Những ông chồng “nghiện” mua sắm

ANTĐ - Lấy nhau gần hai năm, nhưng chị Nguyễn Thuỳ Trang ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đến giờ vẫn phát sốt vì thói “nghiện” hàng hiệu của chồng. Ngoài số tiền đưa cho chị Trang hàng tháng để chi trả sinh hoạt phí cho gia đình, khoản tiền lương còn lại đều được chồng chị “nướng” hết vào thời trang hàng hiệu…

Thay đổi “mốt” hơn vợ

“Từ trước đến nay thích mua sắm được coi là một trong những “căn bệnh” đặc trưng của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, chồng tôi lại mắc “nghiện” mua sắm nặng tới mức tôi không tìm ra cách nào để có thể khuyên bảo được anh ấy. Nhìn tủ quần áo, giày dép và những phụ kiện đi kèm, tôi nghĩ anh ấy có thể mở được một cửa hàng thời trang...”, chị Trang thở dài ngao ngán. Đã nhiều lần chị Trang góp ý với chồng nhưng đều nhận được thái độ không hợp tác khi chồng chị giải thích: “Mua sắm là niềm đam mê lớn nhất của anh. Chồng người ta còn nghiện đủ thứ, anh chỉ có thói quen mua sắm, em không phải lo anh nướng tiền vào cờ bạc, rượu chè. Vả lại anh ăn mặc tươm tất em cũng được tiếng là người vợ chu đáo, biết cách chăm sóc chồng con…”.  

Về vấn đề trên, bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc gia đình Việt Nam cho rằng, đàn ông nghiện mua sắm không phải là điều đáng lo nếu như bản thân họ có đủ khả năng về tài chính. Tuy nhiên, so với phụ nữ, văn hoá mặc của đàn ông đơn giản hơn nhiều, bởi họ chỉ cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng là đủ. Đàn ông ăn mặc trau chuốt, cầu kỳ quá mức là điều không cần thiết.

Chị Trang còn tâm sự, chính vẻ ngoài sành điệu, tươm tất, lịch thiệp của anh Tuấn chồng chị đã khiến chị say nắng ngay từ lần gặp đầu tiên. Nhưng lấy nhau rồi chị Trang mới phát hiện ra thói quen nghiện mua sắm của anh đến phụ nữ cũng phải chào thua. Để đáp ứng được thói quen xa xỉ ấy, gần như tiền lương hàng tháng của anh đều chỉ dành để mua sắm quần áo, giày dép... Mỗi lần đi qua cửa hàng thời trang, chồng chị không thể kiềm chế được niềm đam mê mua sắm và lại mang về nhà vài món đồ. Vì thế, số tiền mà anh đưa về cho chị chẳng còn được là bao. Cũng bởi chuyện này mà vợ chồng chị Trang không ít lần lời qua tiếng lại. “Trong khi chúng tôi còn có nhiều khoản chi tiêu khác quan trọng hơn thì anh ấy lại “vung tay quá trán” để thoả mãn thói quen mua sắm. Tiền lương hàng tháng của anh ấy không phải là ít, nhưng số tiền đưa về cho vợ chỉ đủ lo những khoản lặt vặt trong gia đình. Còn lại đều quy ra quần áo, giày dép, thắt lưng. Tôi nghĩ đàn ông đâu cần phải cầu kỳ, thay đổi “mốt” này, “mốt” kia như phụ nữ”, chị Trang than thở.

Để không phung phí và quá trớn

Cùng có chung sở thích mua sắm giống chồng chị Trang nhưng chỉ khác là món đồ mà anh Thanh - chồng chị Phương Thủy, ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm ham mê là những sản phẩm điện tử, công nghệ cao. Anh Thanh luôn cập nhật mọi thông tin về sản phẩm công nghệ số của các hãng lớn và hễ có chiếc điện thoại hay chiếc máy tính bảng đời mới ra là y như rằng anh phải tìm mọi cách mua cho bằng được. Mỗi lần “lên đời” điện thoại hay máy tính, anh Thanh đều giấu vợ. Khi chị Thủy biết và tỏ thái độ không hài lòng thì anh biện minh: “Anh làm ra tiền thì anh mua, anh có lấy tiền của em đâu mà em càu nhàu. Mỗi người một sở thích, em đừng can thiệp…”. Chị Thủy than phiền: “Tiền lương hàng tháng của anh ấy tôi không kiểm soát gắt gao, bởi số tiền anh ấy đưa về cho vợ con cũng tạm đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Điều làm tôi cảm thấy khó chịu là điện thoại, máy tính mua về không được bao lâu thấy người khác có cái “xịn” hơn là anh ấy lại đổi, nhất định không chịu kém cạnh, dù những món đồ đang sử dụng vẫn còn tốt. Mình đâu phải đại gia mà có thú chơi xa xỉ như thế được. Con cái học hành tốn kém, trăm thứ phải lo mà anh ấy cứ tiêu tiền kiểu này chắc có ngày mẹ con tôi ra đứng đường…”. 

Trong những trường hợp này, bà Tuý đưa ra lời khuyên: “Để kiểm soát thói quen có phần phung phí và quá trớn của những ông chồng, người vợ nên để họ tận mắt chứng kiến những khoản chi tiêu sinh hoạt trong gia đình thông qua những hóa đơn điện, nước, tiền học phí của con,… và vô số những khoản tiền khác cần phải chi trả để họ hiểu được điều gì là cần thiết và đặt quan tâm lên hàng đầu. Từ đó, họ sẽ tự suy ngẫm điều chỉnh cách chi tiêu hợp lý hơn. Bên cạnh đó, người vợ cũng nên thẳng thắn phân tích cho chồng hiểu cần phải có sự tích lũy đề phòng những lúc khó khăn, bệnh tật bất ngờ xảy ra trong gia đình. Nếu vẫn chưa có tác dụng, cách tốt nhất là nên nhờ tới sự can thiệp của bố mẹ hai bên và những người thân để giúp người chồng điều tiết lại thói quen chi tiêu của mình”.