Những người lầm đường vượt biên để cai nghiện ma túy

ANTĐ - Vượt biên trái phép sang Hồng Kông, gây án để ở tù, đó là con đường mà nhiều thanh niên ở xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng lựa chọn để tự cai nghiện. Nhưng cai nghiện không thành, không ít người đã sống lay lắt cho đến khi lìa đời. Từ đó, người ta đã nhận ra rằng chỉ có ở quê nhà và với sự quyết tâm của bản thân thì  mới có cơ hội chiến thắng ma túy và bệnh tật.

Chạy trốn “tử thần trắng”

Ngô Văn Sang sinh năm 1980. Khi Sang bước vào tuổi trưởng thành, cũng là lúc cơn bão heroin càn quét đất Cảng một cách kinh khủng nhất. Và Sang bị cuốn vào cái trào lưu chết người ấy như là một thú vui không thể cưỡng lại được. Ma túy như một mãnh lực có sức cuốn hút với đám “trẻ trâu” đang thừa sự tò mò nhưng lại thiếu hiểu biết như Sang. Từ một chàng trai làng biển hiền lành, mạnh khỏe Sang trở thành một con người khác hẳn. Lưu manh, cộc cằn và không từ bất kỳ thủ đoạn nào để kiếm tiền mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện. Bốn năm sau khi sử dụng ma túy, rồi đến 1 ngày Sang cũng phát hiện ra mình mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV. Nhưng đau đớn thay, cái tin ấy lại đến từ người vợ mới cưới của Sang.

Cuộc sống tàn tạ vì ma túy cứ kéo Sang lê lết từ ngày này qua tháng khác. Không phải không có những lúc Sang chợt giật mình nhìn lại con người mình. Buồn, chán nản, thất vọng vì đã đánh mất tất cả tuổi trẻ và tương lai, nghĩ rằng mình phải cai nghiện, phải dứt bỏ tất cả để làm lại. Nhưng rồi những lúc vật vã vì đói thuốc, Sang lại quên hết mọi thứ, lê lết đi tìm những đứa bạn nghiện để sống qua ngày. Cho đến một ngày, trong một lần tỉnh dậy sau cơn phê ma túy, Sang lần tìm đường ra ngoài bãi biển và nảy ra ý định mình phải ra đi, phải trốn khỏi sự cám dỗ của ma túy. Và một ý nghĩ lóe lên trong đầu nếu không còn chỗ để dung thân thì mình sẽ lên đường đến Hồng Kông, biết đâu mảnh đất ấy có thể giúp cho mình cai nghiện. 

Những ngày lênh đênh ở trên con thuyền, Sang đã kịp vạch ra trong đầu mình một kế hoạch. Trong đám bạn nghiện của Sang ngày ấy, có cả những người trước đây từng là dân tị nạn từ Hồng Kông trở về, họ truyền cho Sang kinh nghiệm, muốn cai nghiện ở đất này thì chỉ còn có cách là… vào tù. Ở tù thì có thể cách ly được với ma túy, và có các chuyên gia giúp cai nghiện và được cấp thuốc để điều trị bệnh AIDS. Và Sang bắt đầu nung nấu ý định, khi nào đến đất liền sẽ quyết tâm tìm mọi cách để được… vào tù. Hơn nửa tháng trời lênh đênh vật lộn với sóng với gió, với đói khát, cuối cùng con thuyền gỗ mong manh của Sang cũng cập bến. Lang thang trên đất Hồng Kông ít ngày Sang cũng tìm được cách để vào tù. Hôm đó, Sang thủ sẵn trong người một chiếc tuốc nơ vít và đi ra đường. Tới cửa một siêu thị, thấy xa xa có bóng cảnh sát đang đứng, Sang rút “hung khí” lao vào định cướp chiếc túi xách của một phụ nữ. Người phụ nữ vừa hô hoán thì ngay lập tức 5 cảnh sát Hồng Kông ập tới ghì nghiến Sang xuống đất, còng tay và giải về đồn. Với đầy đủ nhân chứng, vật chứng Sang bị tòa án Hồng Kông truy tố về tội danh cướp và bị kết án 17 tháng tù. Nhờ cải tạo tốt mà Sang được chính quyền Hồng Kông cho ra tù trước thời hạn và được trao trả về nước. 

Đó là chuyến vượt biên cai nghiện lần đầu của Sang. Tính từ thời điểm đó cho đến năm 2010, Sang còn vượt biên thêm 2 lần nữa để cai nghiện và đều cùng với một kịch bản như lần đầu. Mỗi lần ra tù ở Hồng Kông, tưởng chừng như Sang đã đoạn tuyệt hoàn toàn được với ma túy. Nhưng về nước bắt mối lại với đám bạn cũ là Sang nghiện trở lại.

Đáng nhớ nhất với Sang là chuyến vượt biên lần thứ 2. Con đường lần này của Sang không phải vượt biên theo đường biển mà là đường bộ. Cuối năm 2005, Sang bắt xe khách ra Móng Cái (Quảng Ninh), lần theo con đường tiểu ngạch, Sang đến Đông Hưng (Vân Nam, Trung Quốc). Từ đây, để đến được Hồng Kông, Sang đã chọn cách đi mạo hiểm kinh hoàng: nằm trong gầm xe container. Để lọt qua được các trạm kiểm soát có camera soi gầm xe, Sang phải mặc áo đen trùm kín người. Vượt qua hàng trăm cây số dưới gầm xe, Sang phải bám chặt lấy chiếc lốp xe dự phòng. Chạy trên đường cao tốc, chỉ cần một phút lỏng tay sẽ lập tức văng ra khỏi chiếc lốp, vậy coi như chấm hết. Lần thứ 3 vượt biên, Sang phải đối mặt với án tù lâu nhất: 30 tháng. Năm 2010 trở về nước, Sang cảm thấy việc mình đi cai như vậy là vô ích. Muốn cai được nghiện thì không có con đường nào khác là phải vượt qua được chính  mình. Sang tìm đến nhà một người quen trên một quả đồi ít người qua lại ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Khác với những lần cai nghiện trước ở trong tù được hỗ trợ bằng thuốc, lần này Sang quyết định cai tay bo với suy nghĩ muốn dùng ý chí của mình để không còn phải nghĩ đến ma túy nữa. Sau vài tháng giam mình trên quả đồi hoang vắng, Sang đã dần tránh xa được những cám dỗ chết người của ma túy. Giờ đây, khi trở về với gia đình, Sang đã có đủ sức khỏe để ra khơi đánh cá.

Chiến thắng ma túy 

Ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, những trường hợp vượt biên để cai nghiện như của Ngô Văn Sang không phải là hiếm. Người ta còn nói với nhau rằng “trào lưu” vượt biên cai nghiện xuất phát từ “kỷ lục gia” Nguyễn Ngọc Sáng (SN 1986). Sáng sở hữu một “thành tích” đáng nể với 9 lần vượt biên để cai nghiện. Sáng đã liên tục tìm cách gây án để được vào tù cai nghiện. Cứ sống mòn mỏi, lay lắt như vậy suốt mười mấy năm trời. Lần cuối cùng vào năm 2006, khi đang tìm cách vượt biên trái phép lần thứ 10 thì Sáng bị công an bắt vì tội tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, vào tù được mấy ngày thì gã được thả về vì căn bệnh AIDS đã ở vào giai đoạn cuối. Về nhà được vài hôm thì Sáng chết. Tiếp sau Sáng là những cái tên đã “nổi danh” như Nguyễn Văn Thước, Bùi Văn Kỳ… người ít thì 5 lần, người nhiều thì cũng lên tới 7 lần. 

Cũng là chuyện vượt biên để cai nghiện nhưng sau những chuyến đi cai bất thành, anh Vũ Văn Đoàn (thôn Đông Tác 1, xã Đại Hợp) đã “ngộ” ra một điều rằng, nếu không có sự quyết tâm của bản thân và giúp đỡ của gia đình, người thân thì sẽ không bao giờ từ bỏ  được cái chất trắng chết người. Sau nhiều lần “xuất ngoại” cai nghiện bất thành, trở về quê nhà, Vũ Văn Đoàn đã quyết tâm cai nghiện và chiến thắng được ả phù dung. Đoàn đã đoạn tuyệt được với ma túy 3 năm nay, bây giờ anh hăng hái tham gia các phong trào của địa phương đặc biệt là trên mặt trận phòng chống AIDS. Đoàn giờ giúp vợ nuôi con bằng nghề đan lưới. Nghề ấy tuy kiếm ít nhưng cũng đều đặn, có thể giúp gia đình anh sống được qua ngày. Anh tâm sự, phiêu bạt xứ người nhiều năm mới thấy chẳng nơi nào bằng quê hương. Về nhà, sống trong tình yêu thương của người thân, trong sự đùm bọc của xóm giềng mới giúp cho những người như anh có niềm tin, thắp lên hy vọng về tương lai và vượt qua cám dỗ. Theo ông Nguyễn Văn Tân - trưởng thôn Quần Mục 4, vượt biên để cai nghiện là một “trào lưu” buồn tủi của nhiều thanh niên quê ông. Việc những người nghiện, có HIV trốn sang Hồng Kông để được vào tù, ngoài việc họ là những kẻ lười lao động thì đó cũng là cách tự kéo dài sự sống cho mình. Nhưng những cuộc ra đi bất thành của họ đã chứng minh một điều rằng quê hương mới là nơi đùm bọc họ và để cai nghiện thành công thì chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua chính mình.