Những người đàn ông không lấy vợ vì... nghèo và sĩ

ANTĐ - Chắc hẳn không ai còn xa lạ với câu chuyện về “bến không chồng” đã từng trở thành đề tài trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Đó là câu chuyện buồn của thời chiến. Ấy vậy mà giữa thời bình lại tồn tại một câu chuyện lạ hết sức ngược đời: Xóm không vợ.

Chắc hẳn không ai còn xa lạ với câu chuyện về “bến không chồng” đã từng trở thành đề tài trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Đó là câu chuyện buồn của thời chiến. Ấy vậy mà giữa thời bình lại tồn tại một câu chuyện lạ hết sức ngược đời: Xóm không vợ.

Bộng Dầu, cái tên nghe lạ tai, khó nhớ nhưng lại là tên của một xóm nhỏ thuộc thôn Hội Ai, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Xóm nhỏ đó có một đặc điểm khá kỳ lạ và khó hiểu, y như tên gọi của nó, đó là hầu hết đàn ông trong xóm không chịu lấy vợ. Nếu như bạn tìm về nơi này, mà vô tình quên mất cái tên không dễ nhớ của xóm, thì có thể hỏi thăm bằng một cách khác, cứ gọi đó là xóm đàn ông độc thân.

Những phận đời cô đơn

Người đàn ông đầu tiên trong xóm Bộng Dầu mà chúng tôi gặp trên đường đi làm đồng về có cái tên khá ngộ nghĩnh: Phạm Văn Trèo. Anh Trèo năm nay 35 tuổi và chưa vợ, khi thấy có người hỏi về xóm mình, anh vui vẻ hăng hái dẫn chúng tôi đi thăm xóm. Vừa đi anh vừa ríu rít kể chuyện: “Thanh niên xóm Bông Dầu chúng tôi có đến 90% không lấy vợ. Có mấy người sinh năm 1973, có người lớn tuổi hơn, còn sinh năm 1956 nữa, còn tầm sàn sàn như tôi thì nhiều lắm. Nhưng họ cũng tứ tán đi làm xa, phải đến tết họ về quê, giai làng tụ họp nói chuyện, mới rôm rả”.

Khi tôi hỏi về chuyện của anh, anh cười tươi: “Tôi chưa vợ nhưng tôi đã từng yêu hai lần rồi đấy”. Anh cởi mở kể lại chuyện đời mình. Năm vừa 18 tuổi, Trèo đi vào TPHCM làm công nhân kiếm sống, do công việc chân tay nặng nhọc và lương thấp khiến miếng cơm manh áo luôn là nỗi lo lắng trong lòng chàng trai trẻ. Nhưng đến tuổi thì bản năng con người ta vẫn thức dậy, vượt qua nỗi mặc cảm nghèo khó, Trèo quyết tâm theo đuổi một cô gái chốn Sài thành. Cũng may, cô gái ấy cũng có tình cảm với chàng trai miền Trung chịu thương, chịu khó. Hai người qua lại với nhau được một thời gian, Trèo cũng có thêm động lực để kiếm tiền, hy vọng sẽ có chút vốn liếng để cưới vợ. Mặc dù vậy, Trèo vẫn luôn có một nỗi sợ hãi mơ hồ về tương lai, vì bấy lâu chắt chiu nhặt nhạnh mãi mà tiền để dành vẫn chưa được là bao.

Nhiều đêm nằm nghĩ, Trèo chỉ biết mong chờ vào một điều kỳ diệu nào đó. Tuy nhiên, tình yêu của họ không đi đến một kết cục như mong muốn. Bố mẹ cô gái phản đối kịch liệt vì lo con gái sẽ khổ, anh bảo: “Làm cha mẹ, ai cũng mong con gái mình lấy được tấm chồng tử tế chứ ai dám tin tưởng mà gửi con gái vào tay một người nghèo như tôi”. Vậy là họ chia tay. Trèo bỏ về Quảng Nam cũng từ ngày đó, mang trong lòng nỗi buồn tủi khi nhớ về chốn phồn hoa đô thị. Về quê, Trèo tìm được việc làm tại một công ty xây dựng nhỏ ở thành phố Tam Kỳ.

Được một thời gian thì anh gặp mối tình thứ hai của mình. Nhưng mặc cảm từ nỗi buồn quá khứ lúc nào cũng ám ảnh Trèo, thế là anh cứ lần lữa mãi không chịu kết hôn. Anh sợ cái cảnh nghèo, sợ mang tiếng không nuôi nổi vợ, sợ một lần nữa bị người ta chì chiết là anh bất tài. 5 năm trôi qua, người yêu Trèo đã bắt đầu đứng tuổi, bắt đầu giục giã anh về việc cưới xin. Sau một đêm suy nghĩ, không vượt qua được định kiến của chính mình, anh chủ động chia tay để người yêu đi tìm người khác. Anh cũng xin nghỉ việc tại công ty xây dựng trở về nhà anh làm nghề xe ôm cho đến bây giờ.

Câu chuyện của anh có lúc cũng chùng xuống, ngập ngừng ẩn chứa bên trong bao điều ẩn ức nhưng chỉ một thoáng sau, anh lại cười dí dỏm kết luận: “Cứ để thế để trêu con gái, cho họ chết thèm”. Nhìn sâu vào mắt anh, tôi biết ẩn bên trong là sự bế tắc không giải toả được.

Đi được một lát thì tới con sông Tiên chảy ngang qua xã, đã vào mùa nước cạn, có mấy người đàn ông đang cởi trần làm cát, thấy Trèo đi qua thì gọi giật lại chào. Anh giới thiệu: “Trai làng mình đấy, cũng đều chưa vơ. Hai chị đến lúc này thì không gặp được hết đâu, vì phần nhiều mọi người đang đi làm ở Đà Nẵng với Sài Gòn, phải đến tết mới về, bây giờ chỉ còn một số người ở nhà làm cát thôi”.

Vào đến xóm, tôi gặp thêm một vài người nữa, được các anh mời vào nhà ngồi nói chuyện. Bên chén trà lúc xế chiều, các anh ngậm ngùi nói về sự độc thân của mình. Một anh không giới thiệu tên lên tiếng đầu tiên: “Làng này là làng thuần nông, ngoài việc cấy cày ra có nghề gì để kiếm thêm thu nhập nên bao nhiêu năm tháng, nghèo vẫn hoàn nghèo. Trai làng cứ thế lần lượt kéo nhau đi đến các thành phố lớn tìm việc. Nhưng đứa nào cũng thế, đủ ăn là mừng, chứ tích góp được bao nhiêu. Hay có khi tích góp được đôi chút, nhưng cuộc sống xa nhà, lại ném tiền vào những chuyện không đâu thôi. Rồi đến khi quay về quê, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, lấy vợ làm gì cho khổ đời người ta”.

Câu chuyện đang rôm rả thì một cụ ông bước vào, cụ tự giới thiệu tên là Lê Văn Giáp năm nay vừa tròn 70, đi qua thấy chúng tôi bàn về chuyện trai làng không chịu lấy vợ, cụ ghé vào. Cụ bảo: “Chuyện trai Bộng Dầu không chịu lấy vợ đã xảy ra từ lâu rồi hồi còn bé, tôi cũng nghe cha tôi kể lại rằng Bộng Dầu vốn là làng thuần nông, cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng, nhưng đất đây là đất cằn làm chẳng đủ ăn nên trai làng hầu hết đều bỏ làng đi kiếm ăn xa. Như tôi đây thời trẻ thì đi bộ đội, lúc đó chiến tranh sống chết còn không biết thế nào sao dám nghĩ chuyện lấy vợ.

Giải phóng phục viên về làng thì đã hơn 40 tuổi rồi yêu đương thì ngại cũng được mối lái cho mấy đám nhưng đồng lương bộ đội chả được bao nhiêu, lấy vợ về sợ không lo được nên quyết định ở một mình cho người ta đỡ khổ. Biết là sau này già cả một thân một mình cũng khổ nhưng thà mình chịu khổ một mình còn hơn là bắt thêm vợ con phải khổ”. Khi tôi buột miệng hỏi: “Có rất nhiều người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận sướng khổ có nhau, sao các anh vẫn không đồng ý” thì lập tức nhận được câu trả lời: “Lúc đầu có thể người ta không nghĩ gì, nhưng cuộc sống có dễ dàng đâu, ai nắm tay nhau từ sáng đến tối được, mà cái nghèo thì nó có tha ai đâu đời mình đã vậy, sinh con ra lại làm khổ con”. Chỉ tay ra phía xa, cụ Giáp nói giọng rầu rầu: “Nghĩa trang làng tôi đấy, chủ yếu toàn đàn ông chưa vợ”.

Đi tìm lời giải cho xóm không vợ

Xóm Bộng Dầu có 28 hộ với gần 150 nhân khẩu, đến nay phần lớn những người đàn ông đến tuổi kiết hôn nhưng vẫn chưa lập gia đình. Đây quả là một điều rất khó lý giải vì không thể chỉ đổ tại cho cái nghèo.

Mảnh đất miền Trung này, còn có bao nhiêu xóm làng cũng trong tình trạng khó nghèo như thế, nhưng sao chỉ có nơi này né tránh việc lớn của đời người. Mỗi khi năm hết tết đến, ngồi bên chén rượu hàn huyên, các anh vẫn ngồi nói với nhau những chủ đề xoay quanh phụ nữ, cũng trêu chọc lẫn nhau, bình phẩm này nọ. Họ cũng giống như bao nhiêu người đàn ông trên thế gian này, quan tâm và nghĩ ngợi về phụ nữ. Vậy thì vì lý do gì mà họ biến mình thành kẻ độc thân?

Đem băn khoăn đó chúng tôi đến gặp Trưởng thôn Lê Văn Tấn, không ngờ lại gặp bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch hội phụ nữ thôn Ai Tiên. Sau khi nghe chúng tôi đưa ra những thắc mắc, bà Hoa và ông Tấn đều tủm tỉm cười. Một lúc sau, bà Hoa mới lên tiếng: “Chuyên đàn ông xóm Bộng Dầu 90% không lấy vợ là có thật, nguyên nhân thì nhiều lắm nhưng nguyên nhân chính bắt đầu từ chữ Nghèo và kết thúc bởi chữ Sĩ”. Để lý giải thêm cho nhận định mà mình vừa nêu ra, bà giải thích tiếp: “Nhưng khi được hỏi họ chỉ thừa nhận việc đói nghèo vì đó là sự thật hiển nhiên, nhưng giấu vào trong lòng mình cái sĩ diện cá nhân mà không muốn người ngoài biết. Họ chấp nhận đối diện với buồn tủi, bỏ đi hạnh phúc của đời người, chỉ vì không đi qua được chính cái tôi quá lớn trong mình”. Hội phụ nữ xã thấy hiện tượng như vậy đều rất cố gắng mở những buổi giao lưu chia sẻ với các anh vào môi dịp họ về làng nghỉ, thậm chí còn thành lập cả câu lạc bộ kết bạn trăm năm nhưng mọi chuyện gần như vẫn dậm chân tại chỗ, sau bao buổi giao lưu kết bạn mới có hai trường hợp kết hôn.

Đàn ông xóm Bộng Dầu khi mới lớn lên, ai cũng ngao ngán với cảnh đói nghèo đi theo từ khi bắt đầu có trí nhớ, nên gần như tất cả đàn ông trong làng đều đã từng ra đi, tìm miền đất hứa. Họ đến các thành phố lớn để tìm kiếm một cơ hội đổi đời. Những người nông dân thuần tuý không học vấn, chẳng kinh nghiệm, suốt ngày chỉ biết nai lưng đổ môi hôi xuống đất thì câu chuyện giàu sang với họ mãi chỉ là ước mơ xa vời.  Sau một thời gian nhận ra bản chất vấn đề người thì cố bám trụ, sống lay lắt ở các thành phố lớn, người thì bất mãn trở về quê nhà, sống âm thầm với những vết thương mà đã phải hứng chịu khi va chạm tại chốn thành thị. Khi trở về, họ đều không muốn phải đối diện với sự thật phũ phàng: Họ nghèo và không có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Và để né tránh việc đó, họ né tránh luôn cả trách nhiệm làm người, cái trách nhiệm làm chồng, làm cha...

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống nơi đây, chúng tôi quyết định xin tá túc lại ở nhà anh Trèo. Chỉ một buổi tối thôi, chúng tôi đã nhận ra một điều, người dân ở đây đi ngủ rất sớm, gần như không có hàng quán để nhậu nhẹt. Đàn ông trong làng sau một ngày làm việc vất vả, họ chỉ vội vàng về ăn xong bữa cơm rồi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc. Ngay như anh Trèo cũng quẩn quanh với quy luật, sáng dậy đi làm tối về ăn và ngủ, không quan hệ giao du nhiều, hoạ hoằn lắm mới có một buổi đi về muộn một chút.

Nhưng quy luật của tự nhiên là phải có đôi có lứa, cách hành xử của đàn ông đất này sẽ đem đến hậu quả gì? Đó là những gia đình đã đi vào ngõ cụt vì không có thể hệ nối tiếp. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Nụ - mẹ anh Trèo rưng rưng nước mắt nói: “Tôi gần đất xa trời rồi, chỉ mong nó lấy vợ đi để tôi có đứa cháu, mồ mả bát hương ông cha sau này là nhờ nó cả, sao nó không hiểu cho già này? Sao nó cứ ích kỷ thế, chả nghĩ gì cho bố mẹ... Cứ thế này tôi chết cũng không yên tâm”.

Rời khỏi xóm đàn ông độc thân, tôi cứ suy nghĩ mãi về cuộc đời họ. Phải chăng cái đói, cái nghèo, cộng với sự lạc hậu, cổ hủ dẫn đến những suy nghĩ cực đoan... đã đẩy những người đàn ông nơi đây trở thành những người khép mình, tiêu cực trong cách nghĩ và trong cách sống. Và cái sự “muộn vợ” của những người đàn ông nơi đây vẫn còn là dấu chấm lửng đằng sau tiếng thở dài.