Những nữ dũng sĩ trên mặt trận kinh tế

ANTĐ - Phát biểu tại diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam diễn ra sáng 12-10, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đội ngũ doanh nhân được sàng lọc qua khó khăn của nền kinh tế thực sự là những dũng sĩ. Đặc biệt, đội ngũ nữ doanh nhân vừa phải đương đầu với những khó khăn trên thương trường, vừa gánh trọng trách không thể thay thế trong gia đình.
Những nữ dũng sĩ trên mặt trận kinh tế ảnh 1
Trao Cúp Bông hồng vàng - một trong những hoạt động tôn vinh nữ doanh nhân 

Phụ nữ làm chủ hơn 20% doanh nghiệp

Bà Mai Thị Diệu Huyền- Trưởng phòng Hội đồng Doanh nhân nữ (VCCI) cho biết, hơn 20% số doanh nghiệp và 1/3 số hộ kinh doanh cá thể hiện nay do nữ doanh nhân làm chủ. Trong đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoặc siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này đa số là nhà hàng, khách sạn, giáo dục đào tạo, y tế, hoạt động văn hóa thể thao, dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản và da giày...

Mặc dù sở hữu doanh nghiệp có quy mô không lớn, song các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP của đất nước, tạo ra của cải vật chất và việc làm cho người lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội và góp phần tích cực thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội. 

Đánh giá cao lực lượng nữ doanh nhân Việt Nam, bà Tanya Hiple - Cố vấn cao cấp, Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ, để trở thành doanh nhân phải mất nhiều thời gian, sức lực. Ở các quốc gia khác, số lượng nữ doanh nhân ít hơn rất nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của nữ doanh nhân để lực lượng này đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế. 

Vượt qua 4 trở ngại lớn

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, ngay trong quá trình khởi sự, nữ doanh nhân thường khó khăn hơn nhiều so với nam giới. Bên cạnh đó, “nữ doanh nhân khó điều hành và mở rộng doanh nghiệp được thành công như nam đồng nghiệp, bởi họ còn chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội và những hạn chế về trình độ, kỹ năng, thời gian, nguồn lực. Họ cần cố gắng và nỗ lực hơn nam giới rất nhiều để đảm bảo cân bằng cuộc sống và gia đình”- Phó Viện trưởng CIEM cho hay.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh- Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, các trở ngại liên quan đến truyền thống văn hóa và nhận thức xã hội là khó khăn không nhỏ đối với người phụ nữ đứng đầu doanh nghiệp. Kết quả khảo sát gần đây của Hội đồng doanh nhân nữ cho thấy, phụ nữ vẫn là người chăm sóc gia đình để đàn ông gánh vác kinh tế. Định kiến này đã cản trở các ý tưởng khởi sự kinh doanh của nữ giới. Hơn nữa, trong khi nam giới tự tin vì có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để bắt đầu kinh doanh, có nhiều kế hoạch mở rộng doanh nghiệp, sẵn sàng đầu tư mạo hiểm thì nữ doanh nhân  lại tự ti với nhận thức bản thân. Khả năng chấp nhận rủi ro, mạo hiểm của nữ doanh nhân cũng thấp hơn so với nam giới. 

Vì vậy, để thành công, nữ doanh nhân phải nỗ lực để vượt qua 4 trở ngại lớn là thiếu tiếp cận về giáo dục và đào tạo kiến thức kinh doanh cần thiết; những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường; khó khăn trong việc vay vốn tại ngân hàng; và cuối cùng là việc thường thiếu mạng lưới, sự cố vấn và cơ hội lãnh đạo trong kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hậu thuẫn từ gia đình và xã hội cũng sẽ giúp các nữ doanh nhân thêm “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Theo thống kê mới đây, 45,4% nữ doanh nhân kinh doanh nhà hàng; 29,8% hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Lĩnh vực y tế có 28,3% và văn hóa thể thao có 28,2% nữ doanh nhân tham gia. Ở lĩnh vực sản xuất, phân phối điện và nông nghiệp, tỷ lệ nữ doanh nhân tham gia thấp nhất, lần lượt là 2,7% và 4,7%.