Những ngày xuân ấy

ANTĐ - Với tôi những cái tết nói chung là rất sùi sụt. Sùi sụt sống, sùi sụt mưa ngoài trời. Chả ai dửng dưng như tôi mỗi khi tết đến. Mẹ già lụi hụi làm mứt trong bếp, củi lửa khói mù một cái chảo mật nho nhỏ như đồ chơi của trẻ con, một nhúm lạc rang, nhúm gừng tươi thế là thành mứt gừng, mứt lạc. Còn vợ con thì chạy đôn chạy đáo, chủ yếu là lo nồi bánh chưng, cả nước lo bánh chưng, không bánh chưng không thành tết, để có một nồi bánh chưng nhiều nhà chạy méo mặt. Kể cũng lạ, một ngày như bao ngày vậy mà bỗng nhiên ai cũng vui, bỗng nhiên thấy quan trọng, bỗng nhiên tất tả, nhìn thiên hạ vào tết mà thấy sốt ruột.

Minh họa: Trần Đỗ Nghĩa

Qua tết mươi ngày mới càng lắm nỗi lo, ông Hoàng Cầm lại sắp dắt ông Từ Chi, ông Trần Quốc Vượng và một đám các ông chừng một tiểu đội đến thăm nhà mình nhân tiện về Hội Lim. Gần như đấy đã là chương trình của các ông trong nhiều năm. Giờ các ông mất cả rồi, cái ăn cái mặc trong nhà cũng đã tạm đủ, nghĩ lại đâm nhớ. Những năm đó sau tết tôi thường dặn vợ để dành một con gà các bác ấy về thì làm nồi cháo, ném thật nhiều hành khô hành tươi vào, các bác đâu có thiếu ăn, chỉ hương hoa vậy là đủ. 
Cái không thể thiếu đối với các ông là rượu, vùng này thiếu gì rượu Vân, rượu nấu từ sắn, hơi có vị đắng nhưng uống tạm, nhiều ông da mặt về sau xám ngoét, gặp tôi có ý oán. Tôi nghe chỉ cười, hóa ra con người ta chết cũng khó, các ông ngày nào cũng rượu, toàn thứ xằng xịt mà sao ông nào cũng phong độ. Và các ông cũng cười, tết tới chúng tớ lại về. Ờ mà lạ thật đấy nhỉ, không thấy Chu đi hội bao giờ? Tôi trả lời, thì đời tôi có lúc nào vui mà bảo cứ tết đến là hội hè. Tôi nhìn đám đông chỉ thấy đâu cũng vất vả, được mấy ngày quần áo tươm tất nhưng vẫn không giấu được vẻ nhếch nhác, lo nghĩ. Ông Hoàng Cầm trợn mắt nói một câu rất lập trường, ô hay cái thằng này, người ta mở hội từ ngàn năm, quanh năm vất vả mỗi năm được mấy ngày tết sao lại không hội chứ. Đến trung ương chính phủ cũng còn phải quan tâm, sao anh lại dám thờ ơ. Tôi chỉ cười, theo tôi dân mình chưa biết mở hội, cũng có nghĩa là chưa biết chơi, đã không biết chơi thì cho dù có làm tối mắt tối mũi, về một phía nào đó cũng cứ nên thử nghĩ xem hay là ta vẫn còn chưa biết làm, xem ra lắm cái tính còn dại, dại thì dễ tự phỉnh mình và cũng dễ bị lừa. Tôi nói chua, đấy rồi mà xem, nhất định sẽ có ngày người ta dám rủ nhau đồng ca quan họ hàng nghìn, hàng vạn người đứng chật đồng chật núi. Như thế cũng là hết quan họ. 
Lúc đó ai chẳng hiểu là tôi nói đùa, nhưng năm vừa rồi thật thần tình, chuyện ấy đã thành sự thật hiển hiện khiến mọi người phát hoảng. Giờ khắp nơi đang đua nhau làm hồ sơ xin danh hiệu di sản văn hóa thế giới, kể ra rất xứng đáng, nhưng xin đừng quên chính những di sản ấy lại không thể chứng nhận cho những người hôm nay là đã có đầy đủ đẳng cấp văn hóa như cha ông nó ngày xưa từng có. Người tứ xứ đến ta du lịch nhìn chung đều lắc đầu không còn muốn quay lại nơi này, đây không phải chỉ là mối lo nghĩ của riêng ngành du lịch.
*
Tôi để ý thấy chỉ có ông Kim Lân là thường về một mình. Cuối tháng giêng năm đó ông ngồi sau xe của thằng con út, ôm khư khư cây mai chiếu thủy mang về cho tôi. Ít ai cười hồn hậu được như ông, tôi biết cậu cũng không thích hoa cảnh chim chóc nhưng xuân đến trong nhà cũng nên có một chậu cây. Rồi ông bảo anh con trai đặt chậu mai lên bậu gạch bên cửa ra vào. Ông dặn, mỗi ngày nhớ sáng cũng được chiều cũng được, anh phải cho nó một chén nước lã. Tôi thấy cây mai thấp nhỏ mà cũng có đầy đủ thế tà thế trực, cái lọ quê màu da lươn đựng cây cũng dễ ưa. 

Hôm đó ông nói với tôi về những bí mật của nghề gốm. Muốn đánh giá nổi một cái lọ cũng cần phải hiểu biết nhiều, mò mẫm nhiều. Tiêu chuẩn chung là nhất dáng nhì men, thứ ba là nguyên, thứ tư là hiếm. Cái gì đã không hiếm thì cũng không quý. Đứng về kỹ thuật mà nhìn nhận một cái lọ thì lại phải theo một tiêu chuẩn khác, nhất xương nhì da thứ ba đến lửa. Lửa phải hoàn nguyên mới ra được những men quý như men ngọc hoặc men thúy hồng. Một cái lọ có men chìm mờ sẽ hơn hẳn những đồ bóng loáng phù quang. Có lẽ thuật xem người cũng vậy mà xem văn cũng vậy, xem tranh cũng vậy. Là cái lọ đất nung tưởng tầm thường mà thực quý, thực sang, trong khi màu mè xanh đỏ lại chứng tỏ nhà quê. Nó là chuyện đời vậy. Xương ở đây là đất, còn men được gọi là da. 

Những cái lọ nằm lăn lóc ngoài chợ, hay trong xó bếp nhà nông ở một làng nào đó, bỗng đến một ngày được ông đặt tay vào, được mắt ông nhìn tới, thế là lên ngôi, thành một giá trị vĩnh hằng không ai chối cãi. Ông quả là một người sành chơi, sành yêu.

*
Chính ra ông Kim Lân mới là người của hội hè, ông đi hội từ bé đến già, nhưng là những hội của thôn làng cổ tích, hội làng Diềm, Duệ Đông, Duệ Bao, Rừng Mành, Tam Tảo... Cũng như ông, tôi là người của vùng đất ấy nhưng tự thấy mình khó lòng theo nổi ông là ở chỗ ông đi kỹ, hiểu kỹ, một mình ngẫm ngợi. Và ông đã để lại đấy không ít thương nhớ. 

Lắm khi ngồi nhà tôi chưa ấm chỗ ông đã đứng dậy đeo túi đội mũ đòi xuống gặp mấy cô đoàn quan họ, với ông các cô ấy vừa là con cháu lại vừa là bạn. Một lần tôi đến nhà chơi, bà Kim Lân nói thầm vào tai tôi, vừa mới về bên Bắc Ninh mấy hôm, những thứ con cái nó cho mang cả đi, cái máy sấy tóc, chì kẻ mắt, son môi, nước hoa, kem dưỡng da. Tôi gật đầu, một cái gật đầu để cho qua chuyện và thấy buồn mình chẳng lấy đâu ra những thứ ấy để mà đem cho, chứ cái sự mang cho thì nào có phải là tôi không muốn. Tất nhiên cả chuyện này tôi cũng tự thấy mình còn kém xa ông cụ.

Có lần đi hội về tạt qua nhà tôi ông cụ kể, cái làng quê mình vốn rất nghèo màu, tường đất mái rạ, cây tre cây xoan nom vào chỗ nào cũng bàng bạc. Cho nên cái váy phải đen để lấy nền, bên trên là áo dài mớ ba mớ bảy, thứ áo nhiều miếng so le chứ không phải là bởi rách mà vá víu đâu, như thế mới có thêm màu sắc cho ngày hội tưng bừng. Ở nhà ra đồng thì lại khác, một cái quần đen cái váy đen, cái khăn đen mỏ quạ, bên trong là yếm trắng, yếm sồi, yếm thắm, ngoài là manh áo nhúng nâu, mộc đấy mà duyên mà vẫn kín đáo.

Tôi sực nhớ, ông là người tuổi cao, chưa bao giờ giàu có, nhưng từ quần áo đến đôi giày cái mũ, cái tẩu thuốc, cái kính, cái túi đeo... tất cả đều được ông chăm lo mỗi khi bước ra đường. Con người ấy cũng là mộc và duyên, và cũng kỹ lưỡng lắm. 

Tôi không thể quên những lần tản bộ trên đường Hà Nội cùng ông, ông thường hay đứng lại nhìn ngó chỗ này chỗ kia, lúc xem chim xem cây, lúc xem người ta bày bán đủ thứ chữ thảo. Ông nói, làm đếch gì phải tìm chữ đức chữ nhẫn, thiếu cái gì thì treo cái đấy, tớ thích một chữ tinh. Khó nhất ở đời là cái tinh, lúc nào cũng thấy thiếu hụt, biết thế nào là đủ. Ông là người ít trường lớp nhưng lại học nhiều ở ngoài đời, quả là từng trải đến lão thực vậy.

Những ngày xuân ấy giờ đã hóa xa và những kỷ niệm thành kén trong lòng tôi.
Hà Nội, tháng 12-2012