệ lụy sâu rộng đối với các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh. Theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) kiều hối đóng góp khoảng 24% GDP của El Salvador (hơn 8 tỷ USD), 20% GDP của Honduras (hơn 9 tỷ USD) và 15% GDP của Guatemala (gần 20 tỷ USD). Trong khi với Mexico, lượng kiều hối đổ về quốc gia này năm 2023 tới hơn 63,4 tỷ USD, đóng góp 3,5% GDP. Nếu chính sách trục xuất người di cư của Mỹ được duy trì và mở rộng, các quốc gia nói trên có thể đối mặt với tình trạng giảm thu nhập từ kiều hối, kéo theo một loạt tác động tiêu cực đến nền kinh tế, từ giảm tiêu dùng đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và bất ổn xã hội.
Thế nên, chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tác động sâu sắc đến các quốc gia trong khu vực cũng như mối quan hệ của Mỹ với các nước láng giềng.