Những nốt trầm của khúc tráng ca Thành cổ Sơn Tây

ANTD.VN - Thành cổ Sơn Tây là một trong rất ít những tòa thành cổ ở miền Bắc còn giữ lại được khuôn viên như thuở ban đầu. Ai đến đây lần đầu đều ngỡ ngàng trước một tòa thành xây dựng trên vùng xứ Đoài huyền thoại và lòng không khỏi bồi hồi về một thời dĩ vãng.

Những nốt trầm của khúc tráng ca Thành cổ Sơn Tây ảnh 1

Vì sao người Pháp phải quyết hạ thành Sơn Tây? 

Thành cổ Sơn Tây được xây theo kiểu “Vô băng” (Vauban) - một kiểu thành phổ biến của nhà Nguyễn. Nổi bật nhất là đường hào nước chạy xung quanh thành sâu và rộng, là tuyến phòng thủ ngăn cản sự xâm nhập từ bên ngoài vào trong. Điều đáng chú ý là những con hào kiểu này ở các thành cổ Việt Nam hầu như không còn tồn tại. Thành Sơn Tây tuy không lớn nhưng may mắn giữ lại được những nét cơ bản của khuôn thành cùng con hào này. Nước trong hào xanh đậm, hệt như nước hồ Gươm với nhiều tảo lục.

Tất nhiên Thành cổ Sơn Tây không chỉ là một nơi để chiêm ngưỡng. Nó ghi dấu một trận đánh cực kỳ ác liệt của quân Pháp với quân kháng chiến. Trận đánh vào Thành cổ Sơn Tây năm 1883 là trận đánh quân Pháp sử dụng nhiều phương tiện quân sự và lực lượng đông nhất, cũng là trận đánh chịu thiệt hại nặng nề nhất cho đội quân viễn chinh khi đánh Bắc Kỳ.

Vì sao người Pháp phải quyết hạ thành Sơn Tây cho kỳ được? Vì đó là nơi ẩn náu, tụ họp của một cái gai khiến người Pháp đau đớn. Đội quân Cờ đen, dưới sự điều khiển của Lưu Vĩnh Phúc, được sự thu phục bởi Hoàng Kế Viêm đã giáng cho Pháp những đòn nặng nề ở Hà Nội với hai viên chỉ huy là Đại úy F.Garnier và Thiếu tá Henri Rivière đều tử trận. Quân Pháp muốn tiêu diệt sự phản kháng và khu vực Sơn Tây và thành cổ là một trọng điểm phòng thủ.

Hoàng Kế Viêm - Vị võ tướng uy quyền

Cũng nên nhắc đến hai nhân vật trực tiếp liên quan tới trận đánh lên Sơn Tây và ngôi thành cổ này. Một là Hoàng Kế Viêm (1820-1909) vốn là phò mã của triều đình Huế. Hoàng Kế Viêm lấy Công chúa Hưng La, con gái thứ năm của Vua Minh Mạng và trải qua nhiều chức vụ trước khi trở thành tướng trận mạc. Khi đó miền Bắc loạn lạc, các đội quân lưu vong bên kia biên giới tràn sang rất nhiều.

Dư đảng của quân Thái Bình Thiên Quốc đã lập thành các nhóm Cờ đen, Cờ vàng, Cờ trắng và quấy nhiễu rất nặng các tỉnh biên giới phía Bắc. Triều đình nhà Nguyễn đã rất vất vả trong việc đánh dẹp và thu phục. Thậm chí những loạn quân này đã bắt và giết chết Tổng thống quân vụ Bắc kỳ Đoàn Thọ. Trong tình thế đó, Hoàng Kế Viêm được cử ra Bắc để lĩnh nhiệm vụ quân sự quan trọng, phối hợp cùng với Tôn Thất Thuyết đánh dẹp các loạn đảng. Và Hoàng Kế Viêm dần trở thành là một trong những vị võ tướng có uy quyền và đảm lược nhất lúc bấy giờ. 

Hoàng Kế Viêm, bằng tài năng và sự cởi mở của mình vừa đánh vừa ngoại giao. Ông đã thu phục được loạn đảng mạnh nhất lúc bấy giờ là quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc và đã dùng chính lực lượng này để đánh tan các Đảng Cờ vàng, Cờ trắng và dùng họ phối hợp đánh Pháp. Trong việc quân Cờ đen đánh Pháp ở Hà Nội lâu nay người ta đề cao vai trò của Lưu Vĩnh Phúc nhưng thực ra những chiến tích này người có công lớn chính là Hoàng Kế Viêm, ông đã có công thu phục quân Cờ đen và phối hợp đánh Pháp.

Hoàng Kế Viêm sau trận đánh thành Sơn Tây đã bị buộc quay về Huế theo lệnh triều đình nhưng ông không tuân lệnh, quyết ở lại đánh Pháp và chỉ đến khi cả Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ ông mới chịu quay về nhưng vẫn không thỏa hiệp với phe chủ hòa. Ông là người theo phái chủ chiến mạnh mẽ và có những ảnh hưởng lớn tới triều chính lúc bấy giờ.

Hoàng Kế Viêm ngoài là võ tướng uy dũng, ông còn viết những quyển sách có giá trị, đặc biệt ông rất yêu quý cha mẹ, vợ mình. Ông đã viết hẳn một quyển sách về tiểu sử Công chúa Hương La (vợ ông) và một vài quyển khác ghi lại lời răn dạy của thân phụ ông với con cháu. Nhà viết tuồng Đào Tấn khi ông mất đã viết một bài thơ tưởng niệm bậc anh hùng:

“Trong quân không rượu để khuyên sầu

Bến Cát đành cam phụ cặp bầu

Nam Bắc bao năm rong ruổi ngựa,

Quan hà muôn thuở tiễn đưa nhau

Gió hiu nâng gối tan buồn vặc

Trăng lụa xuyên rèm tỉnh mộng thu

Thức giấc, núi xưa người chẳng thấy

Trên sông sáng sớm bóng non cao”.

Những nốt trầm của khúc tráng ca Thành cổ Sơn Tây ảnh 3Thành cổ Sơn Tây được xây theo kiểu “Vô băng” (Vauban) - một kiểu thành phổ biến của nhà Nguyễn

Lưu Vĩnh Phúc - những đòn chí tử của viên tướng yêng hùng

Còn về Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) thủ lĩnh của quân Cờ đen, người đã chỉ huy nhiều trận chiến với thực dân Pháp nói chung và trong thành Sơn Tây nói riêng cũng là một vị tướng yêng hùng. Đội quân của Lưu Vĩnh Phúc đã giáng cho quân Pháp những đòn chí tử. Ở trận đánh lên Sơn Tây, quân Pháp huy động 6.000 binh lính và số bị chết là hơn 80 người trong đó có nhiều sĩ quan chỉ huy. 

Nhưng ít người biết rằng sau đó, khi  Lưu Vĩnh Phúc trở về cố hương, ông đã kết thân với Hoàng Phi Hồng - một trong những võ sư nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc để chống lại quân Nhật và vị trí cao nhất mà Lưu Vĩnh Phúc từng đảm nhiệm là Tổng thống thứ nhì và cuối cùng của Đài Loan dân chủ (1895-1896). 

Thành cổ mang trong mình cả máu và nước mắt

Quay lại thành cổ Sơn Tây, đây là một ngôi thành có những điểm đặc biệt mà hiếm nơi nào có - Đó là ngôi thành được xây bằng đá ong, thứ vật liệu sẵn có và bền chắc của vùng đất xứ Đoài. Những viên đá ong khi ở trong lòng đất thì mềm, dẻo, có thể cắt tùy ý theo hình dạng nhưng khi mang lên mặt đất một thời gian, phong gió làm cho đá ong vô cùng rắn chắc, là thứ vật liệu tốt, sẵn có, dễ sử dụng trong xây dựng.

Bây giờ đi trong ngôi thành cổ năm xưa thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những viên đá ong rêu mốc dấu thời gian. Đặc biệt nơi đây còn giữ lại một số cổng thành cổ kính rất đẹp, có cây, dây leo quấn chằng chịt, gây ấn tượng về một thời xưa cũ, mang cả máu và nước mắt. Nhà thơ Quang Dũng, thi sĩ của xứ Đoài trong bài thơ nổi tiếng “Mắt người Sơn Tây” đã viết:

“Em ở Thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em đã bao ngày em nhớ thương…”.

Và về mối quan hệ giữa Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc, sau này nhà văn Nguyệt Chu cũng viết thành truyện ngắn “Người con gái Sơn Tây” với những trang văn diễm lệ.

Thành cổ Sơn Tây bây giờ giống như một công viên với rất nhiều cây cối. Đi trong lòng thành cổ như dạo trong một khu rừng nhỏ. Cây cối rậm rạp, tiếng chim líu lo. Ở trong khu thành ấy thấp thoáng bóng kỳ đài gợi nhớ Cột cờ Hà Nội cùng Tam Quan, Vọng Cung đã được khôi phục.

Những cây cầu đá xinh xinh dẫn lối vào và rất nhiều loài hoa nở theo mùa điểm tô cho cảnh quan thi vị. Đặc biệt nhất là khi đứng trước những cổng thành rêu phong màu thời gian; ai đến đó mà lòng không khỏi hoài nhớ, bồi hồi về một vùng quá khứ xa xưa. Nơi này, chỗ ấy từng ghi dấu những đau thương, mất mát và cả bi tráng của một thời.