“Những người làm chính sách thuế cần có cái nhìn bớt sự “lạnh lùng” đối với báo chí”

ANTĐ - LTS: Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2012), Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Nhà báo, Đại tá Đào Lê Bình- Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô về vấn đề kinh tế báo chí và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí. Báo An ninh Thủ đô, xin trân trọng giới thiệu bài viết này tới bạn đọc.

“Những người làm chính sách thuế cần có cái nhìn bớt sự “lạnh lùng” đối với báo chí”  ảnh 1

Nhà báo, Đại tá Đào Lê Bình- Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô 

Báo chí là cơ quan truyền thông làm công tác tư tưởng, dù của ngành này hoặc đoàn thể kia nhưng đều là cơ quan ngôn luận, cơ quan chính trị của Đảng, của Nhà nước và chế độ ta. Từ khi đất nước đổi mới, chính sách đối với báo chí đã dần bớt bao cấp, cơ quan báo chí được coi như đơn vị kinh doanh sản xuất- trong chừng mực nào đó là như vậy. Bên cạnh đó, báo chí hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nó cũng bị chi phối hết sức khốc liệt bởi thị trường. Kinh tế đất nước khởi sắc, khoẻ khoắn thì báo chí cũng khỏe, nhưng trên thực tế kinh tế đất nước mấy năm gần đây đang gặp khó khăn, báo chí cũng không nằm ngoài tình trạng ấy. Nếu xét trong mức độ kinh doanh sản xuất, thu nhập, tổng doanh thu các báo thì chỉ có vài báo có doanh thu vài trăm tỷ, thậm chí có báo xấp xỉ nghìn tỷ, nhưng nói chung các báo còn ở dạng kinh tế nhỏ, xếp ở loại như DN vừa và nhỏ nên cũng chịu thêm những áp lực. 

Bên cạnh đó, báo chí cũng đang có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt giữa các loại hình: giữa báo in có tính chất truyền thống với báo điện tử, báo phát thanh và đặc biệt là sự ra đời của nhiều kênh truyền hình càng khiến cho những khó khăn càng trở thành vấn đề hết sức gay go bởi vì bị chia sẻ “miếng bánh” quảng cáo, thị phần phát hành. Ngoài ra, số lượng phát hành của báo in hiện nay bị chi phối rất nhiều. Bản thân bây giờ các báo trong khi khó khăn thì ngoài tờ chính thống lại “nở quá rộ” thêm các ấn phẩm phụ (thậm chí có tờ báo ra đến 4- 5 ấn phẩm phụ). 

Đặc biệt, trong vòng khoảng mấy tuần gần đây, đang ồn ào về chuyện các báo phê phán nhau và phải nói là chưa bao giờ các báo “soi” nhau nặng nề đến như thế. Điều này nó phản ánh 2 việc: Thứ nhất là các báo đã không tự sống bằng tờ báo chính nữa cho nên phải nghĩ ra những sản phẩm phụ. Cũng như cửa hàng bơm, vá xe, bên cạnh lại bán chè đỗ đen, rồi lại lấy dáy tai… đó là một dạng thập cẩm. Thứ hai, cũng báo động một điều nữa là những tờ báo đang cố gắng giữ một cái gì đó tạm gọi là đúng chính thống đi, nhưng cũng có sự hoảng hốt vì sự lấn sân thị trường về mặt phát hành của loại ấn phẩm phụ. Bởi vì tôi biết trong chừng mực nào đó có tờ báo phụ bản mới phát hành đến hơn một trăm ngàn bản- trong thời buổi này là một điều khủng khiếp đấy. Bất chấp nó đen hay đỏ, tầng lớp bạn đọc như thế nào, hiệu ứng xã hội đúng sai tôi chưa nói, nhưng với số lượng phát hành lớn và được bạn đọc chấp nhận như thế chứng tỏ họ cũng đã có một cách làm kinh tế. Trong kinh tế thị trường thì cũng không cấm được họ, phê nhau thì cứ phê. Nhưng điều đó cho thấy một bức tranh ảm đạm về phát hành của báo chí, về kinh tế báo chí, là điều đáng lo và rất đau đầu của những người chịu trách nhiệm ở các cơ quan báo chí. 

Tôi biết có cơ quan báo mặc dù vẫn phải phát hành, nhưng còn nợ nhuận bút của cộng tác viên, nợ tiền nhà in… và toàn bộ những người làm báo ở cơ quan báo chí đó từ Tổng Biên tập cho đến các anh em phóng viên, nhân viên chắc trong lòng rất nặng nề, căng thẳng. Mà còn thật tội nghiệp, báo chí có một chức năng đi trước phát hiện, thậm chí còn hướng dẫn, còn “xui” doanh nghiệp nên đổi mới, nên tái cơ cấu nọ kia, nhưng chính bản thân báo chí lại không “tái” nổi cơ quan mình… với một thị trường đến mức độ trầm lắng, èo uột, đóng băng, thậm chí có cả chỗ người ta “ngoảnh mặt”, đó là điều báo chí không muốn, nhưng muốn cũng không làm gì thay đổi được, vấn đề này còn nằm ở nhiều khâu quyết định khác… 

Đứng ở mặt chính sách thì chưa bao giờ người ta gọi cơ quan báo chí là một doanh nghiệp. Như báo An ninh Thủ đô vẫn đang gọi là đơn vị sự nghiệp có thu. Một số đơn vị tuy có thành lập công ty con bên cạnh làm công việc về quảng cáo, truyền thông… nhưng trên hết, cơ quan báo chí phải làm nhiệm vụ chính trị, vậy mà lại đang phải chịu tất cả những mức thuế như của doanh nghiệp. 

Ví dụ, so tờ báo của chúng tôi như một đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng chẳng hạn với quy mô vừa thì bản thân họ hay chúng tôi cũng cùng phải đóng thuế như thế. Sau khi sản xuất ra sản phẩm họ bán, báo chí cũng bán ra như thế, nhưng báo chí còn có thêm một chức năng nữa là chức năng làm chính trị, tư tưởng, chức năng phản biện xã hội, định hướng dư luận thì những điều đó không thể trả bằng tiền được. Mà doanh nghiệp kia không phải làm việc đó, họ chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ, ví dụ một viên gạch cong vênh thì cho xuống loại 2 và họ bán ra với giá khác, chứ báo chí mà ra sản phẩm loại 2 thì bị kỷ luật ngay, vì báo chí chỉ có một tiêu chí duy nhất là phải ra sản phẩm tốt nhất. Thế thì có xứng đáng không khi mà không những không được áp dụng mức thuế hợp lý, mà còn bị áp dụng mức thuế một cách trần trụi, thẳng băng và lạnh lùng như thế. Trong khi tại các cuộc họp tổng kết thì không ít các đồng chí lãnh đạo của đất nước, của ngành, của thành phố luôn có những phát biểu đánh giá rất cao về báo chí, mà điều đó là đúng. Nhưng trong hoạt động kinh tế thì bên cạnh những lời khen, những huân chương thì chuyện miếng cơm manh áo là điều không đùa được. Điều này thì thuộc về kinh tế vĩ mô, thuộc về những người làm chính sách phải có cách tháo gỡ. 

Nhân đây tôi xin nêu một ví dụ, vừa qua, báo An ninh Thủ đô đã tiếp ông Giám đốc điều hành của tập đoàn báo chí Mainichi (Nhật Bản)- đây là tờ báo có lượng phát hành 5 triệu bản/ngày. Mà tôi được biết ở Việt Nam tờ báo phát hành cao nhất cũng chỉ là 300- 400 ngàn bản/ngày. Tại sao họ có lượng phát hành lớn như thế. Họ nói họ cũng đang rất căng thẳng vì vấn đề sụt giảm số lượng phát hành. Đây chính là điều họ lo nhất. Nhưng có điều hết sức ngạc nhiên đấy là tờ báo của đất nước kinh tế thị trường hoàn toàn, vậy mà họ được Chính phủ tài trợ rất ghê gớm, chỉ đạo báo của Mainichi phải được đưa vào trường học và được nhà nước bao cấp cho nên họ mới bán được số lượng lớn như vậy. 

Trong khi đó, chúng ta chỉ có một vài tờ báo đầu ra gọi là có sự ưu ái, còn toàn bộ thả nổi? Đối với một tờ báo hay một doanh nghiệp đầu ra là yếu tố quan trọng nhất, thì đối với những đơn vị được ưu ái đầu ra đó là điều khá thuận lợi, Tổng Biên tập có thể gối đầu ngủ kỹ. Nhưng đối với những tờ báo như chúng tôi nửa đêm mà trời đổ cơn mưa, sấm chớp nổi lên, nhà in họ báo số lượng tụt thì sáng hôm sau ăn không nuốt vào được. Cho nên ngay trong chuyện phát hành báo chí của chúng ta cũng đã chưa công bằng rồi. 

Có không ít tờ báo của chúng ta hiện nay cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn và các điều kiện khác cũng hết sức khó khăn, để có lãi mới đóng được thuế thì nhiều báo chưa chắc đã đóng được…, vì vậy chính sách thuế đối với báo chí cần phải được cân nhắc. Tôi đề nghị một cách tha thiết là những người làm chính sách thuế cần có một cái nhìn bớt sự “lạnh lùng”, bớt những con số số học đi, nếu đếm như đếm trứng gà trứng vịt để thu thuế đối với báo chí thì không nên, bởi báo chí mang tính chất đặc thù. Nhà nước đang có chính sách giãn thuế cho một số đối tượng… vì đồng tiền đó góp phần tái tạo sản xuất, nhưng cái được lớn hơn là sẽ tháo gỡ được về mặt tư tưởng. Không lẽ gì các cơ quan chính trị như báo chí lại không được lưu tâm về chính sách thuế. 

Nói như vậy, cũng không hy vọng là một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được và trong tương lai gần thì báo chí vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn và đặc biệt đối với báo in là cực kỳ gay go. Thời gian gần đây, như báo chí đưa tin đã có hàng chục nghìn DN nhỏ và vừa bị phá sản và lặng lẽ biến mất trên thương trường. Vì thế, cũng như DN, tiền rất quan trọng đối với báo chí lúc này, mà ở đây cụ thể là những chính sách về tiền thuế để tháo gỡ cho báo chí, đừng để có rã đám và đừng chết như doanh nghiệp… Có nghĩa là thuế vẫn thu nhưng chỉ nên thu đến một mức nào đó và thu trên giấy tờ để sau đó cấp ngược trở lại. Như DN đã được giảm thuế từ 28% xuống còn 25%, nhưng với riêng báo chí đang đề xuất giảm từ 25% xuống còn 15% hoặc 10% theo tôi là mức hợp lý. Đặc biệt, nếu chúng ta làm tốt công tác chống tham nhũng, chống lãng phí thì còn “dôi” ra nhiều nhiều tỷ đồng thất thoát “ăn” vào tiền thuế của dân, của doanh nghiệp, của báo chí.