Những ngày căng thẳng của người dân Vũ Hán giữa tâm dịch bệnh

ANTD.VN - Tính đến ngày 30-1, virus Corona đã khiến ít nhất 170 người chết và hơn 7.700 người nhiễm. Người ta tự hỏi, ở vùng tâm dịch, cuộc sống của cư dân Vũ Hán diễn ra thế nào trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và số người lây nhiễm virus lan nhanh đến mức chóng mặt?

Gần 1 tuần nay, thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc áp dụng lệnh đóng cửa tuyệt đối khi ổ dịch virus Corona chết người bùng phát và lan nhanh với tốc độ đáng sợ. Với 11 triệu cư dân của thành phố này, cuộc sống không hề dễ dàng nhưng nhiều người đang cố gắng khắc phục tình trạng tồi tệ nhất.

Những ngày căng thẳng của người dân Vũ Hán giữa tâm dịch bệnh ảnh 1Thành phố Vũ Hán hiện có 6.000 taxi phục vụ đưa đồ ăn và hàng hóa cho các cư dân

Tự tiêu khiển để giết thời gian

Không còn một chuyến bay, xe lửa hay xe buýt nào có thể rời khỏi Vũ Hán. Đường cao tốc ra khỏi thành phố bị chặn và tất cả các phương tiện giao thông công cộng nội thành bị đình chỉ. Từ chủ nhật 26-1, thành phố này thậm chí đã cấm các phương tiện cá nhân để ngăn cản mọi người di chuyển xung quanh.

Không nghi ngờ gì về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này, nhưng giữa nỗi sợ lây nhiễm và phiền phức trong “cuộc chiến” chống đại dịch, nhiều người dân đang tìm cách giải trí trong giới hạn nhà của họ. “Những gì người Trung Quốc nghĩ ra để có thể làm trong phòng khách của họ” đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Weibo, thu hút 230 triệu lượt xem. Video cho thấy, mọi người nghĩ ra đủ thứ hoạt động để giết thời gian: chơi bóng bàn trên bàn ăn, chơi cầu lông với một sợi dây buộc giữa tivi và tủ quần áo hay như câu cá trong bể. “Sau khi dịch bệnh kết thúc, tất cả chúng ta sẽ trở thành nhà vô địch thể thao”, một người bình luận trên Weibo.

Những người khác lại chọn cách thức nền nã, ít vận động hơn. “Tôi đã ở nhà 5 ngày. Mỗi ngày, ngoài việc ăn thì chủ yếu là ngủ. Tôi ngủ rất nhiều đến nỗi lưng và cổ đau nhừ”, một người đàn ông họ Trương, cư dân của Vũ Hán thổ lộ. “Đột nhiên tôi hiểu tại sao mọi người dắt chó đi dạo mỗi ngày. Tôi cũng muốn ra ngoài đi dạo. Cũng may là nhà tôi đủ rộng”, anh này nói. Biện pháp của người đàn ông này là “nhảy vuông”, một kiểu khiêu vũ tập thể phổ biến của phụ nữ trung niên và cao tuổi trong không gian đô thị của Trung Quốc. Tất nhiên, anh Trương chỉ nhảy trong phòng khách. Trong video, cả gia đình anh ấy cùng vui vẻ nhảy múa trong bộ đồ ngủ đầy màu sắc.

Có khá nhiều video được chia sẻ trên mạng Weibo cho thấy cuộc sống bên trong thành phố bị “cấm cửa” ở Hồ Bắc. Đó là cảnh các bệnh viện đông đúc, nhân viên y tế căng thẳng do nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng. Đó còn là cảnh kệ siêu thị trống trơn và đường phố vắng tanh. Lại có một đoạn video lan truyền về cảnh một bà cụ ở Vũ Hán tranh thủ bỏ rau vào giỏ hàng trong siêu thị khi những người khác xung quanh đứng yên nghe Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu. Cư dân mạng bình luận “không ai có thể ngăn cản những cụ già ở Vũ Hán tích trữ đồ, kể cả Thủ tướng”. 

Thủ tướng Trung Quốc ngày mùng 3 Tết Nguyên đán đã đến thăm Vũ Hán để thị sát tình hình và thăm hỏi nhân dân trong bối cảnh có những chỉ trích về cách xử lý khủng hoảng của chính phủ. Buổi tối, các đoạn video lưu hành trực tuyến cho thấy người dân đồng thanh hát Quốc ca từ các tòa nhà cao tầng của họ. Hành động này mang ý nghĩa phản đối hơn là cổ vũ tinh thần những “chiến binh tại gia”. Tuy vậy, nhiều người tẩy chay điều này vì cho rằng nó quá nguy hiểm khi có thể làm cho virus lan truyền từ tầng này sang tầng khác.

Căng thẳng nhưng có trật tự

Một số cư dân Vũ Hán cũng đang ghi lại cuộc sống hàng ngày của họ trên video được chia sẻ với thế giới bên ngoài. Li Xiaolei, một người dẫn chương trình của đài phát thanh trong thành phố, bắt đầu tường thuật trực tiếp cuộc sống của mình 1 ngày sau khi Vũ Hán “bế quan tỏa cảng” hôm 23-1. 

Đúng ngày mùng 1 Tết, anh này quay phim đi mua hàng tạp hóa với một người phụ nữ mà anh ấy giới thiệu là hàng xóm của mình. Hình ảnh cho thấy, đường phố gần như không có người, và bên trong trung tâm mua sắm địa phương, các nhà hàng đã đóng cửa. Người mua hàng xếp hàng dài bên ngoài siêu thị để kiểm tra thân nhiệt trước khi được phép vào. Bên trong, mùi thuốc khử trùng đọng lại trong không khí, Li cho biết. Siêu thị quá đông, nhân viên siêu thị quá bận rộn nên khách hàng gần như phải tự động lấy và gói hàng. “Không khí tổng thể khá căng thẳng, căng thẳng nhưng cũng có trật tự”, Li nói trong video. “Mỗi khi chính phủ công bố một biện pháp mới, mọi người đều không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, chỉ biết cuộc sống có thể bất tiện hơn. Đó là lý do tại sao mỗi khi có thông báo mới, mọi người lại đổ xô đến siêu thị để dự trữ”, nhân viên đài phát thanh này nói.

Thực tế thì chỉ vài giờ sau khi Li tải video của mình lên mạng, lệnh cấm các phương tiện cá nhân ở Vũ Hán có hiệu lực. “Hiện giờ xe ô tô không còn được phép sử dụng nữa và không có phương tiện giao thông công cộng, tôi hơi bối rối nếu có trường hợp khẩn cấp thì sao?”, cư dân vùng dịch nói.

Một cư dân Vũ Hán khác có tên Lin Chen cũng cho biết, trong phim ảnh bạn từng gặp cảnh thành phố đột nhiên bị phong tỏa, những con đường vắng tanh không một bóng người, giờ thì đó là cảnh thực tế ở Vũ Hán. “Theo quan điểm của tôi, mọi thứ vẫn đang có trật tự. Tôi thấy mọi người sử dụng sức mạnh của mình để giữ cho thành phố hoạt động như bình thường. Mọi người đều muốn làm điều đúng đắn, để mọi thứ tốt hơn”, Lin nói ở cuối video. “Đây là Vũ Hán với số lượng người ít nhất và có trật tự nhất mà tôi từng thấy trong hơn 10 năm trở lại đây. Bởi vì dù thế nào, nó vẫn là nhà của 11 triệu cư dân”, anh nói thêm.

Mỹ cử chuyên gia đến Trung Quốc giúp chống dịch

 Những ngày căng thẳng của người dân Vũ Hán giữa tâm dịch bệnh ảnh 2Từ ngày 24 đến 29-1, sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán đã tiếp nhận 4.895 nhân viên y tế và 44 chuyến bay chở hàng viện trợ cho thành phố này

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow ngày 29-1 cho biết, Mỹ sẽ cử một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đến Trung Quốc để phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ Trung Quốc. “Chúng tôi rất vui khi làm điều đó. Đó là một phần trong cam kết của chúng tôi với Trung Quốc. Chúng tôi muốn giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể”, ông Kudlow nói.

Cố vấn Nhà Trắng loại trừ việc sử dụng viện trợ làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán  thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2 đang diễn ra. “Chúng tôi muốn giúp họ vượt qua đại dịch virus này càng sớm càng tốt. Đây là một vấn đề độc lập, không liên quan đến đòn bẩy hay bất cứ điều gì khác”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết Washington đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh về dịch virus mới. “Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình. Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Trung Quốc”, ông Trump nói trong buổi lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada sáng 29-1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người vừa có chuyến làm việc tại Trung Quốc trở về cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần sự đoàn kết và hỗ trợ của thế giới và họ xứng đáng được “biết ơn và tôn trọng” vì những nỗ lực chống lại sự bùng phát virus mới. “Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp rất nghiêm túc và chúng tôi không thể yêu cầu nhiều hơn nữa”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo ở Geneva hôm 29-1.

H. Y (Theo Chinadaily) 

Australia phát triển được virus corona trong phòng thí nghiệm

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, Australia hôm 29-1 cho biết, họ có thể phát triển virus corona mới một cách kiểm soát, một bước đột phá để điều chế vaccine. Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc làm được điều này, sau khi cấy virus từ một bệnh nhân nhiễm bệnh ở Melbourne.

Theo đó, virus phát triển trong phòng thí nghiệm cũng sẽ hỗ trợ các phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm người lây nhiễm ngay cả trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

 Phó Giám đốc Viện Doherty nói: “Đây là một bước tiến quan trọng. Các nhà nghiên cứu lẽ ra phải chờ một thời gian để nhập virus từ nơi khác, nhưng hiện giờ họ đã có sẵn để làm các thí nghiệm xa hơn”. Được biết, virus này sẽ được chia sẻ với Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học trên khắp thế giới.

Yên Vũ (Theo NHK)