Những phụ nữ Philippines mắc kẹt ở UAE vì “phạm tội tình ái”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi Reyna bắt taxi đến nhà tù Al-Awir ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cô hy vọng sẽ được nhận làm tù nhân. Người phụ nữ Philippines làm nghề giúp việc gia đình này mang theo con trai 3 tháng tuổi nhưng cô bị từ chối, vì đại dịch Covid-19. Thực tế, có hàng nghìn trường hợp phụ nữ nhập cư có con sinh ra ngoài hôn nhân ở UAE như Reyna.
Lao động nhập cư thất nghiệp xếp hàng nhận gạo hỗ trợ ở Dubai

Lao động nhập cư thất nghiệp xếp hàng nhận gạo hỗ trợ ở Dubai

Vào tù vì lỡ… có con

Reyna mất việc trong trận đại dịch; cô không thể trả tiền thuê nhà hoặc tiền ăn và rất muốn trở về quê hương. Nhưng để được phép rời UAE, trước tiên, người phụ nữ này phải thụ án vì quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, hành vi bất hợp pháp theo luật của đất nước Hồi giáo này.

Con trai của Reyna - bằng chứng phạm tội của cô - không có quốc tịch, vì chưa được đăng ký khai sinh. “Ở đây khổ lắm. Tôi không có tiền, không có visa. Nếu ở một mình, tôi có thể về nhà, nhưng tôi không thể. Vấn đề là đứa bé”, Reyna, 30 tuổi nói. Reyna đề nghị được bỏ tù nhưng cô đã bị từ chối. Để giảm thiểu sự lây lan của Covid-19 trong các trại giam, UAE đã giảm số lượng phạm nhân. Điều này có nghĩa, những bà mẹ nhập cư chưa lập gia đình bị mắc kẹt ở đất nước Vùng Vịnh vì họ vẫn bị yêu cầu chấp hành án tù tại một thời điểm nào đó trước khi được phép rời đi. “Đối với những bà mẹ chưa chồng, nhà chức trách sẽ không dễ dàng tha thứ cho “tội phạm tình ái”, ông Barney Almazar, luật sư tại Gulf Law, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người lao động nhập cư nói.

Theo quy định, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bắt buộc phải thông báo về các trường hợp sinh con mà chưa kết hôn, thế nên những phụ nữ trong hoàn cảnh như vậy thường quyết định sinh con tại nhà mà không cần hỗ trợ y tế chuyên nghiệp. Khi bắt đầu chuyển dạ, Maria, 32 tuổi, liên tục chạy lên - xuống cầu thang trong tòa nhà của mình hy vọng đẩy nhanh quá trình sinh con và tránh cho 9 người bạn cùng phòng của cô gặp bất tiện. “Mọi việc diễn ra chỉ trong 1 giờ. Tôi đã trả tiền cho một phụ nữ trong cộng đồng của chúng tôi để giúp tôi cắt dây rốn cho em bé”.

Những bà mẹ nhập cư chưa lập gia đình bị mắc kẹt ở đất nước Vùng Vịnh vì họ vẫn bị yêu cầu chấp hành án tù tại một thời điểm nào đó trước khi được phép rời đi. “Đối với những bà mẹ chưa chồng, các nhà chức trách sẽ không dễ dàng tha thứ cho “tội phạm tình ái”, ông Barney Almazar, luật sư tại Gulf Law, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người lao động nhập cư nói.

Giống như hàng nghìn phụ nữ khác từ Philippines, Maria đến UAE để làm giúp việc gia đình với thị thực do chủ lao động bảo trợ. Nhưng cô đã bị ông chủ lạm dụng. “Tôi không được phép ăn nhiều, ông ấy còn giữ điện thoại của tôi”. Một buổi sáng, khi ông chủ đi làm, Maria cuốn gói đồ đạc bỏ đi. Nhưng lúc đó cô vừa mới sang, không có bạn bè hay người thân nào giúp đỡ. Cha của con cô, một công nhân nhập cư từ

Pakistan, là một người cô quen trên mạng xã hội. “Khi tôi có thai, anh ấy đã bỏ đi. Anh ấy chưa bao giờ gặp con”. Con gái của Maria hiện đã 2 tuổi và họ vô gia cư. Cô đã tự nộp mình cho nhà chức trách vào tháng 2 và ngồi tù 2 tháng với con mình, trước khi được thả ra vì tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng. Giờ cô đang chờ để được vào trại giam tiếp. “Chúng tôi ở trong trung tâm mua sắm cả ngày, đến đêm thì tới nhà bạn ngủ nhờ trên sàn nhà”, người phụ nữ này nói.

Đường về xa ngái

Một trường hợp khác, Sarah, 36 tuổi, rời Philippines cách đây 10 năm khi cặp song sinh của cô được 6 tháng. Chúng đang được bà ngoại chăm sóc. Sarah chưa gặp họ kể từ đó, và cô hiện có một cô con gái khác - Layla, sinh ra ở Dubai. “Tôi gọi điện video cho các con tôi ở nhà. Nhưng đôi khi chúng không muốn nói chuyện. Hai cô chị không hiểu tiếng Anh còn Layla không hiểu ngôn ngữ của chúng tôi”, Sarah nói.

Trong số 9,9 triệu dân của UAE, khoảng 70% là lao động nhập cư, chủ yếu đến từ châu Á, làm việc trong lĩnh vực xây dựng, khách sạn, bán lẻ, giúp việc gia đình và lái xe taxi. Những lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, gây ra làn sóng thất nghiệp ở người di cư. Trước đại dịch, khi vẫn đang kiếm được tiền, Sarah gửi bé Layla đến một trường học không chính thức ở Dubai. Một phụ nữ Philippines khác đứng ra nhận dạy cho những đứa trẻ không có giấy tờ tùy thân. Học phí là 600 dirham (163USD) mỗi tháng, trong khi tiền lương của người mẹ là 3.000 dirham. Chiếc giường tầng dưới cùng mà họ ở chung trong phòng ký túc xá có mức phí 750 dirham.

Các bà mẹ nói rằng, lãnh sự quán Philippines ở Dubai ưu tiên đưa những người bị hủy visa về nước, chứ không phải họ. Việc tiếp cận lãnh sự quán để được hỗ trợ cũng rất khó khăn vì đôi khi những người mẹ bị mắng là đến UAE làm việc chứ không phải để sinh con. “Họ đã khiến tôi khóc. Tất cả chúng tôi đều muốn quay về, nhưng điều đó thật khó khăn. Đúng, chúng tôi đã mắc sai lầm, nhưng tất cả chúng tôi đều là con người”, Sarah ấm ức nói.