Những người quanh năm "đi viện"

ANTĐ - Do bận việc, con cháu của những bệnh nhân cao tuổi không có điều kiện thời gian chăm sóc . “Dịch vụ chăm sóc người bệnh” tại các bệnh viện trong TP. HCM đã làm thay những người thân bệnh nhân,  như chăm sóc người bệnh, cho người bệnh ăn, tắm rửa và vệ sinh hàng ngày.

Cần người làm nghề chăm sóc bệnh nhân là một nhu cầu lớn. Ảnh minh họa

Người già chăm ông lão

Bà Nguyễn Thị Mẫu 60 tuổi, quê ở huyện Mỏ Cày - Bến Tre chậm rãi kể cho tôi nghe về những đoạn trường của nghề chăm sóc người bệnh trong khuôn viên bệnh viện Thống Nhất - TP.HCM như một sự chia sẻ về nghề. “Nghề này đòi hỏi phải chịu khó, lại phải hiểu tâm lý người già. Người già đã khó tính rồi nhưng nay bệnh tật lại khó tính gấp mười. Mình phải chăm sóc sao cho họ ăn, họ ngủ, rồi rửa ráy, tắm giặt cho họ nữa”. 

Dù cũng đã bước vào tuổi lão nhưng vì cuộc mưu sinh, bà Mẫu vẫn phải rời vùng quê sông nước lên Sài Gòn làm ăn thuê.  Bà Mẫu kể: “Mới năm ngoái, dì chăm sóc một ông cụ 82 tuổi, nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Thống Nhất,  cụ lớn tuổi lại bị tai biến mạch máu não, con cái là công chức nhà nước cả. Các cô chú ấy đều bận việc nhà nước, nên gọi dì chăm sóc ông cụ. Mình phải thường xuyên trực tại giường người bệnh chú ạ”. Bà Mẫu giãi bày:  “Mà chú biết không, khi vào đây dì cũng đã được các y bác sĩ tập huấn và chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi”. 

Làm nghề chăm sóc người bệnh, những người như bà Mẫu  được các y bác sĩ của bệnh viện hướng dẫn  một số  động tác cơ bản như massage, sơ cấp cứu và họ phải có đăng ký tạm vắng, tạm trú ở một địa phương, để thân nhân người bệnh yên tâm và điều đặc biệt quan trọng là những người chăm sóc bệnh nhân phải hiểu tâm lý của người bệnh cũng như cách sống để động viện người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Chú Tư  Lành năm này cũng đã  55 tuổi cùng vợ và 2 người con dâu và con gái cũng làm nghề này. “Làm nghề này cực một chút nhưng có thu nhập chú ạ”. Chú Tư Lành cho chúng tôi biết, chăm sóc một người bệnh nặng, gia chủ trả công 10 triệu đồng/tháng . “Mà tôi chỉ lấy giá theo công sức mình bỏ ra thôi”, chú Tư tâm sự.


Phải có nhân thân tốt

Hiện nhu cầu cần người chăm bệnh nhân lớn tuổi ở những thành phố như Hà Nội và TP.HCM là rất lớn. Một bác sĩ ở bệnh viện Thống Nhất - TP.HCM cho biết; những bệnh nhân nằm viện chủ yếu là người cao tuổi, ngoài sự chăm sóc và thăm khám của y, bác sĩ, nếu người nhà có nhu cầu chăm sóc các cụ 24/24 thì họ sẽ thỏa thuận với những người chăm sóc bệnh nhân. Những người chăm sóc bệnh nhân này, được bệnh viện giao cho đội bảo vệ kiểm tra về chứng minh thư, về tạm vắng, tạm trú để đề phòng kẻ gian trà trộn vào bệnh viện làm điều khuất tất. Những người chăm sóc người bệnh, họ đều có nhân thân tốt và làm việc có trách nhiệm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, trú trên đường Nơ Trang Long - P13 - Quận Bình Thạnh. TP.HCM có mẹ nằm ở khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định tâm sự: “Nếu không có những người giúp việc và chăm sóc người bệnh thì chị không biết phải làm sao”. Làm kế toán ở một công ty về xuất nhập khẩu, chị Tuyết phải đánh vật với những số liệu cuối năm của công ty. Nên khi biết, mẹ bị đau dạ dày cấp, chị cuống lên, trong khi chồng đi công tác xa. Nhưng khi vào bệnh viện, qua một người quen, chị gặp bác Văn Thị Phúc, quê ở Nha Trang,  làm nghề chăm sóc người bệnh đã lâu tại bệnh viện này. Khi mẹ chị Tuyết hết bệnh thì bác Phúc và mẹ chị Tuyết đã trở thành bạn già với nhau. Tâm sự với chúng tôi, chị Tuyết bảo. “Những lúc rảnh rỗi, bác Phúc hay đến nhà chị chơi với mẹ chị. Họ như hai người bạn già tri kỷ ấy”.

Anh Nguyễn Văn Đức - Đội trưởng đội bảo vệ của Bệnh Viện Nhân dân Gia Định cho biết: Những người chăm sóc bệnh nhân, khi vào bệnh viện chúng tôi đều kiểm tra Chứng minh Nhân dân cũng như giấy tạm vắng tạm trú. Họ là những người ở quê lên làm nghề chăm sóc người bệnh, là những người thật thà, chất phác, nhưng chúng tôi không loại trừ, một số người có những hành động không tốt, trà trộn vào trộm cắp tài sản của bệnh nhân. Những người có hành vi như thế chúng tôi theo dõi và báo cho công an phường để có biện pháp ngăn chặn.