Những nhà văn tuổi Mậu Tý 1948

(ANTĐ) - Sắp Tết Nguyên đán (Mậu Tý 2008) tôi “tò mò” giở sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, H.2007) xem kỹ để hiểu rõ hơn về những nhà văn tuổi Mậu Tý sinh năm 1948, thấy có 49 nhà văn cầm tinh con chuột. Một lần trong cuộc tao ngộ văn chương, tôi nhớ ai đó nhờ men nồng của chén rượu xuân đã thốt lên: “Trong số những kẻ sinh năm 1948, một nửa thành tài, một nửa dặt dẹo!”.

Những nhà văn tuổi Mậu Tý 1948

(ANTĐ) - Sắp Tết Nguyên đán (Mậu Tý 2008) tôi “tò mò” giở sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, H.2007) xem kỹ để hiểu rõ hơn về những nhà văn tuổi Mậu Tý sinh năm 1948, thấy có 49 nhà văn cầm tinh con chuột. Một lần trong cuộc tao ngộ văn chương, tôi nhớ ai đó nhờ men nồng của chén rượu xuân đã thốt lên: “Trong số những kẻ sinh năm 1948, một nửa thành tài, một nửa dặt dẹo!”.

Có thể đấy là một câu đùa ngẫu hứng nhưng ít nhiều chứa đựng sự thật. Lần giở cuốn sách dày cộp vừa nhắc trên, tôi tính đếm được 49 nhà văn tuổi Mậu Tý 1948 với một đội hình sáng tác như sau: 30 nhà thơ, 14 nhà văn (viết văn xuôi), 3 nhà phê bình, 2 nhà dịch thuật, 3 nhà văn người dân tộc (Y Phương, Sa Phong Ba và Linh Nga Niek Đăm). Một tổn thất lớn khi 3 nhà văn đã ra đi mãi mãi (Lưu Quang Vũ, Đồng Đức Bốn và Trịnh Thanh Sơn). Trong tổng số 49 nhà văn tuổi Mậu Tý 1948 có 1 nhà văn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Lưu Quang Vũ) và 3 nhà văn được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu và Y Phương), 1 nhà văn được giải thưởng ASEAN (Nguyễn Đức Mậu); đã có 7 nhà văn được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (Minh Chuyên, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Duy, Y Phương, Hoàng Minh Tường và Nguyễn Văn Thọ).

Sẽ nhiều người đồng ý với tôi rằng các nhà văn tuổi Mậu Tý 1948 đa số phát lộ tài năng thơ ca - con số 30 nhà thơ hẳn minh chứng điều đó (Bùi Kim Anh, Dương Kỳ Anh, Đặng Nguyệt Anh, Lê Bình, Phạm Quốc Bình, Trần Lâm Bình, Đồng Đức Bốn, Vũ Thành Chung, Trần Hoàng Cương, Nguyễn Duy, Mai Văn Hai, Nguyễn Thị Hồng, Đinh Nam Khương, Nguyễn Thanh Kim, Trương Hữu Lợi, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương, Võ Quê, Nguyễn Thái Sơn, Trịnh Thanh Sơn, Cao Xuân Thái, Nguyễn Khắc Thạch, Trần Thị Thắng, Nguyễn Anh Thuấn, Trần Quốc Thực, Vũ Từ Trang, Tô Thị Vân, Nguyễn Tấn Việt, Lưu Quang Vũ và Lê Thanh Xuân).

Trong số 30 nhà thơ kể trên, có những nhà thơ mà tên tuổi của họ gắn liền với những chặng đường phát triển thơ ca Việt Nam thời hiện đại như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn và Y Phương. Lại có những nhà thơ khẳng định tài năng của mình qua “lửa đỏ và nước lạnh” của thời đại cách mạng và chiến tranh như Hoàng Trần Cương, Nguyễn Đức Mậu. Thơ của họ ngút ngàn tinh thần công dân và không hề kém cạnh sự đầm sâu của cảm xúc. Lại có người cố gắng làm cho thơ và đời của người làm thơ đều thanh sạch như Nguyễn Khắc Thạch. Mới đây thôi sự ra đi của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn lại một lần nữa cho thấy sự cao cả của người cầm bút chính là sức viết, sức chiến đấu không mệt mỏi bằng vũ khí ngôn từ để góp thêm cho đời nhiều cái đẹp.

Con số 30 nhà văn phát lộ tài năng thơ ca không phải không có cơ sở khi ta nhận biết rằng thơ gắn với sự cảm nhận tinh tường của chủ thể đối với đời sống và được thể hiện trong những hình thức biến ảo. Đọc thơ Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, ta thấy rõ điều đó. Biến ảo và tinh tế nên nhiều khi tạo ra những bất ngờ hẫng hụt, cái hẫng hụt tạo ra những ám ảnh nghệ thuật neo giữ ký ức người đọc nhiều thế hệ. Có những nhà thơ tuổi Mậu Tý 1948, đôi khi bề ngoài rất nhút nhát, hiền lành như Y Phương, Nguyễn Khắc Thạch, Đinh Nam Khương, Mai Văn Hai... nhưng bỗng chốc làm người đọc sửng sốt vì sự thoắt ẩn thoắt hiện của chính các nhà thơ và tác phẩm của họ. Nguyễn Khắc Thạch là một ví dụ điển hình - giữa đám đông anh như bị chìm đi và nhiều khi chính anh lánh mặt đi. Nhưng rồi có lúc nào đó phát lộ, tất cả vỡ òa ra trong những câu thơ dáng vẻ lại rất hiền lành mà chứa chất liên tưởng.

Bên thơ là vậy, còn bên văn? Một số tác giả viết văn xuôi mà tác phẩm của họ đã có tiếng vang trên văn đàn và tên tuổi đã trở nên quen thuộc với bạn đọc - đó là Minh Chuyên, Văn Chinh, Nguyễn Văn Thọ, Hoàng Minh Tường, Đặng ái, Nguyễn Bảo, Sa Phong Ba, Phan Thanh... Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Có một nhà văn Minh Chuyên chuyên viết ký vì dường như theo anh văn học hư cấu nhiều khi làm nhà văn trở nên lúng túng, chới với gây nên sự không thỏa mãn với bạn đọc. Vậy thì văn học tư liệu, về một phương diện nào đó, lại có sức mạnh đáng kể. Nhà văn Minh Chuyên đã nhận 32 giải thưởng các loại, đặc biệt giải Nhất (Cúp vàng) biên kịch - đạo diễn phim tài liệu Cha con người lính Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 10 tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 2006. Một nhà văn lực lưỡng khác là Hoàng Minh Tường với 12 cuốn tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn và ký, người đã được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997 với tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Một nhà văn khá đặc biệt - Nguyễn Văn Thọ, người một nửa sống ở Đức, một nửa ở Việt Nam, trong mươi năm gần đây nổi lên như một cây truyện ngắn có thương hiệu, đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 với tập truyện ngắn Vàng xưa. Văn của Nguyễn Văn Thọ chát mặn vị đời và hết sức vạm vỡ trong cách thể hiện.

Lĩnh vực dịch thuật nổi lên với tên tuổi Nguyễn Hữu Dụng với các bản dịch từ tiếng Ba Lan: Quo Vadis, Con hủi, Trên sa mạc và trong rừng thẳm... Nhà văn đã nhận giải thưởng dịch văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1985 cho các tác phẩm dịch: Quo Vadis, Trên sa mạc và trong rừng thẳm của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkewier. Nguyễn Đăng Bảy cũng là một “tay cự phách” dịch văn học Nga cùng với đồng nghiệp Thúy Toàn, Thái Bá Tân, Đoàn Tử Huyến...

Lĩnh vực lý luận - phê bình văn học có vẻ khiêm tốn hơn cả với Đỗ Lai Thúy, Vũ Nho, Trần Bảo Hưng. Phải thừa nhận đây là địa hạt gai góc, dễ mất lòng mất bề và ít được đánh giá đúng. Nhưng dẫu sao những nhà văn thuộc lĩnh vực này cũng đã gồng mình để có những đóng góp được ghi nhận như trường hợp Đỗ Lai Thúy với Mắt thơ, Chân trời có người bay, Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực... Cái được của Đỗ Lai Thúy trong các công trình này là gắn văn học với văn hóa, nhìn văn học qua văn hóa.

Một cuộc “tính sổ văn chương” với các nhà văn tuổi Mậu Ty 1948 như tôi đã làm, kể ra cũng chưa thể nói là đầy đủ và sâu sát. Nhưng “đành lòng vậy cầm lòng vậy”. Mùa xuân là Tết, người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp và người viết bài này cũng có thiện ý đó.

Bùi Việt Thắng