Những người khản tiếng trong mùa dịch Covid-19

ANTD.VN - Khi tôi gọi điện cho Đại úy Phạm Tường Bắc - Trợ lý tham mưu, Ban Chỉ huy quân sự quận Bắc Từ Liêm, tiếng anh khào khào bên kia dây nói: “Nhà báo ơi, nhắn tin thôi. Tôi khản hết cả tiếng rồi, không nói được”.

Vui chơi thể thao đẩy lùi bệnh tật 

Tròn trách nhiệm, tận lực vì đồng bào

Tại điểm cách ly tập trung ở trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội hiện đang có 672 người từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu trở về lưu trú từ ngày 21-3. Với số lượng người tập trung cách ly đông như vậy, nhưng ở khu trung tâm hiện chỉ có 10 cán bộ chiến sỹ của Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm, 10 bác sỹ và dân quân tự vệ ứng trực.

Đặc biệt trong số người cách ly, có người già, trẻ em (trẻ nhỏ nhất mới chỉ có 2 tuổi), phụ nữ mang thai, thậm chí có người đã sắp đến ngày sinh. Đại úy Phạm Tường Bắc bảo: “Lực lượng tuy mỏng, nhưng chúng tôi phải làm tất cả những gì tốt nhất giúp bà con hòa nhập với môi trường mới, tự giác chấp hành và xác định tư tưởng trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình trong thời gian cách ly”. 

Mỗi ngày, những người ở khu trung tâm như Đại úy Bắc đều tìm mọi cách để khuấy động phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cho những người cách ly tại đây để họ cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn. “Những ngày đầu mới đến, động cái gì bà con cũng hỏi, mình lại phải giải thích cặn kẽ để bà con hiểu, rồi bắc loa gọi mọi người xuống nhận cơm, nhận đồ tiếp tế, bắt nhịp những bài hát tập thể để mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn trong khu cách ly. Đó là nguyên nhân giọng nói của tôi bây giờ khản đặc” - Đại úy Bắc chia sẻ.

Đặc biệt chú trọng đến người già, trẻ em và phụ nữ mang thai, các anh đã phân những đối tượng này ở cùng nhau, ít nhất cũng có 2 người/phòng và ghi lại tên tuổi, hiện trạng sức khỏe để tiện theo dõi và giúp đỡ. Đại úy Bắc chia sẻ, ở vòng trung tâm của khu cách ly luôn có những câu chuyện hết sức bình thường nhưng lại không hề bình thường chút nào. Ví dụ như ở nhà thì kiếm một chút nước sôi giữa đêm, nấu một tô mỳ hay những nhu cầu thiết yếu khác là rất đơn giản, nhưng ở đây thì rất khó vì không phải cái gì cũng sẵn. Thế nhưng các anh vẫn cố gắng hết sức để phục vụ bà con.

Vì yêu cầu cách ly, chúng tôi không được tiếp xúc trực tiếp với những người đang ở khu trung tâm mà chỉ liên hệ qua điện thoại. Bác sĩ Nguyễn Hoài Linh công tác tại Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội hiện đang làm nhiệm vụ trong khu trung tâm cách ly cho biết, tinh thần của các bác sỹ và nhân viên y tế đều rất quyết tâm. Tất cả cố gắng phân loại từng người dựa trên dấu hiệu ban đầu để đưa họ ra từng khu riêng, tránh lây nhiễm chéo cho toàn khu vực cách ly.

Nhắc đến tình cảm gia đình, bác sĩ Nguyễn Hoài Linh  vui vẻ cho biết, tranh thủ những lúc rảnh rỗi anh và gia đình lại gọi điện cho nhau, động viên cùng vượt qua giai đoạn này. Những người thân của anh đã xác định anh là một nhân viên y tế, trong tình hình chung của cả nước, những người ở tuyến đầu chống dịch đều cố gắng làm tốt công việc của mình. 

Buồn vui ở khu cách ly

Thông qua Đại úy Phạm Tường Bắc, chúng tôi đã kết nối được với những công dân đang ở trong khu cách ly. Đó là Lại Thúy Quỳnh một cô gái Hà Nội. Quỳnh không chỉ có con nhỏ 6 tuổi mà còn là đang chuẩn bị làm mẹ lần thứ 2. Chồng cô đang làm việc ở Nhật Bản và 3 năm trước, Quỳnh đã theo chồng sang đó sinh sống. Khi chuẩn bị sinh nở, Quỳnh quyết định về nước vì muốn con mình sẽ học những chữ cái đầu tiên trên đất Việt. Chồng cô dự định cũng trở về trong tháng 4 nhưng không thành. Cô bảo: “Trước khi trở về em đã rất phân vân bởi nguy cơ lây bệnh trên máy bay. Nhưng rồi tin tưởng vào việc cách ly, dập dịch của Việt Nam, mẹ con em vẫn quyết định về nước”. 

Căn phòng của Quỳnh nằm ở tầng 3 của tòa nhà. Cô được phân ở cùng với 7 người khác trong đó có 2 người có con nhỏ và 3 người đang mang thai. Tối thứ bảy (21-3) có mặt tại khu cách ly thì sáng thứ hai cô cùng tất cả mọi người được xét nghiệm y tế. 10 người có dấu hiệu khác thường đã được đưa sang Bệnh viện Lâm sàng nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Vì lực lượng phục vụ ở đây “mỏng” hơn những nơi khác nên hàng ngày, những người trong phòng phải tự xuống lấy đồ ăn và nhận quà tiếp tế. Quỳnh bảo: “Vì em có thai nên các bạn thanh niên trong phòng luôn nhận nhiệm vụ xuống lấy đồ ăn cho mấy mẹ con. Riêng các anh bộ đội, các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây ai cũng vui tính và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu cho người bị cách ly. Chúng em cảm thấy khá thoải mái và tinh thần cũng rất ổn”.

Ở phòng của Quỳnh có một cậu bé mới chỉ 2 tuổi, khi về khu cách ly, cậu bị táo bón và nhiệt miệng. Ngoài việc cho thuốc điều trị, ngày nào bác sĩ cũng qua hỏi thăm tiến triển của bệnh khiến mẹ cậu bé cũng yên tâm hơn phần nào. “Em mang thai 8 tháng nên được các bác sĩ ở đây chăm sóc  rất chu đáo. Thậm chí chu đáo còn hơn cả ở bên Nhật Bản” - Nguyễn Thị Hồng Minh, một người phụ nữ đang mang thai trong khu cách ly kể với chúng tôi. Minh cũng đi theo chồng sang sinh sống ở Tokyo. Lần đầu tiên được làm mẹ, cô quyết định trở về Việt Nam vì ở nơi này có người thân của mình. 

Chúng tôi không có dịp được trò chuyện với nhiều người đang cách ly tập trung ở trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, nhưng qua mỗi câu chuyện đều thấy một tinh thần hợp tác, quyết chiến thắng dịch bệnh từ những người bị cách ly đến bác sĩ, chiến sỹ.