Những người thầy sáng tâm, say nghề

ANTĐ - Có những thầy cô ở dưới xuôi lên rồi quyết định ở lại bản, có thầy cô suốt mấy chục năm theo nghề chưa hề rời điểm trường trên núi. Những người thầy sáng về tâm, say về nghề khiến sự nghiệp “trồng người” càng xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Những người thầy sáng tâm, say nghề ảnh 1Cô giáo Lê Thị Hằng 


Trò ăn cơm nguội chấm muối

20km là khoảng cách không xa tính từ trung tâm huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa về đến xã nghèo Quang Hiến, nơi có điểm trường tiểu học Đồng Lương. Nhưng con đường mòn duy nhất đến xã miền núi này chỉ có thể đi bộ và  cô Lê Thị Hằng vẫn đến lớp dạy học trong suốt 15 năm qua. Khó có thể hình dung một cô giáo hàng tuần vượt mười mấy cây số đường núi, gánh gồng sách vở, lương thực từ nhà đến trường để chăm cho lớp học gồm cả học sinh lớp 4, lớp 5 dân tộc Mường.

36 năm gắn với nghề dạy học, trong đó 15 năm cô giáo Lê Thị Hằng dạy ở điểm lẻ trường tiểu học Đồng Lương. Thông thường giáo viên luân chuyển đến các bản miền núi, vùng sâu sẽ trở về trường sau 3 năm, nhưng tình yêu nghề với tấm lòng mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân nơi đây khiến cô Hằng quyết định ở lại. 

Những người thầy sáng tâm, say nghề ảnh 2Cô giáo Tạ Thị Hương

 “Ngày đến dạy buổi đầu tiên, tôi đã khóc khi thấy chiều về, học trò của mình tay cầm cục cơm nguội chấm vào nhúm muối trong tay kia mà ăn. Xã nghèo, người dân không có kiến thức chăn nuôi, trồng trọt nên đói là chuyện thường xuyên xảy ra. Trên lớp, tôi cũng khóc khi giảng bài cho các con về hình tháp dinh dưỡng mô tả lương thực, thực phẩm trung bình cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong môn khoa học. Khi hỏi các con đây là quả gì, rau gì và nhận được câu trả lời: không biết, tôi quyết định ở lại với bọn trẻ để dạy học, cùng bà con tìm hiểu cây trồng, chăn nuôi...”. 


Những người thầy sáng tâm, say nghề ảnh 3Tình yêu nghề, yêu con trẻ của những giáo viên cắm bản mang lại ánh sáng tri thức cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Bù đắp cho các con bằng tình yêu

Hơn ai hết, cô giáo Tạ Thị Hương thấm thía sự khác biệt này bởi cô đã có 15 năm dạy học ở Bắc Giang trước khi nhận công tác ở điểm trường khó khăn nhất thuộc xã Hiếu, huyện Kon Plông, Kon Tum.

Không có sóng điện thoại, không có điện, học sinh ở đây đều là người dân tộc Mơ Nâm, ít tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, không giao tiếp với bên ngoài nên ngay cả ngôn ngữ của đất nước mình các em cũng không hiểu. “Trong sự quá khác biệt đó, nhưng các em ở đây vẫn vượt mọi khó khăn để đến lớp thì một giáo viên như tôi chỉ có thể lấy hết quyết tâm bù đắp cho các em. Những ngày đầu tiên đứng lớp, tôi chỉ biết dùng ký hiệu, hình vẽ để dạy các em học sinh lớp 1. Bất đồng về ngôn ngữ là rào cản lớn với giáo viên miền xuôi lên miền núi dạy học. Nhiều lúc muốn tâm sự, chia sẻ với học trò nhưng các em đâu có hiểu mình nói gì. Vậy mà tình yêu, sự ham học của các em đã giúp tôi vượt qua tất cả” - cô Tạ Thị Hương chia sẻ.

Ngày nghỉ, cô không về nhà mà cùng các em đi chơi trong thung lũng hay các con suối. Cô trò chỉ có mấy cái bánh, cái kẹo nhưng rất vui. Mong ước của cô Hương thật đơn giản, rằng các con hàng ngày đến lớp vẫn thiếu cây bút, quyển vở vì bố mẹ không có tiền mua sắm. Nếu có được sự hỗ trợ này từ các tổ chức, cá nhân thì học trò của cô nơi bản xa Kon Plông sẽ có thêm điều kiện để được đến trường.