Những sai lầm khiến bệnh tay chân miệng ngày càng trở nên trầm trọng hơn

ANTD.VN - Vài năm trở lại đây, nhờ công tác tuyên truyền, ý thức phòng bệnh cũng như hiểu biết về bệnh tay chân miệng của nhiều bậc phụ huynh đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cha mẹ chăm sóc trẻ không đúng cách khiến trẻ gặp phải biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thông tin trên Báo Vietnamnet, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương của tỉnh Hòa Bình. Điều đáng lo ngại, ở một số vùng đã xuất hiện những ổ dịch lớn.

Trẻ em mắc bệnh chân tay miệng ngày càng gia tăng tại Hòa Bình

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình cho thấy, số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian gần đây (tháng 9 ghi nhận 52 ca, tháng 10 ghi nhận 33 ca). Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở 10/11 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình. Trong đó, huyện Lạc Thủy 26 ca, huyện Cao Phong 24 ca, TP Hòa Bình 16 ca, Yên Thủy 15 ca, Mai Châu 11 ca... Riêng huyện Cao Phong hiện có 4 ổ dịch tại các xã: Thung Nai, Yên Lập, Bình Thanh và Dũng Phong.

Ông Đinh Văn Vinh - Trạm trưởng Trạm y tế xã Bình Thanh cho biết, huyện Cao Phong, từ tháng 9 đến giữa tháng 10 năm nay, Trạm y tế xã ghi nhận có 3 trường hợp bị chân tay miệng đến khám và điều trị tại trạm. Hầu hết các cháu phát hiện bệnh ở nhà, đưa đến trạm khám, chữa. Gia đình cũng báo với nhà trường cho các cháu nghỉ học. Những ca bệnh này phát hiện ở những ổ dịch cũ từ năm trước.

Mùa lạnh là thời điểm thuận lợi để bệnh chân tay miệng bùng phát, đe dọa sự an toàn của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cần nắm vững các kiến thức về bệnh, đặc biệt là những dấu hiệu nhận biết và những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh.

Bệnh tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác

Một bài viết trên Báo Dân trí cho biết, theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng có những biểu hiện dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác nên có thể gây ra chẩn đoán sai, ảnh hưởng đến việc điều trị. Để phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh khác, cần để ý tới những triệu chứng.

Bệnh tay chân miệng có thể bị nhầm lẫn với bệnh loét miệng bởi các vết loét. Các vết loét miệng thường nhỏ, đường kính 1 - 3mm, xuất hiện đơn độc hay thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi, hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng xám hay vàng. Trong khi đó, vết loét ở miệng do bệnh tay chân miệng thường là đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Điểm khác nhau rõ nhất giữa sốt virus và tay chân miệng là sốt virus có thể giảm xuống sau khi dùng thuốc hạ sốt, người bệnh tỉnh táo. Còn nếu là sốt do bệnh tay chân miệng thì thường kèm theo những nốt ban ở tay, chân và miệng.

Bệnh tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với thủy đậu bởi các nốt ban tương đối giống nhau

Những vết phát ban trên da, kèm theo sốt cũng có thể khiến cho bệnh tay chân miệng dễ bị nhầm với bệnh sốt phát ban, dị ứng, thủy đậu... Nếu là sốt phát ban thì các nốt ban thường xen kẽ toàn thân, mịn và có thể kèm theo hạch sau tai. Ngược lại, phát ban do tay chân miệng xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông... và hiếm khi bị loét.

Những sai lầm cha mẹ hay mắc phải khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Theo Báo Gia đình và xã hội, BS Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm – Thần Kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết, thời gian qua, nhờ tuyên truyền, ý thức phòng bệnh cũng như hiểu biết về bệnh đã cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cha mẹ chăm sóc trẻ không đúng cách khiến trẻ gặp phải biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vệ sinh sai cách

Trẻ mắc bệnh này trong miệng thường có những tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra tạo thành vết lở loét, để sát trùng nhiều mẹ dùng muối, chanh khiến cho da trẻ càng tổn thương nhiều. Hay như quan niệm trẻ cần phải kiêng tắm gội. Thật ra nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nên nhiễm trùng da đi kèm.

Chỉ lưu ý là khi tắm cho trẻ nên ở phòng kín, không dùng xà phòng, tránh làm vỡ nốt phỏng, làm các vết loét nặng hơn và tăng nguy cơ bị bội nhiễm. Sau khi tắm thì nên sử dụng các thuốc bôi như betadine sát khuẩn. Ngoài ra, vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ. Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước vì sẽ có tác dụng làm sạch miệng.

Cho trẻ ăn kiêng quá mức

Cha mẹ không nên cho trẻ ăn kiêng quá mức để tránh thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sức đề kháng. Ảnh minh họa

Trẻ bị tay chân miệng với những mụn nước ở miệng làm trẻ đau đớn, khó chịu khi ăn uống nên trẻ rất lười ăn. Nhiều người lại cho trẻ ăn kiêng quá mức, tránh các loại đồ tanh làm trẻ thiếu hụt dinh dưỡng, sức đề kháng giảm. Cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lưu ý thức ăn nên làm mềm như cháo, bột vì thức ăn cứng dễ làm đau rát miệng. Không ép trẻ uống các loại nước vị chua hoặc quá nóng làm trẻ đau họng thêm. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho trẻ.

Bố mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa…

Không cách ly trẻ

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng, chất dịch từ mụn nước… của người bệnh. Tuy nhiên, có nhiều gia đình không ý thức được nên vẫn cho trẻ đến lớp, chơi với trẻ khác khi con có dấu hiệu bệnh, dẫn tới dịch lây lan rộng hơn. Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Ngoài ra, một số trường hợp nhầm bệnh với loét miệng nên điều trị muộn. Nếu là viêm loét miệng bình thường, các vết loét thường nhỏ, xuất hiện ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Khi có bọng nước, lại xuất hiện các triệu chứng nặng như nôn ói, sốt cao khó hạ… cần đưa trẻ vào viện ngay.