Những người không nghỉ Tết

ANTĐ - Tết đến, xuân về là dịp  mỗi người, mỗi gia đình được nghỉ ngơi, sum họp và du xuân sau cả năm làm việc bận rộn. Tuy vậy với không ít người, đây lại là những ngày làm việc “hết công suất”. Và để hoàn thành nhiệm vụ, họ đã phải nỗ lực hết mình…

Những người không nghỉ Tết ảnh 1Ngày Tết của các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn như ngày thường

Vui với niềm vui chung

Có thể nói trong những ngày Tết, những chiến sỹ công an luôn là những người bận rộn và vất vả nhất. Để mang lại sự bình yên cho từng ngôi nhà, tuyến phố, họ hầu như không được về vui Tết với gia đình mà phải đảm bảo chế độ trực khá nghiêm ngặt. Theo Trung tá Nguyễn Đức Lộc - Trưởng CAP Liễu Giai, quận Ba Đình, giống như các phường khác, bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp đến hết đêm 30 Tết, lực lượng CAP phải trực 100% quân số. Trong đêm giao thừa, khi các gia đình quây quần bên nhau đón chào năm mới hay nô nức đi xem bắn pháo hoa thì hàng trăm lượt bảo vệ dân phố, chiến sỹ cảnh sát phải ra đường để làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Sau đêm 30 Tết, các CBCS thay nhau trực luân phiên.

Những người có quê ở xa dù được ưu tiên, tạo điều kiện nhưng cũng chỉ được nghỉ 1-2 ngày. Không chỉ vậy, trụ sở tuần tra nhân dân tại tất cả các khu dân cư trên toàn địa bàn lúc nào cũng mở cửa để tiếp nhận kịp thời thông tin tố giác tội phạm từ người dân, làm tốt công tác tạm trú tạm vắng… Ngoài những CBCS lâu năm, có những CBCS tuổi đời còn rất trẻ lần đầu tiên tham gia trực Tết. Mặc dù vậy, tất cả CBCS với tâm niệm “vui với niềm vui chung của mọi người” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong những ngày Tết, trên địa bàn phường không xảy ra trọng án, không có hiện tượng mất trộm mất cắp hay đốt pháo…

Ngoài các chiến sỹ công an, công nhân môi trường đô thị cũng là những người có tần suất làm việc rất cao. Do lượng rác thải tăng đột biến nên để giữ cho từng con đường được khang trang, sạch đẹp đón xuân, mỗi công nhân phải làm việc liên tục.  Chúng tôi gặp chị N.T.T (xin được giấu tên) – làm việc tại tổ 14 khu đô thị 1 - Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội chiều mùng 4 Tết trên một ngõ nhỏ ở đường Đội Cấn, khi chị T đang gắng sức đẩy chiếc xe thu gom rác chất cao như núi. Khi được hỏi về lịch làm việc trong những ngày Tết, chị T chia sẻ,  chị cùng các công nhân phụ trách địa bàn phải thu gom  rác 3 lần/ngày và chỉ được nghỉ sau 23h khi xe cẩu rác thu chuyến cuối cùng. Duy nhất trong ngày mùng 1 Tết, các công nhân được phân làm việc theo ca nên có thể thay nhau nghỉ ngơi. Đến mùng 2 Tết, mọi việc trở lại bình thường. Chị T tâm sự: “Vẫn biết đặc thù công việc là hầu như không được nghỉ Tết nhưng nghĩ đến gia đình, con cái, đôi lúc chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Mặc dù vậy, mỗi khi nhìn đường phố phong quang sạch đẹp, nhận được những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới của mọi người, tôi rất hạnh phúc. Chỉ mong mỗi người dân có ý thức bảo vệ môi trường một chút thì công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều”.

Những người không nghỉ Tết ảnh 2Trong những ngày Tết công nhân môi trường đô thị làm việc khá vất vả

Sinh nghề… khổ nghiệp

Trong khi từ 27 Tết hầu hết các cơ quan công sở đã vắng người qua lại thì tại Bệnh viện Nhi Trung ương, không khí vẫn như ngày thường. Bác sỹ Lê Ngọc Duy - Phó trưởng khoa Cấp cứu cắt nghĩa khái niệm ăn Tết, nghỉ Tết của ngành y: “Ăn thì vẫn đủ ngày 3 bữa. Còn nghỉ thì chúng tôi có truyền thống… tại chỗ”. Thấy chúng tôi có vẻ chưa hiểu, bác sỹ Duy giải thích: “Chúng tôi vẫn đón giao thừa như mọi người, nhưng khái niệm nghỉ thì hầu như không có”.

Công tác tại khoa Cấp cứu được 10 năm nay, cũng thuộc vào diện có thâm niên, với bác sỹ Duy, Tết chỉ khác ngày thường ở chỗ có thêm cây đào trước cửa phòng bệnh. Bác sỹ Duy nói vui: “Quân số chúng tôi vẫn duy trì như ngày thường. Với bác sỹ thì bệnh tật nó chẳng chừa ai và cũng không chịu kiêng 30 hay mùng 1. Chẳng nói đâu xa, ngay như PGS Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu đã có “thâm niên” gần 30 năm đón thời khắc giao thừa cùng với bệnh nhân”. Thông thường, vào những dịp Tết số bệnh nhân tuy có giảm một chút, nhưng hầu như không đáng kể. Thay vào đó số ca bệnh nặng nhập viện lại gia tăng. Lý do là bởi nếu trẻ bị bệnh nhẹ như: cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi thông thường thì đa số các bậc cha mẹ sẽ cố nấn ná đợi qua Tết rồi đi khám một thể. Tâm lý chẳng ai muốn vào viện những ngày Tết vì sợ xúi quẩy, trừ trường hợp bệnh quá nặng. Vì thế đối với các bác sỹ thì ngày Tết áp lực điều trị lại tăng hơn ngày thường là như vậy.

PGS Lê Thanh Hải cho biết: “Trong tất cả các khoa thì khoa Cấp cứu là vất vả nhất. Cho đến tận chiều 30, bác sỹ ở đây vẫn hối hả với những ca cấp cứu được chuyển lên từ tuyến dưới. Thậm chí đến tận sáng mùng 1, họ vẫn khoác blouse trắng đi thăm bệnh như thường. Bệnh nhân nhập viện thì đủ loại từ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt cho đến ngộ độc hay đuối nước… Người nhà ai nấy mặt mũi đều rầu rĩ thì thử hỏi bác sỹ còn bụng dạ nào mà vui vẻ hay Tết nhất. Trôi qua thời khắc giao thừa tại khoa Cấp cứu là những y lệnh mổ khẩn cấp, những ca tiếp nhận yêu cầu chuyển viện vượt tuyến hay những tiếng oe oe, gào khóc vì đau đớn của con trẻ. Thế nên nhiều nhân viên của chúng tôi trắng đêm. Sáng hôm sau về nhà chỉ có lăn ra ngủ bù để chuẩn bị cho ca trực tiếp theo. Chỉ khi nào người ta không ốm đau nữa thì may ra ngành y mới có một cái Tết của riêng mình”.