Những người “cõng” Luật giao thông đến với đồng bào Tây Nguyên

ANTĐ - Ngoài công việc chuyên môn, nhiều CBCS phòng CSGT công an tỉnh Đắk Nông hàng ngày vẫn bôn ba trên khắp các ngả đường, tìm đến những vùng quê xa xôi hẻo lánh, những buôn làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ.
Nói đến CSGT nhiều người hình dung đến những chiến sĩ mang quân phục màu vàng, nghiêm trang đứng ở các ngã tư đường để điều tiết, phân luồng xe cộ hoặc uy vũ trên những chiếc xe mô tô đặc chủng tuần tra trên khắp các ngả đường để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ít ai biết được rằng, bên cạnh những nhiệm vụ mang “thương hiệu” CSGT đó, thì vẫn còn có một lực lượng thầm lặng, hàng ngày vẫn bôn ba trên khắp các ngả đường tìm đến những vùng quê xa xôi hẻo lánh, những buôn làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ. Họ là những chiến sĩ thuộc đội Tham mưu tổng hợp-Tuyên truyền, Phòng CSGT công an tỉnh Đắk Nông.

Công việc thầm lặng…

Hơn 10 năm làm nhiệm vụ tuyên truyền, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội trưởng được anh em trong đội xem là người có thâm niên và kinh nghiệm nhiều hơn cả. Trong 10 năm qua, anh không thể nhớ nổi mình và đồng đội đã thực hiện bao nhiêu đợt tuyên truyền về với buôn làng với bao nhiêu lượt người tham dự. Chỉ biết rằng, sau mỗi lần như vậy thì ý thức chấp hành luật lệ giao thông của bà con đều được nâng lên rõ rệt, mọi hành vi tiêu cực khi tham gia giao thông như phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… đều giảm đáng kể.

Những người “cõng” Luật giao thông đến với đồng bào Tây Nguyên ảnh 1
Cán bộ phòng CSGT đưa luật giao thông đến với bà con trên địa bàn


“Làm cho đồng bào nâng cao được ý thức chấp hành luật giao thông từ đó giảm thiểu được tai nạn giao thông  là niềm vui và hạnh phúc nhất của lính tuyên truyền”, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh vui vẻ tâm sự. Cũng theo Đại úy Nguyễn Tuấn Anh thì công tác tuyên truyền được Phòng CSGT công an tỉnh Đắk Nông hết sức chú trọng và xem đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông bên cạnh việc tuần tra, xử lý vi phạm. Bởi đa phần các vụ tai nạn giao thông xảy ra nguyên nhân lớn nhất vẫn xuất phát từ ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Nếu nhận thức được rằng việc phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng hay vượt đèn đỏ… sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn thương tâm và nạn nhân trực tiếp sẽ là bản thân họ và những người thân trong gia đình, thì chắc hẳn rằng mọi người sẽ cẩn thận, tỉnh táo hơn, không “đùa giỡn với tử thần” mỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Và nhiều khó khăn

Theo Đại tá Nguyễn Như Quỳnh, Trưởng phòng CSGT công an tỉnh Đắk Nông, nhiệm vụ tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ mới nhìn thì thấy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Đơn vị phải chọn ra những chiến sĩ vừa có sức khỏe, có ngoại hình và đặc biệt phải có khiếu ăn nói cũng như năng khiếu sư phạm. Bởi vì đa số những đợt tuyên truyền của đơn vị đều tổ chức ở những buôn làng xa xôi, cách trung tâm hàng trăm cây số và đôi lúc phải đi liên tục hết nơi này đến nơi khác, trong cả chục ngày trời. Mặt khác, nói đến luật là nói đến những quy phạm mang tính cô đọng, súc tích nhưng cũng rất “khô”. Vì thế, khi tổ chức tuyên truyền luật, cán bộ phải đóng cùng một lúc ba vai trò, vừa là cán bộ công an, vừa là một MC và cũng là một nhà giáo đứng trên bục giảng, phải biết pha trò, dẫn dãi câu chuyện để người nghe “thấm” từng tí một mà không cảm thấy nhàm chán.

Nói về nhiệm vụ này thì Trung úy Lục Quốc Nghị được xem là “con cưng” của đội. Tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát 2010, Lục Quốc Nghị được điều về Phòng CSGT công an tỉnh để nhận công tác. Tuy tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ so với anh em trong đội, nhưng anh đã tỏ ra rất có năng khiếu trong nhiệm vụ tuyên truyền. Anh tâm sự: “Cái khó nhất trong công tác tuyên truyền với đồng bào là đa số bà con đều có trình độ dân trí rất thấp, làm sao để giữ họ lại ngồi nghe cán bộ nói chuyện, làm sao để trong buổi nói chuyện đó họ sẽ “nuốt” từng con chữ, từng điều luật, đó mới là nghệ thuật của lính tuyên truyền”.

Anh kể về kỷ niệm một lần tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Sau khi xong việc, cả đoàn đang chuẩn bị thu dọn hành lý ra về thì có một em nhỏ chạy lại tặng anh một nắm lá bép (thứ lá đồng bào dùng để nấu canh). “Lần đầu tiên trong nghề được nhận một món quà rất “đồng bào” từ sự yêu thương, quý mến của bà con, lúc đó mình cảm thấy thật sự hạnh phúc”, Trung úy Lục Quốc Nghị chia sẻ.

Trong năm 2013, và những tháng đầu năm 2014 Phòng CSGT công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại 78 địa điểm bao gồm các buôn làng, trường học, cơ quan với gần 25 ngàn lượt người tham gia, đến từng nhà, gặp từng người, nhất là số thiếu niên để tuyên truyền được hiểu quả hơn. Điều đáng mừng là từ các hình thức tuyên truyền, các kiến thức về luật giao thông, văn hóa giao thông đã lan tỏa và tạo hiệu ứng mạnh mẽ, đến ý thức của nhiều đối tượng trong xã hội khi tham gia giao thông. Từ đó tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn giảm đáng kể và được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi. Đó là một món quà, một sự động viên, khích lệ không gì to lớn bằng đối với những người lính thầm lặng, ngày đêm “cõng” luật giao thông đến với đồng bào.