Những ngành nghề"hot" trước ngưỡng cửa đại học

ANTD.VN - Hàng loạt thông tin tuyển sinh Đại học năm 2019 đang được tung ra khiến nhiều thí sinh lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với sở thích và năng lực. Thông tin từ các chuyên gia xung quanh những ngành nghề đang được đánh giá là “hot” dưới đây sẽ giúp thí sinh phần nào có cái nhìn khách quan hơn về công việc trong tương lai.

Ngành Kinh tế nóng trở lại 

Một trong những tín hiệu đáng mừng là khối ngành kinh tế sau vài năm trầm lắng thì nay đã nóng trở lại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với thí sinh năm 2019 là lựa chọn ngành đào tạo nào thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng xu hướng mới hay vẫn học những khoa ngành cơ bản. 

Trả lời thắc mắc này của thí sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, thí sinh nên tin tưởng chọn những ngành mới mở, vì chính các trường cũng đã có sự nghiên cứu nhu cầu thị trường trước khi mở ra những ngành này. Là trường chuyên đào tạo khối kinh tế, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết, thí sinh nên tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký bởi có rất nhiều chuyên ngành, hơn nữa các ngành được cho là “hot” lại chưa chắc đã phù hợp với tất cả, đặc biệt là điểm đầu vào thường sẽ rất cao. Trong khi đó, một số ngành mới mở sẽ có điểm đầu vào vừa phải, sinh viên tốt nghiệp sẽ có lợi thế về đầu ra do đây là ngành mới đào tạo, ít sự cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên GS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại lại chia sẻ góc nhìn của mình theo hướng thận trọng: “So sánh giữa ngành mới và ngành truyền thống cũng khó có thể đưa ra lời khuyên chắc chắn ngành nào sẽ chiếm ưu thế, thuận lợi và phù hợp với thí sinh. Điều này phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Việc chọn lựa chuyên ngành còn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện xét tuyển của từng trường. Đúng là kinh tế hiện đang là vấn đề nóng bỏng và liên quan chặt chẽ đến định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, mỗi ngành có điểm hay riêng, những ngành có thể hay với người này mà chưa chắc đã hay, phù hợp với người khác”. 

Thu hút sinh viên bằng các ngành có tính thực hành cao

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, không chỉ các trường ĐH thiên về ứng dụng mới chú trọng thực hành mà hiện tất cả các trường bây giờ đều phải chú trọng khâu này. Cụ thể là gắn đào tạo với hoạt động của các doanh nghiệp, thị trường lao động. Để đạt được điều đó thì ngay cả khi học lý thuyết cũng đã phải tăng cường tương tác, thảo luận, rèn giũa các kỹ năng cho sinh viên. Trường ĐH Bách khoa hiện kiên quyết chống dạy chay - PGS.TS Trần Văn Tớp trao đổi và cho biết - trường vừa đầu tư tới 40 tỉ đồng để nâng cấp, bổ sung cho khối thực hành thí nghiệm.

Cũng chung quan điểm đó, TS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa Du lịch và dịch vụ, ĐH Thủ đô Hà Nội khẳng định, mặc dù mới là năm thứ 2 tuyển sinh nhưng các chuyên ngành mới của khoa này có số lượng đầu vào khá cao và dự kiến sẽ tăng lên 500 chỉ tiêu do nhu cầu ngành du lịch, khách sạn đang rất khát nhân lực.

Khoa Văn hóa Du lịch và dịch vụ được sinh viên đặc biệt quan tâm bởi ngay từ năm thứ nhất các em đã được thực tập tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn. Sinh viên hoàn toàn có khả năng đi làm thêm bằng chính nghiệp vụ vừa được đào tạo. Hiện nhà trường chủ trương tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong giảng dạy lẫn thực hành, đáp ứng nhu cầu của cả đơn vị tuyển dụng, đơn vị đào tạo lẫn sinh viên của trường.

Với những thí sinh thích thực hành, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội thông tin thêm, tại trường thời gian đào tạo thực hành là 70%, lý thuyết chỉ 30%. Phần lý thuyết không mang tính hàn lâm mà chỉ tập trung để sinh viên có tư duy, hiểu biết, tạo thêm thuận lợi khi thực hành. Các thầy cô trong khối kỹ thuật công nghệ đều cho rằng, nếu các bạn trẻ đam mê những ngành thuộc khối này thì xác định sẽ phải cọ xát với các yêu cầu thực hành, ứng dụng.

Lợi thế có việc làm ngay khi đang học tập

Theo GS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, ngành du lịch - khách sạn đang rất “hot” bởi nhu cầu nhân lực đang rộng mở và Nhà nước cũng có những chính sách đặc biệt trong đào tạo. Vì vậy, một số trường còn có chỉ tiêu dành cho ngành này như một ngành đặc thù. Với ngành Quản trị dịch vụ du lịch của ĐH Thương mại, GS Đinh Văn Sơn cho biết sẽ chú trọng công tác đào tạo liên quan đến tổ chức các tour du lịch bởi trường ĐH Thương mại cũng đã ký nhiều hợp đồng với các tập đoàn lớn liên quan đến phát triển đào tạo. Sinh viên vào học sẽ được đào tạo 50% tại trường và 50% tại doanh nghiệp. Trong thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, các em sẽ được trả lương.

Không chỉ sinh viên đại học ngành du lịch mới đắt hàng mà sinh viên các trường nghề thuộc ngành du lịch cũng không hề kém cạnh. Ông Đỗ Văn Giang - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định đây là lĩnh vực đang được Nhà nước đặc biệt ưu tiên. Ở khối trường nghề, ngành này đang có lợi thế với mô hình đào tạo gắn với thực hành 70%, chỉ 30% dành cho lý thuyết.

Hiện nay, với hệ giáo dục nghề nghiệp, ngành đào tạo du lịch - khách sạn đang thí điểm đào tạo theo chương trình của Australia để cuối năm nay sẽ có khóa đầu tiên được cấp bằng. Ngoài ra, cũng đã có thêm chương trình đào tạo theo mô hình của Đức và học viên có thể theo học trình độ cao đẳng tại chương trình này. Khi tốt nghiệp, các em sẽ có nhiều cơ hội luân chuyển việc làm ở trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm, với 5 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực du lịch, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn riêng để các trường kết hợp với Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch có thể đào tạo tại chính doanh nghiệp. Việc đào tạo theo cơ chế đặc thù nói trên sẽ được áp dụng cách tính chỉ tiêu riêng, đáp ứng nhu cầu nhân lực đang rất rộng mở. Đặc biệt, thông tin từ các trường cho biết đến năm thứ 3, việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp không chỉ là nhu cầu của nhà trường mà còn là nhu cầu từ chính doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), thống kê từ các trường đại học cho thấy, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trung bình khoảng 86-87%, riêng với ngành sư phạm tỉ lệ này khoảng 81%. Dựa trên bản tin thị trường lao động hằng quý của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê thì số lượng người có trình độ đại học thất nghiệp ở khoảng 138.000-230.000.

Như vậy, so với hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thì tỉ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm dao động ở mức 95-97%. Riêng ngành sư phạm, từ năm 2018 đến các năm tiếp theo, việc giao chỉ tiêu còn dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương. Như vậy trong tương lai, tỉ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn tỉ lệ được các trường đang thống kê hiện nay.