Những ngày áp Tết

ANTĐ - Lặn lội về tận làng tranh Đông Hồ, tôi đã có bức “Đinh Bộ Lĩnh cưỡi rồng”, “Chuột múa rồng”. Vòng ra phố Cửa Đông, ngắm tác phẩm tranh thờ Hàng Trống, trong lúc chờ ráo màu trò chuyện đôi điều với ông Lê Đình Nghiên – người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh nổi tiếng 36 phố phường xưa.

Dạo qua góc phố Phan Huy Chú mua nốt những tờ báo Tết ra muộn, thế là với tôi, mọi thứ cho Tết Nguyên đán hầu như đã xong. Giờ chỉ còn hai việc: một là lên Hàng Lược chọn thêm một cành đào bích, và một nữa, đến nhà ông bạn già ở phố Phó Đức Chính rước mấy giò thủy tiên về trưng. Bao giờ cũng thế, với tôi, Tết rộn ràng nhất là những ngày áp Tết.

Đi trên những con đường cuối năm, không thể không chạnh lòng, bởi dường như vẫn còn nhiều người vội vàng quá. Cũng phải thôi, nếu chưa đến tuổi hưu như tôi thì ai nấy đều còn bươn bả lo toan. Người thì công xá nợ nần, người thì lo giá cả tăng cao, kẻ lại tất bật lo vé tàu, vé xe, cũng có người còn thắt lòng chờ đợi món tiền thưởng Tết vẫn còn trong vòng bí mật, nhẩm tính xem khoản nào tiêu, khoản nào biếu, trong khi có rất nhiều người mong hoàn thành sớm công việc để khởi hành chuyến du lịch xuân đến những miền đất xa xôi. Trời vẫn lạnh, gió vẫn thổi ào ào làm dạt về ria đường những thoi vàng trắng đỏ người sống tiễn người thân về với cõi âm. Bao giờ cũng thế, cứ vào dịp cuối năm, người già, người yếu cũng bỏ chúng ta đi nhiều hơn. Tại thời tiết, tại năm hết hay tại lộc trời đã tận, cũng không biết nữa. Chỉ biết, nhìn những hình ảnh ấy, về cuối năm, lòng người cứ thấy bồi hồi, mang mang với nhiều nhớ nhung, hoài niệm.

Chưa kịp chọn chỗ cắm cành đào ưng ý, bà vợ tôi đã nhìn chồng đầy khẩn khoản:

- Ông cứ như trẻ con, chờ Tết đến là... chạy rông. Mai ở nhà giúp tôi dọn nhà nhé. Năm nay, cô Thắm về quê sớm.

Thắm là cô giúp việc theo giờ của nhà tôi. Tuần vài buổi, cô đến lau nhà dọn cửa, làm những việc vặt mà đôi tay, đôi chân già không còn thuần thục nữa. Chưa kịp sắp xếp công việc, thì đứa con dâu đã nói trong điện thoại:

- Mai ông bà sang trông cháu giúp con nhé. Cuối năm bận tít mù mà cô ôsin lại đòi về quê. Chả hiểu đình công đòi tăng thưởng tăng lương hay bận họ hàng, giỗ chạp thật.

Vợ tôi cứ chép miệng thở dài, còn tôi thì bỗng dưng bật cười. Có lẽ, ngoài những nỗi lo thắt ruột cuối năm, Hà Nội còn một nỗi lo nhiều khi... bất khả kháng mỗi dịp Tết về, đấy là những ngày... trắng “ôsin”. Cũng phải thôi, người ta đi làm ăn quanh năm, Tết đến cũng muốn về sum vầy bên chồng, bên con, gia đình, họ mạc. Những người có quê để về còn đỡ, chứ những gia đình "đóng đinh" tại Hà Nội như gia đình tôi, suốt cả tuần, thậm chí đến tận rằm tháng Giêng nai lưng tự làm tự dọn, khi mọi thứ trong nhà rối tung hết cả lên, lúc ấy mới biết, không gì sướng hơn là được trở lại nhịp sống thường ngày.

Vậy là, những ngày cuối năm của vợ chồng tôi sẽ vô cùng bận rộn ở nhà ông con trai, đánh vật với việc nhà và hai đứa cháu nội. Biết là rất vui, nhưng có nghĩa, tự do của hai vợ chồng già biến mất, và sẽ rất mệt. Nhưng tôi vẫn phải có những khoảng không gian, thời gian cho riêng mình, để chào năm cũ một cách trịnh trọng, vì tuổi già rồi, chẳng biết còn được bao nhiêu lần chào năm cũ nữa. Tôi sẽ dắt đứa cháu nội ra cầu Long Biên, xuống tận mép nước hẳn hoi, hai ông cháu tự tay thả "ông cá chép" xuống mặt nước sông Hồng chứ không phải như nhiều người đi qua cầu, cầm cả túi ni lông mấy lần chằng buộc kĩ càng, ném vèo xuống sông, bất kể cá có sống được hay không.

Và trong cái gió sắt se của sông Hồng chiều cuối năm, tôi cũng sẽ gửi lại ở đó tất cả những buồn phiền năm cũ.