Những nỗi niềm sau quyết định tăng lương

ANTĐ - Vấn đề tăng lương theo lộ trình năm 2015 đã trở thành một vấn đề dư luận tranh luận nhất trong những tháng cuối năm 2014. 

Đối với người lao động, những cán bộ công nhân viên thuộc biên chế Nhà nước, những cán bộ về hưu, khoản tăng lương, dù ít ỏi vẫn là sự mong đợi, mong đợi sự quan tâm của Nhà nước tới đời sống ngày càng khó khăn của họ. Đối với công nhân tại các doanh nghiệp thì đây không chỉ là sự mong đợi mà là hy vọng, hy vọng đến xót xa khi đời sống của họ lúc nào cũng mấp mé giới hạn cùng khổ. Nhưng ngược lại, với những nhà quản lý ngân sách, tìm kiếm khoản tiền để tăng lương không hề dễ dàng khi thu ngân sách ngày càng khó khăn, chi tiêu công càng ngày càng tăng, áp lực đầu tư công để kích thích thị trường trong hoàn cảnh nền kinh tế đang trong thời điểm khó khăn, khi công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thị trường vẫn đang diễn tiến quá chậm.

Đối với các doanh nghiệp, tình hình còn khó khăn hơn khi sức mua đang giảm thấp, những rào cản xuất khẩu càng ngày càng nhiều, năng suất lao động của công nhân Việt Nam đang ở mức thấp, những khó khăn về vốn, lãi suất vẫn tồn tại, tăng lương, không đi cùng với tăng năng suất sẽ kéo giá thành sản phẩm lên cao, sức cạnh tranh giảm, đánh thẳng vào cơ hội tồn tại của doanh nghiệp. Hàng loạt các cuộc hội thảo, hội nghị, tờ trình của các doanh nghiệp, hiệp hội đã được tổ chức, đã kiến nghị với mục đích: xin giãn tiến độ tăng lương tối thiểu. Và với sự đồng thuận của Quốc hội, đã có quyết định: Vẫn tăng lương.

Những nỗi niềm sau quyết định tăng lương ảnh 1Minh họa: Internet 

Vẫn tăng lương

Ngày 10-1-2014, Quốc hội đã thông qua nghị quyết: “Thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2015”. Ngay sau đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định 182/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013. Đối tượng áp dụng gồm:

Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp,  hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác  có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1-1-2015 tới đây như sau: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. 

Như vậy, bắt đầu từ 1-1-2015, Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, khoảng 2,9 triệu người và tiền lương đối với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống  là trên 1,8 triệu người. Việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Mức lương được điều chỉnh trung bình khoảng  90.000 đồng/tháng.

Riêng đối với người về hưu, mức tăng có khá hơn. Theo các báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, lương hưu bình quân đang là 3,41 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập rất thấp so với điều kiện giá cả hiện nay. Nếu được tăng lương, người về hưu cũng sẽ được cải thiện đời sống. Ước tính, nếu tăng 8%, mỗi người hưởng lương hưu sẽ có thêm khoảng 272.800 đồng/tháng/người.

Còn đối với hàng chục triệu công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thì khó tính được. Theo quy định mới, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-400.000 đồng/tháng. Mức lương bình quân của người lao động năm 2014 là 3,6 triệu đồng/tháng có thể sẽ tăng lên trên 4 triệu/tháng. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM tháng 8-2014, trong tổng số 51,4 triệu lao động, lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp chiếm 20% và đối với khu vực dịch vụ chiếm khoảng 26% lực lượng lao động, như vậy chúng ta có xấp xỉ 20 triệu người làm việc tại các doanh nghiệp. Với mức tăng lương như hiện nay, chi phí của các doanh nghiệp tăng do tăng lương trong cả nước có thể lên đến gần 100.000 tỷ. Người lao động có thể được cải thiện đời sống phần nào, nhưng với doanh nghiệp, gánh nặng có thể là... gãy lưng.

 Tiền ở đâu ra?

 Với các đối tượng hưởng ngân sách Nhà nước, theo tính toán của Bộ Tài chính, số tiền chi cho việc tăng lương này sẽ vào khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ lương hưu sẽ chi 5.369,6 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước sẽ chi trực tiếp 5.730,4 tỷ đồng. Toàn bộ hai khoản này sẽ được chi từ khoản dự thu tăng thu ngân sách năm 2014 khoảng 63.000 tỷ đồng và khoản khoán cải cách tiền lương của các địa phương 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách còn khoản tiền tăng thêm do tăng thuế đánh vào rượu, bia, thuốc lá, dự thu khoảng 571 tỷ đồng năm 2015 và lên đến 4.395 tỷ đồng vào năm 2017.

Như vậy, phần tiền lo tăng lương cho khối ngân sách có thể coi tạm ổn. Nhưng sâu xa, nỗi lo lắng còn nguyên. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nợ công tăng cao, chi thường xuyên của bộ máy Nhà nước lên tới 67% tổng chi nhân sách đã là quá lớn, lớn hơn cả chi cho đầu tư phát triển nhiều lần. Vì vậy, cách tốt nhất để có nguồn tiền tăng lương lâu dài là cần phải cắt giảm chi thường xuyên. Nhiều ý kiến đã bày tỏ, nên cắt 10% phần chi này để dành cho tăng lương. Rõ ràng, về lâu dài, cần có một cuộc cải cách tiền lương lần thứ 2 chặt chẽ hơn và gắn với cải cách hành chính công. Chúng ta phải cải cách hành chính để việc của 10 người nhưng 5-6 người vẫn đảm đương được.

Đối với các doanh nghiệp, khoản chi cho tăng lương tối thiểu vẫn chưa tìm được khoản chi lâu dài. Thực tế, từ vài tháng nay, đã có rất nhiều buổi tọa đàm của các doanh nghiệp đại diện cho giới chủ sử dụng lao động do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Trong buổi họp gần đây nhất tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng tăng lương tối thiểu dựa vào nhiều yếu tố như: mức tăng GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), năng suất lao động của người lao động và sức khỏe của doanh nghiệp. Trong khi đó, năng suất lao động không được cải thiện trong thời gian qua; GDP dự kiến tăng 4,15%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 7% trong năm nay; sức khỏe doanh nghiệp đang gặp rất khó khăn cho nên dừng hoặc giảm tiến độ tăng lương tối thiểu.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam còn cho rằng, sức khoẻ của doanh nghiệp dệt may đang rất yếu do căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, phía các doanh nghiệp trong Hiệp hội cho rằng, không nên tăng lương trong năm 2015 hoặc nếu có tăng thì không quá 5% mới đảm bảo được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Giám đốc một công ty giày xuất khẩu có nhà máy tại Bình Dương, cho biết nếu tăng lương tối thiểu như quyết định của Chính phủ, tức lên 3,1 triệu đồng/tháng, thu nhập của người lao động sẽ tăng vì ngoài lương tối thiểu, các khoản thưởng, tăng ca cũng tính dựa trên mức này.

Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp có chịu nổi hay không, khi đang phải tính từng đồng để đảm bảo giá gia công sản phẩm cạnh tranh với các nước khác và đảm bảo chút ít lợi nhuận để duy trì hoạt động. Doanh nhân này cho biết thêm, mỗi tháng công ty chi 10 tỉ đồng để trả lương cho công nhân, nếu tăng theo quyết định mới lương tối thiểu thì số tiền này sẽ tăng lên 11-12 tỉ đồng. “Công ty hiện có 4 chuyền (sản xuất), với 1.200 công nhân, nếu chi phí quá cao, công ty có thể tính đến chuyện giảm xuống còn 3 hay 2 chuyền. Khi ấy những công nhân bị nghỉ việc sẽ đi đâu?”, vị giám đốc nói.

Nói chung, doanh nghiệp giữ quan điểm Nhà nước nên tính đến việc tăng lương khi nền kinh tế tốt hơn. Tăng lương cơ bản sẽ không là vấn đề nếu nền kinh tế tốt, sức mua tốt còn với nền kinh tế vẫn ì ạch, sức mua quá thấp như hiện nay, nếu tăng thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ ăn vào vốn. Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chi phí tăng lên thì giá thành sản xuất cũng sẽ tăng. Điều này sẽ giảm tính cạnh tranh doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tương tự, doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá bán vì giá thành tăng. Điều này sẽ khiến sức mua của thị trường ít nhiều sẽ đi xuống. Do đó, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm theo và sẽ ảnh hưởng trở lại đối với người lao động.

Tuy nhiên, quyết định đã có hiệu lực và chính các doanh nghiệp và công nhân vì lợi ích và sự sống còn phải cố gắng để tồn tại trên thị trường.

Nỗi lo tăng lương, giá hàng hóa thiết yếu sẽ tăng

 Một kinh nghiệm không vui là việc giá xăng dầu đã giảm 9 lần nhưng giá vận tải và giá hàng hóa thiết yếu không hề giảm, mặc dù giá xăng tăng chính là lý do để tăng và tạo ra mặt bằng giá hiện tại. Do vậy, trước quyết định tăng lương, người tiêu dùng đang lo lắng khi mặt bằng giá vẫn ở mức khá cao, trong khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Hơn nữa, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 1-1-2015 và theo quy luật trước đây, giá cả thường “cầm đèn” chạy trước lương.

Phân tích về yếu tố cung cầu, ông Phan Vinh, một chuyên gia về giá, nhận định, sức mua yếu hiện tại có thể sẽ “kìm hãm” phần nào tác động tăng giá hàng hóa trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, giá cả sẽ diễn biến khó lường, nhất là trong các dịp cao điểm mua sắm của năm. Có chung nhận định giá hàng hóa khó tăng vì sức mua yếu, hàng tồn nhiều, người dân còn tiết kiệm chi tiêu, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo: Cần thận trọng điều hành. Nếu lỏng lẻo, giá hàng hóa sẽ “té nước theo mưa”, gây tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm soát thị trường giá cả, bởi tiểu thương luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận. Thực tế này sẽ tạo ra thách thức giá cả khi thời điểm tăng lương đến gần. Nếu không điều hành tốt công tác quản lý giá, cuối cùng người lao động dù lương tăng cũng không được bao nhiêu, có khi thu nhập thực lại thấp hơn.