Những ngôi nhà "đặc biệt" ở Hà Nội

ANTD.VN - Trong suốt chặng đường dựng nước và giữ nước, Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Thành phố này đang lưu giữ nhiều di tích cách mạng kháng chiến, nhiều ngôi nhà vô cùng đặc biệt, gắn liền với những sự kiện lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Di tích 5D Hàm Long- nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (ảnh: Linh Tâm)

Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên

Đó là ngôi nhà số 5D Hàm Long. Cuối năm 1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thuê nhà số 5D Hàm Long (1 trong 4 căn nhà được đánh số 5A, 5B, 5C và 5D của một gia đình tư sản) làm trụ sở hoạt động bí mật. Chính tại đây đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, thảo luận của những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội. Tháng 3-1929 tại số nhà 5D Hàm Long, 8 đồng chí từng sinh hoạt trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam. Chi bộ đã chủ trương thành lập một Đảng Cộng sản thay thế tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản - Chi bộ 5D Hàm Long và các hoạt động tích cực của nó thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời các tổ chức Đảng. Để tiến tới thành lập và hợp nhất của 3 tổ chức là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời là biểu hiện sự xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam, khẳng định quá trình đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác.

Với ý nghĩa lịch sử đó, năm 1959, ngôi nhà 5D Hàm Long đã được khôi phục thành nhà lưu niệm và đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, di tích luôn được các cấp chính quyền và cơ quan văn hóa Thủ đô quan tâm, bảo tồn và gìn giữ. Nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích cách mạng kháng chiến ở Thủ đô. Đó còn là nơi học tập và khơi dậy niềm tự hào cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ  - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Những ngôi nhà "đặc biệt" ở Hà Nội ảnh 2Di tích 90 Thợ Nhuộm - nơi đồng chí Trần Phú viết Dự thảo Luận cương chính trị (ảnh: Phạm Hùng)

Nhà 90 Thợ Nhuộm nơi ra đời dự thảo Luận cương chính trị

Ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm kiến trúc theo kiểu biệt thự, có 4 tầng ở ngã tư Hàng Bông - Thợ Nhuộm - Quang Trung (xưa là Đại lộ Jauréguiberry). Phía sau và bên trái giáp đường phố được vây kín bằng hàng rào sắt. Trong hàng rào sắt lại trồng một hàng râm bụt dày khiến ngôi nhà càng thêm kín đáo. Trước khi quyết định chọn ngôi nhà này làm cơ sở hoạt động bí mật của đồng chí Trần Phú, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã cử đồng chí Tạ Văn Bân và đồng chí Trịnh Đình Cửu đến xin làm việc để điều tra về cơ sở.

Người đứng ra nhận 2 đồng chí là người nhà để xin vào làm là bác bồi Hai Dung - một người có cảm tình với cách mạng. Sau đó, đồng chí Trần Phú trong vai một thầy giáo dạy học xuất hiện. Do có phong cách bình dân nên đồng chí được mọi người làm công trong nhà ưu ái dành riêng cho một căn buồng nhỏ. Căn buồng xép tầng một - tầng hầm với diện tích khoảng 6m2 chỉ vừa đủ kê một bộ phản, một tủ gỗ để đựng đồ giặt là của chủ nhà. Trong thời gian viết bản dự thảo Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú thường ngồi trên nền nhà lấy phản làm bàn viết.

Những ngôi nhà "đặc biệt" ở Hà Nội ảnh 3

Tại tầng hầm của ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm còn diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của các đồng chí trong Trung ương lâm thời như: Trịnh Đình Cửu (Bí thư Trung ương lâm thời), Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thế Rục. Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì đã thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên và trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đảng ta khi mới 26 tuổi.

Di tích số 90 phố Thợ Nhuộm đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử và hiện do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trực tiếp quản lý.