Bài toán “bán đất” hay “giữ lấy mảnh vườn” (2)

Những ngôi làng ven đô Hà Nội khó viết tiếp huyền thoại, nếu…

ANTD.VN - Đất xó làng từ chỗ “rẻ như bèo”, cho chẳng ai buồn lấy, bỗng có người đến hỏi mua, nhà nhà lấp ao, lấp chuôm, lấn mương thoát nước trồi bằng được ra mặt ngõ.

Những ngôi làng ven đô Hà Nội khó viết tiếp huyền thoại, nếu… ảnh 1Làng Cựu, Phú Xuyên, Hà Nội - nơi đang bảo tồn tương đối nguyên vẹn kiến trúc làng đặc sắc 

Tôi còn nhớ, đó là vào một buổi sáng mùa đông cách đây chừng 30 năm. Những chiếc xe cải tiến chở đầy xi măng cát sỏi dừng lại trước ngõ nhà tôi. Cả xóm khi ấy sôi lên bàn bạc vì từ thời khắc này, một con đường bê tông phẳng phiu sẽ thay thế cho con đường làng gạch đỏ lát nghiêng, con đường mà mấy trăm năm qua đã chứng kiến biết bao thăng trầm của những phận người trong làng.

Kể từ đó, ngôi làng ven hồ Tây đã có bước chuyển mình “lột xác” thần tốc. Chúng tôi, thế hệ sinh ra, lớn lên ở làng, đã từng tự hào thuộc như lòng bàn tay mọi ngõ ngách, thì nay đã có dăm lần cay đắng đi lạc trong chính ngôi làng của mình. Lạc trong mênh mông những bê tông.

Những ngôi làng ven đô Hà Nội khó viết tiếp huyền thoại, nếu… ảnh 2Nghề may ở Làng Cựu (Phú Xuyên) (Ảnh: Khiếu Minh)

Không còn những “dậu mùng tơi xanh rờn”

30 năm trước, tôi chỉ là đứa trẻ mới lên 10, bằng nhiều cách, những câu chuyện về làng hằn sâu vào tâm trí tôi và bây giờ, khi tôi kể lại cho con trai, nó nhìn tôi hệt như tôi đang kể chuyện cổ tích vậy. Để vào được làng tôi, phải đi qua một cái cổng, người làng gọi là cổng Cầu. Cổng Cầu được xây theo lối thượng gia hạ quan. Cổng rêu phong lắm. Bên trái còn có chục bậc thang để có thể leo lên tầng phía trên cùng của cổng. 

Bao trùm lên cổng là vô số những câu chuyện ma mị mà người lớn trong làng kể để dọa lũ trẻ chúng tôi cho khỏi leo trèo nghịch ngợm. Nhưng rồi, dù ẩn chứa bao nhiêu những câu chuyện truyền miệng bí ẩn, thì cổng Cầu cũng có một ngày không còn nữa. Cổng bị sập một phần do mưa gió, nhân đó người ta phá đi luôn.

“Hết rồi, bởi lẽ, làng chỉ vẹn nguyên là làng nếu những đình chùa còn có cấu trúc chặt chẽ, đơn vị ở hoàn chỉnh, tự chủ sinh thái và cộng đồng gắn kết không tách rời. Khi các ngôi làng bị cưỡng bức đô thị hóa, cấu trúc thay đổi, 13 thiết chế được quy định như: đình làng, giếng làng, cổng làng, ruộng làng, ao làng, chợ làng… không còn cơ sở để tồn tại thì đương nhiên làng chỉ còn trong tâm thức”.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh 

Đường vào làng rộng ra, và đó là nguồn cơn để con đường liên thôn bỗng trở thành tuyến “huyết mạch” giao thông bây giờ, dù có đoạn không đủ cho 1 ô tô 1 xe máy tránh nhau nhưng các phương tiện giao thông vẫn tấp nập chạy. Hồi tôi học đại học, năm 1997, cả làng sôi lên vì đất.

Đó là khi những phác thảo đầu tiên cho khu đô thị Tây hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn được manh nha hình thành. Những ngôi nhà sát cánh đồng dự án bỗng chốc được bán với giá 250.000 đồng/m2. Số tiền bây giờ chưa đủ mua chục bát phở nhưng khi đó là sự kiện “khủng khiếp” mà người làng truyền tai nhau xì xào mãi không thôi. 

Đất xó làng từ chỗ “rẻ như bèo”, cho chẳng ai buồn lấy, bỗng có người đến hỏi mua, nhà nhà lấp ao, lấp chuôm, lấn mương thoát nước trồi bằng được ra mặt ngõ. Bây giờ, chỉ cần là mặt ngõ, ô tô vào được thôi thì đất cũng xấp xỉ 100 triệu đồng/m2. Xưa người làng tự hào vì năm 1972, khi trận lụt lịch sử tràn vào Hà Nội, Xuân Đỉnh nước chỉ mấp mé bụng chân phía rìa làng, thì nay, mưa một trận là mênh mông nước. 

Cả Xuân Đỉnh bây giờ được chia ra làm 2 phường, Xuân Đỉnh và Xuân Tảo nằm lọt thỏm trong sừng sững những khối nhà chung cư mấy chục tầng. Hầu hết đất canh tác đều thuộc một dự án nào đó. Hai cánh đồng với những bờ xôi ruộng mật, một thời là nơi cung cấp một phần lương thực, rau quả cho nội thành Hà Nội là Đồng Eo và Mã Đái đều đã thành chung cư, biệt thự, nhà liền kề, công viên…. 

Nhiều lần, tôi thấy những người làng tôi vui, vì bây giờ chẳng làm gì cũng có tiền tỷ gửi tiết kiệm. Nhưng cũng nhiều lần, tôi thấy trong câu chuyện của họ vẫn là những hoài niệm, tiếc nuối về một thời chính tại nơi này có một ngôi làng xanh ngắt bởi những vườn cây và mênh mông đồng lúa.

Những ngôi làng ven đô Hà Nội khó viết tiếp huyền thoại, nếu… ảnh 3

Thiếu kiểm soát và hậu quả nặng nề

Bắt đầu từ năm 1995, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trưởng khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng đã có những nghiên cứu đầu tiên về kiến trúc ven đô. Giai đoạn đó, các làng như Chèm, Vẽ còn rất nhiều nhà cổ. Năm 1995, làng Nghi Tàm vẫn còn những vườn hoa rất rộng bên trong đê. Nhưng bây giờ có quay lại thì gần như không còn lưu giữ được nữa. 

PGS.TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh, thay đổi là tất yếu của sự phát triển. Vấn đề này chẳng phải của riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Tất nhiên có những nước với cơ chế chính sách sớm và hợp lý, họ đã giữ lại được nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là di sản kiến trúc, hệ sinh thái… của những ngôi làng cổ.  

Quá trình đô thị hóa của làng ven Hà Nội có nhiều sắc thái và nhiều giai đoạn, nhưng PGS.TS Phạm Hùng Cương chia thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn từ 1995 đến khoảng giữa năm 2000 - toàn bộ khoảng thời gian này là đô thị hóa tự phát. Vùng ven đô, thậm chí các “làng nội đô” đều bị “buông” hoàn toàn không có một chính sách, một chủ trương gì để kiểm soát tốc độ xây dựng, tốc độ phát triển. 

Giai đoạn từ năm 2000 trở đi, việc hoạch định chính sách mới bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát trước đó đã để lại một hậu quả vô cùng nặng nề và không thay đổi được. 

Đất nông nghiệp bị thu hồi gần hết, các ngôi làng cổ ven đô buộc phải đô thị hóa dù có muốn hay không. Đây chính là vấn đề gốc, toàn bộ nông dân buộc phải tự chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang buôn bán, dịch vụ, hoặc bất cứ ngành nghề gì, trừ nghề nông. 

PGS.TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh, đó là điểm mấu chốt đầu tiên của chuyển đổi các không gian làng xã một cách cưỡng bức. Ví dụ như làng Ngọc Hà, Quảng An, Quảng Bá, Tứ Liên, Giáp Bát, Giáp Nhị, Thịnh Liệt, Yên Sở, Kim Liên… người dân gốc ở đây, có muốn làm nông dân cũng không được nữa rồi, vì làm gì còn ruộng. Các “làng nội đô” thì thế, nhưng còn các làng khác ven Hà Tây (cũ) thì bây giờ vẫn còn ruộng, nhưng người ta lại bỏ ruộng đồng hoang hóa để vào phố làm cho có thu nhập cao. 

Khoảng năm 1997-1998 những “cơn sốt” đầu tiên bắt đầu ở Ngọc Hà, Quảng An, Tứ Liên. Người dân ở những ngôi làng ven hồ Tây thời đó vẫn thuần nông, chẳng dư dả gì, thậm chí còn nghèo. Và bài toán đầu tiên là chia mảnh vườn đang sở hữu ra làm nhiều phần. Phần cho con, phần để bán và phần để bản thân xây nhà.

Cứ thế, chẳng còn hộ gia đình nào giữ được một miếng vườn đủ rộng để trồng hoa hay trồng đào, quất... Mà tính ra giữ lại trồng rau, trồng hoa thì thu nhập ba cọc ba đồng. Bán đi bỗng chốc có tiền tỷ. Bài toán dễ tính thế cơ mà. Từ đó, những ngôi nhà ống với diện tích chỉ 30-40m2, thậm chí bé hơn ra đời. Những khối bê tông được đặt san sát cạnh nhau. Làng thường có cấu trúc theo hình xương cá, nay một mảnh đất chia năm xẻ bảy. Ngõ, ngách tự phát hình thành như mê cung. 

Làng chỉ còn trong tâm thức

Sau thời kỳ đổi mới, để “tự mình cứu lấy mình”, làn sóng làm kinh tế trở nên rầm rộ. 4 quận nội thành cũ chật chội, dân cư bị nén lại trong những khu tập thể, khu phố cổ nay có sức tự động bung ra, lao về những ven đô mua đất (vì giá rẻ). Một bên cần tiền nên bán, một bên cần chỗ ở nên mua tạo ra cơn “địa chấn”. Cuối cùng là làn sóng người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội nhập cư, đi học. Tất cả những điều đó còn làm nên một cuộc hỗn loạn trong xây dựng. Cho đến nay, những ngôi làng ven Hà Nội lúc nào cũng như một công trường xây dựng khổng lồ, ồn ào, bụi bặm, chưa biết bao giờ việc xây dựng mới bão hòa.

Năm 1988, khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Chuyển đổi làng xã thành phường”, PGS.TS Phạm Hùng Cường có nhiều chuyến khảo sát tại làng Dịch Vọng, khi đó người trong làng bắt đầu biết đến việc xây nhà cho sinh viên thuê thay vì nuôi lợn và làm cốm. Thành ra khẩu hiệu vui để làm giàu lúc đó ai ai cũng biết là “Nuôi sinh viên thích hơn nuôi lợn”. Làng Định Công cũng từng có thời điểm lên tới hơn 300 khu nhà trọ. Người làng ít đi, người nhập cư nhiều lên thế mà hạ tầng nhất quyết giữ nguyên, không chịu phát triển. Ô nhiễm, tắc đường, chưa mưa đã ngập, trường tiểu học công lập có lớp lên đến gần 60 học sinh/lớp… 

(Còn nữa)

Khoảng những năm 2.000, Hà Nội đã có một cuộc trưng bày các tư liệu liên quan đến lịch sử đô thị hóa. Đây là tư liệu từ các cơ quan lưu trữ của Pháp, giai đoạn 1873-1954. Trong các nghiên cứu quy hoạch Hà Nội và cả vùng châu thổ sông Hồng, các kiến trúc sư, kỹ sư nông nghiệp, thủy lợi hay địa lý… không chỉ khai thác bản đồ vẽ mà còn quan sát không ảnh rất công phu và nhận ra cấu trúc các làng nông nghiệp Việt Nam thực sự là một “đơn vị tự chủ sinh thái” tuyệt vời. Nó tự điều chỉnh cấu trúc cho phù hợp với sự sống cộng đồng, khả năng cung cấp thực phẩm, tối ưu hóa nguồn nước và tổ chức môi trường kinh tế - xã hội - sinh học tuần hoàn một cách hoàn hảo.