Những người bình thường mang "tâm hồn khuyết tật"

ANTD.VN -Bài viết hôm nay của tôi là bài viết tặng một người bạn vong niên. Tôi đã hứa viết tặng anh bài này, nhưng bây giờ mới có thời gian để làm việc đó.

Tôi gặp anh trong buổi sinh nhật của một người bạn. Anh là một người khuyết tật. Đôi chân anh bị dị tật từ nhỏ, khiến cho anh, một người đàn ông đẹp trai với hàng ria mép như nghệ sỹ vĩnh viễn phải ngồi trên xe lăn từ khi còn bé.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên hết sức tình cờ. Anh nói với tôi rằng, anh tuy là người khuyết tật nhưng từ bé và cho đến giờ anh luôn tự hào rằng anh đã suy nghĩ và sống như một người bình thường. Anh nói với tôi rằng khuyết tật về cơ thể không đáng sợ bằng khuyết tật về tâm hồn. Tôi ngẩn người ra và lặng im suy nghĩ...

Chúng tôi đã uống cùng nhau rất nhiều. Tôi đã hứa với anh rằng em sẽ viết một bài để tặng anh, một người khuyết tật nhưng đã khiến kể cả những người bình thường như tôi phải khâm phục. Và hôm nay tôi sẽ viết bài này, để dành tặng anh bài viết về “Những người bình thường nhưng mang tâm hồn khuyết tật”.

Tôi - một con nghiện báo mạng đọc được những thông tin về một người đẹp chân dài tự thừa nhận rằng mình chỉ cần gật đầu là có biết bao nhiêu đại gia sẽ cưới làm vợ. Tôi tự nhủ rằng chắc tâm hồn tôi đã bị khuyết tật mất rồi. Đó là một người đẹp được thừa nhận, cô ấy đẹp và chắc chắn là tâm hồn cô ấy cũng sẽ đẹp lắm, đẹp như đôi chân dài và thân hình của cô ấy.

Và những phóng viên viết về những phát biểu của cô ấy cũng uy tín lắm, uy tín rất nhiều năm nay rồi. Và tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng. Tôi biết tôi đã sai, tâm hồn tôi chắc đã bị khuyết tật rồi, tôi không hiểu và không biết rằng, có những giá trị tưởng như là trường tồn đã thay đổi theo thời gian mất rồi...

Tôi lại nhớ về một lần lâu lâu rồi, tôi đọc được ở đâu đó rằng đào tạo liên thông và tại chức là nồi cơm của các trường đại học. Tôi không hiểu rõ sự so sánh ấy, nhưng mà quả thật, một ngày tôi ăn cơm hai bữa, trừ bữa sáng là ăn phở hoặc bún, trung bình 6 bát cơm một ngày.

Quả thực đối với tôi, nồi cơm là một giá trị gì đó lớn lao lắm. Nếu bảo một ngày mà tôi không có nồi cơm thì chắc chắn tôi không thể thở ra hơi chứ đừng nói đến chuyện làm điều gì đó khác. Tôi biết là tâm hồn tôi chắc cũng khuyết tật mất rồi, vì thiếu nồi cơm tôi làm sao chịu nổi, huống hồ lại còn đòi bỏ đi nồi cơm của nhiều người khác...

Ngày bé tôi đã đọc tiểu thuyết Sống giữa bầy voi của tác giả Vũ Hùng, ông viết về quá trình thuần hóa và nuôi dưỡng loài voi ở Tây Nguyên. Tôi ấn tượng mãi một câu trong tiểu thuyết ấy, đại ý là người ta có thể giết một con lợn trước mặt một con lợn khác, giết một con ngựa trước mặt một con ngựa khác... nhưng người ta không thể giết một con voi trước mặt một con voi khác.

Từ một con voi rồi cả đàn voi sẽ gầm rú và phản ứng một cách quyết liệt. Những người quản tượng đã từng chứng kiến cả một đàn voi phản ứng bằng cách nhịn ăn và cùng nhau chết vì bị con người đối xử tàn ác. Và loài voi, một loài vật sống có tình có nghĩa cao đẹp như thế đã bị một số kẻ có tâm hồn khuyết tật chặt trộm đuôi chảy máu đến chết để lấy lông làm tăm xỉa răng...

Hoàng đế Napoleon Bonaparte của nước Pháp từng nói đại ý rằng thế giới này không sụp đổ vì sự tàn bạo của những kẻ ác, nhưng sẽ sụp đổ vì sự im lặng của những người tử tế. Cách đây gần 10 năm, khi đi trực trên sân bay Nội Bài, chúng tôi rất sợ hãi khi phải đi tuyến xe bus từ khu vực Cầu Giấy.

Những kẻ móc túi ngang nhiên móc túi sinh viên và người dân lương thiện trên xe bus mà không có ai dám phản ứng. Tôi và mọi người đều nín thở mong sao cho bọn chúng không móc túi chính bản thân mình là may mắn lắm rồi. Giá như, tất cả đều là giá như... Có lẽ bản thân chúng tôi, những hành khách trên chuyến xe đó và cả những kẻ móc túi kia đều mang trong mình những tâm hồn khuyết tật dù thân thể vẫn lành lặn bình thường...

Để kết cho bài viết này của tôi cũng là một câu chuyện đã gây sóng gió trong thời gian qua. Một bản án quá nhẹ cho một kẻ có tâm hồn khuyết tật, xâm hại trẻ em. Vậy mà vẫn có những con người bình thường nhưng mang tâm hồn khuyết tật - đứng ra phán xét này nọ về vụ việc này, rằng phải thiền, phải buông bỏ, rằng đó là phông văn hoá hay gì gì đó. Họ có phải là ông, là bà, là cha mẹ, là anh chị, là người thân của các em bé ấy; họ đã bao giờ phải trải qua những đau khổ quá lớn lao ấy chưa?

Hay chính tâm hồn của họ từ lâu lắm rồi đã bị khuyết tật để rồi viết những dòng phán xét như bụt, như thánh trên mạng xã hội. Những người phán xét đó họ là những ông bụt - nhưng mà là những "ông bụt ăn thịt". Những dòng chữ mà những người dù chỉ còn một chút lương tâm, một chút tình yêu cũng không thể viết như thế. Tâm hồn họ có khuyết tật không – không – họ không nhận thấy như vậy. Họ biết là mình đúng, mình có quyền, có quyền viết...

Nhưng cuối cùng đáng sợ nhất vẫn là những người tử tế nhưng im lặng. Chúng ta thấy những điều đáng sợ, nhưng im lặng vì không phải việc của mình, không liên quan đến mình, vì chúng ta bận, vì nhà bên cạnh cháy chứ lửa không lan sang nhà mình. Nếu lên tiếng, ai đó sẽ bảo là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, là hâm, là dở hơi, là ông lo kiếm cơm mà nuôi vợ con đi, còn đi lo chuyện người khác.

Đúng thế. Có lẽ nếu một người khỏe mạnh, bình thường mà không lo chuyện kiếm cơm nuôi vợ con bằng việc đi lo những chuyện bất đồng trong xã hội của người khác, thì chắc hẳn người đó cũng sẽ mang trong mình một tâm hồn khuyết tật rồi...

Hôm qua khi gặp bạn bè trong một buổi liên hoan tôi đã hát tặng các bạn tôi bài hát Vết chân trên cát của Trần Tiến. Bài hát về những người chiến sỹ đã hy sinh một phần cơ thể của mình, các anh khuyết tật về cơ thể nhưng mang trong mình những tâm hồn tươi đẹp, vẫn ngày ngày chống nạng để lại những vết chân tròn trên cát đi đến trường để dạy cho các thế hệ tương lai niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống...