Những ngọn núi có... chân

ANTĐ - Giữa thung lũng Yang Tao thơ mộng, nằm cách TP Buôn Mê Thuột chừng 60 km có hai hòn núi đá nhỏ liền khối cách nhau chừng vài km, được coi là một thắng cảnh đẹp bậc nhất trên Tây Nguyên. Hòn nhỏ gọi là Hòn Voi Mẹ, hòn lớn gọi là Hòn Voi Cha. 

Trước đây, dưới chân Hòn Voi Cha có một tòa miếu nhỏ thờ thần Đá. Ngôi miếu này hương khói quanh năm, dân từ dưới xuôi, từ phía biên giới kéo về cầu tình cầu tự đông đúc. Bẵng đi nhiều năm, hương khói tưởng đã tàn trước bận rộn làm ăn. Bỗng dưng vài tháng nay, chỉ từ một tin đồn, cô gái vợ thần Đá hiển linh ban phúc cho dân quanh vùng, nhiều người đã trở lại nơi này cầu cúng. Những câu chuyện thần bí lại được dịp phát tán.

Hòn Voi Cha (bên trái) đang có xu hướng tiến lại gần Hòn Voi Mẹ

Huyền thoại về tình yêu

Thuộc xã Yang Tao, huyện Lắc, thung lũng Yang Tao là nơi sinh sống lâu đời của những buôn làng người M Nông hiền lành, chăm chỉ. Đất tốt, nước đầy đã đem lại đời sống sung túc cho dân bản địa. Những câu chuyện thiêng liêng của hai núi đá này và vị thần Đá bảo hộ cho dân thung lũng đã có từ hàng trăm năm trước. Huyền thoại kể rằng, thần Đá là thần tình yêu. Hễ ai có tình yêu chân chính đến cầu xin thần Đá, thần sẽ cho toại nguyện. Trai có gái, gái có trai. Cũng có thể có sự bảo hộ đó nên trai gái M Nông luôn yêu nhau say đắm, hàng trăm năm ở đây không xảy ra một vụ án tình nào.

Theo những người già trong thung lũng, trước đây đất trong thung lũng bằng phẳng, đi nửa ngày đường chưa gặp núi. Bỗng một đêm, có một người con gái xinh đẹp bỗng được thần hiển linh, chạy khắp thung lũng báo cho mọi người tin Thần Đá sẽ hiển hiện để bảo vệ tình yêu của người M Nông. Thế rồi ba ngày sau, một tiếng nổ dữ dội từ dưới lòng đất vọng lên, nhà cửa mặt đất chao đảo rung rinh. Hai hòn núi như có phép thần trồi lên từ lòng đất. Khi tắt tiếng sấm, hai hòn núi hình voi hiện rõ, một hòn rìa thung lũng phía núi, một hòn nằm giữa thung lũng. Gọi là thần đá, nhưng hai hòn núi mới hiện lên rất mềm, nhiều chàng trai dậm chân mạnh cũng để lại được dấu chân trên đá núi. Lạ một điều, cô gái xinh đẹp từ khi hai hòn núi trồi lên không về nhà nữa, cô lên ngồi trên đỉnh núi, hướng về phía Bắc, lặng im. Sáng hôm sau khi dân trong buôn làng kéo lên núi thì đã thấy đất mềm hôm qua trở thành đá cứng như sắt. Còn cô gái xinh đẹp không thấy đâu nữa. Đêm hôm đó, mẹ cô gái đã được báo mộng là thần Đá đã đem cô gái vào trong lòng núi để làm vợ thần. Và cũng từ đấy, trai gái yêu nhau lên cầu thần đều được toại nguyện, mọi khó khăn đều vượt qua, ăn đời ở kiếp, con cháu đầy đàn. 

Câu chuyện hay nhất trong các huyền tích ở đây là câu chuyện về một chàng trai yêu một cô gái, muốn lấy làm vợ. Nhưng cha mẹ cô gái chê chàng trai nghèo nên không muốn cho hai người lấy nhau. Chàng trai đau khổ, lên núi Voi Cha than khóc một đêm. Đến sáng, anh đập đầu vào đá núi tự sát. Lạ kỳ thay, đập đầu vào đá mà đầu không vỡ, ngược lại đá núi còn vỡ ra một mảnh vàng óng. Nhìn kỹ, thì ra một thỏi vàng. Cảm động trước mối tình của chàng trai. Thần Đá đã ban vàng cho anh để anh về cưới vợ. Có vàng trong tay, chàng trai về dựng nhà mua đất và gia đình cô gái cũng sung sướng khi có một chàng rể chung tình như chàng trai. Gia đình họ sau này là nơi sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo đói quanh vùng.

Những hòn núi tiến lại gần nhau

Theo nhiều người già, cả hai hòn núi vẫn chưa cố định. Nó vẫn dịch chuyển theo hướng tiến lại gần nhau. Trước đây đã có lúc hai hòn núi đột nhiên đổi hướng hoặc tiến lại gần nhau trong tiếng ì ầm như sấm động trong lòng đất, có những thời gian dài hai hòn núi dịch chuyển trong lặng lẽ để bất chợt dân làng mới nhận ra. Lần dịch chuyển xa nhất là của Hòn Voi Cha, đang từ phía Hồ Lak, chỉ một đêm Hòn Voi Cha đã sừng sững chính giữa thung lũng. Đường đi của hai hòn núi tạo thành hai vệt kênh nước chạy dài trong thung lũng. Chính sự di chuyển như người sống của hai hòn núi đã tạo ra nhiều huyền tích thiêng liêng kéo người ta đến thờ cúng. 

Thêm nữa, đá lở ra hai hòn núi này là có nhiều chất sắt nên rất cứng rắn. Nhiều người đã định khai thác đá tại đây đều không thành. Có lần, có người đã mang nhiều dụng cụ đến định phá núi lấy đá làm vật liệu xây nhà, nhưng vừa đục được một mảnh đá nhỏ, từ vết đục trào ra một dòng máu đỏ. Những người ấy sợ hãi bỏ chạy. Nghe nói năm ấy, các buôn làng trong thung lũng hạn hán mất mùa. Từ đấy không ai dám động vào hai núi đá này nữa. Hiện nay, hai núi đá này cũng được dân và chính quyền địa phương bảo tồn như những thắng cảnh. 

Chỉ là các hoạt động của lớp vỏ trái đất

Như chúng ta biết, con người đang sống trên bề mặt của trái đất, đúng nhất là trên lớp vỏ cứng của trái đất. Dưới lớp vỏ cứng này là lớp mắc ma nóng chảy luôn vận động liên tục. Tác động của lớp mác ma này thường gây ra các biến động địa chất. Biến động địa chất là các hiện tượng tự nhiên tham gia tích cực vào quá trình biến đổi địa hình bề mặt thạch quyển. Biến động địa chất là một dạng tai biến môi trường phát sinh trong thạch quyển. Các dạng tai biến địa chất chủ yếu gồm núi lửa phun, động đất, nứt đất, trượt lở đất và có thể tạo sơn. Chúng liên quan tới các quá trình địa chất xảy ra bên trong lòng trái đất. Nguyên nhân chính là do lớp vỏ trái đất hoàn toàn không đồng nhất về thành phần và chiều dày, có những khu vực vỏ trái đất mỏng manh hoặc hệ thống đứt gãy chia cắt vỏ trái đất thành những khối, mảng nhỏ. Do vậy, lớp vỏ trái đất trong thực tế luôn chuyển động theo chiều đứng cũng như chiều ngang.

Tại các khu vực vỏ trái đất có kết cấu yếu, dòng nhiệt xuất phát từ mantia dưới dạng đất đá nóng chảy (dung nham) hoặc khói, hơi nước: chảy theo độ dốc địa hình kéo theo các tác động hủy diệt đối với con người và môi trường sống. Những điểm xuất hiện sự phun trào đất đá nóng chảy hoặc bụi, hơi nước được gọi là núi lửa. Các vùng như vậy phân bố có quy luật trên trái đất tạo thành đai núi lửa. Hai núi lửa nổi tiếng được biết trên trái đất là đai núi lửa Địa Trung Hải và đai núi lửa Thái Bình Dương. Sự phun trào dung nham hoặc sự dịch chuyển của các khối đất đá trong vỏ trái đất thông thường xảy ra một cách từ từ nhưng đôi khi cũng xảy ra một cách đột ngột, tạo nên hiện tượng động đất có mức độ phá hoại mạnh. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản trong lòng đất, xây dựng các hồ chứa nước lớn đôi khi cũng gây ra động đất kích thích và các khe nứt nhân tạo.

Trên bề mặt trái đất, hoạt động của nước và gió gây ra sự xói mòn. Xói mòn do nước mưa là dạng xói mòn phổ biến nhất. Ở Việt Nam, hàng năm lượng đất xói mòn do mưa trên một hecta đất vùng núi và trung du có tới vài trăm tấn. Xói mòn do gió thường gặp ở những nơi gió có tốc độ thường xuyên lớn, trong các vùng lớp phủ thực vật kém phát triển. Trượt lở đất là một dạng biến đổi bề mặt trái đất khác. Tại đây, một khối lượng đất đá khác theo các bề mặt đặc biệt bị trọng lực trượt xuống các địa hình thấp. Bề mặt trượt có thể là các bề mặt khe nứt hoặc lớp đất đá có tính chất cơ lý yếu như đất sét thấm nước. Hiện tượng trượt lở đất thường xuất hiện một cách tự nhiên trong các vùng núi vào thời kỳ mưa nhiều hàng năm. Các hoạt động như mở đường, khai thác khoáng sản đang làm xuất hiện tác nhân trượt lở đất nhân tạo. Một số hiện tượng tự nhiên khác như sóng biển, thay đổi dòng chảy của các dòng sông cũng tạo nên sự trượt lở đất.

Hiện tượng hai hòn núi mọc ra sau một cơn động đất chính là hiện tượng tạo sơn quy mô nhỏ. Dưới áp lực của lớp mác ma, phần đất đá phía trên bị đội lên thành núi. Vì vậy, không có gì là thiêng liêng huyền bí trong vụ việc này. Còn hiện tượng lúc mới mọc ra đất đá trên núi rất mềm, một thời gian sau cứng lại, chính là do trong đá núi có nhiều hợp chất sắt. Khi gặp không khí, chúng tác động với oxy trong không khí tạo thành một hợp chất cứng như thép. Đây là hiện tượng giống đá ong ở miền trung du phía Bắc, khi mới đào lên rất mềm, có thể lấy tay bẻ, nhưng chỉ phơi trên mặt đất vài ngày, nó trở nên đá cứng. Hiện tượng nước chảy từ trong ruột núi có màu đỏ máu là do trong đá có nhiều chất sắt, nước sẽ có màu đỏ, giống như hồng cầu trong máu người có nhiều chất sắt nên cũng có màu đỏ.

Chỉ riêng việc dịch chuyển hai khối núi ở đây là rất đặc biệt. Thông thường, sau thời kỳ tạo sơn, bề mặt trái đất tạm thời ổn định. Như vậy chỉ có hai trường hợp, một là quá trình tạo sơn vùng này chưa kết thúc, hai là có thể do con người tự tưởng tượng ra sau thời kỳ tạo sơn. Tóm lại những chuyển động bề mặt trái đất là bình thường và nếu những chuyển động này cho chúng ta những huyền thoại, huyền tích đẹp, tạo nên những thắng cảnh như hai hòn núi voi này thì chúng ta hãy cảm ơn tạo hóa.