Những quan niệm sai lầm về ung thư khiến bệnh càng trầm trọng

ANTD.VN - Những quan niệm sai lầm về ung thư có thể gây ra những lo lắng và ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Những quan niệm sai lầm về ung thư khiến bệnh càng trầm trọng ảnh 1Để việc điều trị ung thư hiệu quả, cần tuân thủ những chỉ định của bác sĩ chuyên ngành

Ăn đường làm ung thư phát triển nhanh hơn

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư hấp thụ nhiều đường hơn các tế bào bình thường. Nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn đường hoặc thực phẩm ngọt sẽ làm trầm trọng thêm bệnh ung thư. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường có thể khiến bạn tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Những người béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn. 

Bị ung thư không được mổ

Theo chuyên môn, nguyên nhân là khi phẫu thuật nếu không lấy được toàn bộ bướu sẽ kích thích phản ứng viêm, làm tăng sinh mạch máu và thúc đẩy các tế bào ung thư ở trạng thái “ngủ yên” chuyển sang trạng thái hoạt động, tăng sinh. Chính vì vậy điều trị ung thư phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên ngành để hạn chế thấp nhất tái phát và di căn của ung thư. 

Không bổ sung dinh dưỡng đúng mức

Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... Nhiều người còn không ăn thịt đỏ, chất đạm, uống sữa, ăn thịt, trứng mà chỉ ăn chay. Sai lầm này khiến bệnh nhân suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong. Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống cần đầy đủ và cân đối, kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích trước, trong và sau quá trình điều trị. 

Nhịn ăn để diệt trừ tế bào ung thư

Khi nhịn ăn, tế bào ung thư chết cũng kéo theo các tế bào khác trong cơ thể chết theo. Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta cũng sẽ tử vong. Ngược lại, người bệnh khi đang điều trị ung thư sẽ cần phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng, đáp ứng quá trình điều trị của nhiều loại thuốc nặng.

Bệnh ung thư có tính lây lan

Ung thư là bệnh không lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc... Bạn không thể bị lây bệnh ung thư từ người mắc bệnh ung thư. Mặc dù ung thư không lây từ người sang người, nhưng một số loại virus có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư như: Viêm gan B hoặc C lây lan qua đường quan hệ tình dục hoặc đường máu (dùng chung kim tiêm bị nhiễm bệnh) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Virus gây u nhú ở người (HPV) là một bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Đi dự đám tang khiến bệnh di căn nhanh 

Việc đi dự đám tang sẽ không  dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh quay trở lại. Vì một trong những đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn. Khi chữa ung thư, phải luôn tuân thủ việc tái khám. Nếu giai đoạn sớm, nguy cơ tái phát ít nhưng không ai dám chắc sẽ diệt được tế bào ung thư cuối cùng. Cảm giác mệt mỏi mà những người bệnh nhận thấy sau khi dự đám tang là do ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đây cũng là cảm giác xảy ra không chỉ với người bệnh ung thư mà với bất cứ người nào.

Ung thư không thể chữa khỏi

Ở các nước có nền y tế phát triển, 50% bệnh nhân ung thư chữa khỏi bệnh nhờ phát hiện sớm. Ở nước ta, tỷ lệ chữa khỏi thấp bởi 80% người bệnh được phát hiện muộn. Nhiều người tin vào cách chữa phản khoa học,  mê tín dị đoan..., đến khi bệnh nặng quá mới tới bệnh viện thì đã chậm. Bệnh ung thư nguy hiểm nhưng 1/3 có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi ở giai đoạn sớm, 1/3 kéo dài cuộc sống ở giai đoạn muộn.

Chữa bệnh theo lời mách bảo

Không ít người khi biết mình bị ung thư đã không đến ngay các cơ sở y tế để điều trị, mà nghe theo các lời mách bảo truyền miệng như uống các loại thuốc lá, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Đây là hành động vô tình làm người bệnh tự đánh mất đi thời gian vàng điều trị bệnh. Sau khi điều trị bằng thuốc lá không có hiệu quả, bệnh nặng lên, người bệnh mới quay trở lại điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn.