Nhùng nhằng di dời du thuyền hồ Tây

ANTĐ - Sau nhiều tháng “quyết tâm” nhưng đến nay, việc di dời các du thuyền, nhà nổi hồ Tây về nơi quy hoạch vẫn chưa thể thực thi. Trong khi các ngành chức năng khẳng định, toàn bộ du thuyền, nhà nổi ở đây hoạt động không phép, không kiểm định an toàn nhưng hàng tháng, quận Tây Hồ vẫn thu tiền phí sử dụng mặt nước của các doanh nghiệp này.

Sau nhiều lần “quyết” vẫn chưa thể di chuyển các nhà nổi hồ Tây

Giữa tháng 8 mới kiểm tra xong

Tại cuộc họp vào tháng  6-2016, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong tháng 7, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GTVT chủ trì sẽ hoàn tất việc kiểm tra các doanh nghiệp đang kinh doanh du thuyền, nhà nổi trên hồ Tây. Căn cứ vào kết quả kiểm tra toàn diện này, đơn vị nào đủ điều kiện sẽ cho tiếp tục hoạt động, đơn vị nào không đủ điều kiện sẽ bắt buộc cưỡng chế, tháo dỡ. 

UBND TP Hà Nội cũng giao quận Tây Hồ chủ trì, xây dựng quy hoạch khu bến mới ở khu vực Đầm Bảy, Nhật Tân, Tây Hồ, đồng thời khẩn trương xây dựng cầu tàu để cho các nhà thuyền di chuyển về. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi việc vẫn dang dở. Ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc kiểm tra phải giữa tháng 8 mới có thể hoàn thành. “Do nội dung thanh tra rộng, nhiều chuyên mục nên mất khá nhiều thời gian. Trung bình mất 3 ngày mới thanh tra, kiểm tra xong 1 đơn vị”, ông Nguyễn Việt Phương thông tin.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, đến nay, các cơ quan liên quan vẫn loay hoay với mẫu thiết kế cầu tàu  nên mới chậm trễ chưa thể di chuyển các nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây. “Thiết kế cầu tàu có phải trình UBND TP chấp thuận, phê duyệt hay không hay cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quyết định và chịu trách nhiệm?”, ông Đỗ Anh Tuấn đặt vấn đề. 

Đại diện Phòng CSGT Đường thủy, Công an Hà Nội thông tin, từ năm 2011 đến nay, 13 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây không phép. “Tất cả du thuyền, nhà nổi ở hồ Tây đều vi phạm”, đại diện Phòng CSGT Đường thủy cho hay. Không chỉ không có phép, mà các phương tiện hoạt động trên mặt nước phải có đăng ký, đăng kiểm, nhân viên trên nhà nổi, du thuyền phải được đào tạo về nghiệp vụ, phòng chống đuối nước, cháy nổ…

Nhưng các du thuyền, nhà nổi này đều là phương tiện hoán cải và không có đăng ký, đăng kiểm, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ mất an toàn, rất nguy hiểm cho hành khách. Trong khi đó, khu quy hoạch bến mới ở Đầm Bảy đến nay còn chưa xong, nên hiện mới chỉ “nhốt” các nhà nổi, du thuyền tại chỗ, tạm đình chỉ hoạt động để kiểm tra.

Vi phạm vẫn thu phí?

Các nhà nổi, du thuyền hoạt động trên hồ Tây đã “năm lần bảy lượt” có quyết định cưỡng chế di dời, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện được. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xử phạt, nhưng cũng chỉ là “phạt cho tồn tại”. Không chỉ vi phạm về an toàn, mà các nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây còn kinh doanh hoạt động giải trí như bar, karaoke nên thường xuyên gây mất an ninh trật tự. 

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện thừa nhận, việc giải tỏa các du thuyền, nhà nổi hồ Tây đã trải qua nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. “Rõ ràng là các doanh nghiệp đang hoạt động trái phép. Chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động nhưng cũng không thể để tồn tại như hiện nay. Ai cũng nhận định là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhưng khi có sự cố xảy ra thì không ai lường hết được hậu quả”, ông Vũ Văn Viện nhìn nhận.

Trong khi chờ quy hoạch Đầm Bảy, chờ thiết kế cầu tàu, Sở GTVT giao Thanh tra GTVT phải kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, đảm bảo dừng mọi hoạt động trong thời gian thanh tra, kiểm tra. Ông Vũ Văn Viện yêu cầu: “Đây là trách nhiệm của thanh tra GTVT, các đồng chí cứ nói mối quan hệ này nọ, khó khăn khi giải quyết nhưng tôi là Giám đốc Sở GTVT mà đến thời điểm này có thấy ai can thiệp gì đâu”.Theo đó, Sở GTVT cho biết, sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra toàn diện, sẽ xử lý, giải tỏa dứt điểm tình trạng nhà nổi, du thuyền kinh doanh tại đây. Đối với các nhà thuyền không đủ điều kiện cấp phép, sau kiểm tra sẽ tịch thu, tháo dỡ và bán đấu giá”.

Liên quan đến hoạt động của các nhà nổi, du thuyền tại hồ Tây, dù các ngành chức năng khẳng định 13 doanh nghiệp hoạt động vi phạm, không có phép, nhưng nhiều năm qua, quận Tây Hồ vẫn thu phí sử dụng mặt nước với giá không hề rẻ. Đại diện một doanh nghiệp đang hoạt động tại đây (xin giấu tên) phản ánh: “Hàng quý, chúng tôi đều phải nộp phí sử dụng mặt nước cho Ban quản lý hồ Tây thu, có biên lai hẳn hoi. Đơn vị chúng tôi phải nộp hơn 50 triệu đồng/quý. Nói chúng tôi hoạt động vi phạm, sao vẫn thu phí đều đều?”.