Những nét đẹp trên chặng đường tìm về mùa lúa chín Tây Bắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mùa lúa chín trên vùng núi cao Tây Bắc mang vẻ đẹp dịu dàng đến thơ mộng, hòa quyện cùng mùi thơm ngào ngạt, tỏa ra từ thân cây lúa trên những thửa ruộng bậc thang, nối tiếp nhau, chạy tít tắp tới tận chân trời. Nhưng, không chỉ có lúa chín, Tây Bắc còn đẹp rực rỡ trong "chiếc áo nhiều màu sắc" khác nhau, làm níu giữ bước chân của bao kẻ lãng du. Hãy cùng khám phá những nét đẹp đặc sắc ấy trong bài dưới đây.

Đắm say hương vị ẩm thực Tây Bắc

Xôi nếp Nương tím dẻo mà không dính và được làm từ những hạt nếp Nương ngon nhất (Ảnh: VnExpress)

Xôi nếp Nương tím dẻo mà không dính và được làm từ những hạt nếp Nương ngon nhất (Ảnh: VnExpress)

Tới Tây Bắc, nhất là vào những ngày mùa lúa chín, bạn chắc chắn sẽ được thưởng thức hương vị đặc trưng của món xôi nếp Nương tím. Đây là thời điểm, xôi nếp xuất hiện nhiều nhất trong năm ở các khu chợ vùng núi. Xôi nếp Nương tím là thức quà có vị ngọt thanh, hơi bùi, dẻo mịn, không dính, có hương thơm đặc trưng của cây nếp Nương, loại cây chỉ có ở vùng cao.

Sẽ hấp dẫn và đặc biệt hơn rất nhiều, nếu bạn ăn kèm xôi với một món ăn khác của Tây Bắc, mùi vị sẽ trở nên đậm đà, mới lạ và khó quên. Tuy nhiên, để thưởng thức xôi nếp Nương chuẩn vị và thơm ngon đúng chất, bạn nên đến Tây Bắc vào mùa lúa chín. Bởi đây là lúc, lúa ở giai đoạn ngon nhất, hạt có màu trắng, to, mẩy đều, mang lại hương vị đặc trưng mà không ở đâu có được.

Ẩm thực Tây Bắc được đại diện bởi món măng đắng, giòn, càng nhai càng ngọt (Ảnh: VnExpress)

Ẩm thực Tây Bắc được đại diện bởi món măng đắng, giòn, càng nhai càng ngọt (Ảnh: VnExpress)

Khác với xôi nếp Nướng, măng đắng là thức quà xuất hiện quanh năm. Nhiều du khách sau khi đến Tây Bắc chia sẻ rằng, “chưa ăn Măng đắng là chưa thực sự đi Tây Bắc”. Bởi lẽ, nó là món ăn dân dã và không thể thiếu trong mâm cơm của mọi gia đình vùng cao. Loại măng này có vị đắng nhưng lại không khó ăn, thậm chí, nó còn hấp dẫn du khách nhờ vị ngọt ngọt, giòn giòn khác biệt. Càng nhai bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thoang thoảng nơi đầu lưỡi, vị thanh nhẹ nơi cổ họng, tạo cảm giác thật khó quên.

Món gà nướng ống tre đượm hương vị tẩm ướp bởi các loại hạt chỉ có ở vùng núi (Ảnh: VnExpress)

Món gà nướng ống tre đượm hương vị tẩm ướp bởi các loại hạt chỉ có ở vùng núi (Ảnh: VnExpress)

Gà nướng ống tre cũng là một trong những món ăn nổi tiếng mà du khách có thể thưởng thức khi tìm về mùa lúa chín Tây Bắc. Đây là món ăn đặc biệt, thể hiện kỹ thuật chế biến tinh tế, khéo léo và cách thưởng thức phong phú của các đồng bào dân tộc miền núi. Để có món gà ngon và mang đậm dấu ấn quê hương, người đầu bếp phải nghiên cứu kỹ lưỡng các công thức tẩm ướp gà riêng biệt, kết hợp với các loại gia vị như hạt dổi, mắc khén, hoa hồi, quế… Gà sau khi được nướng trong ống tre sẽ có màu vàng óng, thơm mùi lá và tre non, thịt không dai, ăn sẽ có vị cay nhẹ của các loại hạt ướp, mang đến hương vị đặc trưng của Tây Bắc.

Trang phục truyền thống đậm bản sắc

Du khách tới khám phá cảnh đẹp mùa lúa chín ở Tây Bắc, chắc chắn không thể bỏ qua nét đẹp trong trang phục truyền thống của mỗi dân tộc nơi đây. Tộc phục của những dân tộc Tây Bắc đa dạng, phong phú, mang nhiều màu sắc, là sự kết tinh của phong tục tập quán, lối sống lâu đời cùng những văn hóa dân gian của mỗi dân tộc ở vùng đất này.

Trang phục người Mông đa dạng trong màu sắc và có nhiều hoạt tiết bắt mắt (Ảnh: Báo Công thuong)

Trang phục người Mông đa dạng trong màu sắc và có nhiều hoạt tiết bắt mắt (Ảnh: Báo Công thuong)

Với người Mông, trang phục là biểu tượng của sự gắn kết hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đồng thời cũng là nơi để đánh giá tài năng, vẻ đẹp bên trong của người phụ nữ. Truyền thống xưa, mỗi bé gái Mông khi lớn lên đều được mẹ dạy những kỹ năng thêu thùa, dệt vải để có thể phụ giúp gia đình và nó dần trở thành một kỹ năng tiêu chuẩn khi về nhà chồng. Trang phục của người Mông mang những họa tiết, hoa văn cầu kỳ hình khối với màu chủ đạo thường là màu đỏ, đen, xanh...

Người phụ nữ Thái tự hào với chiếc khăn piêu của dân tộc mình (Ảnh: VnExpress)

Người phụ nữ Thái tự hào với chiếc khăn piêu của dân tộc mình (Ảnh: VnExpress)

Trang phục truyền thống của người Thái với đại diện là chiếc áo cóm, váy đen và khăn piêu đặc trưng. Tộc phục của người Thái được trang trí bởi những họa tiết đường thẳng, hình vuông, hình ô-van và hình thoi được đan xen kẽ với nhau. Đặc sắc nhất là chiếc khăn piêu, được dùng như vật làm tin giữa các đôi trai gái, quà hồi môn, quà của con dâu khi về nhà chồng hay thậm chí còn được sử dụng trong mai táng, vật đi theo người quá cố về thế giới bên kia.

Đi cùng những phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên đại ngàn, bên cạnh sự trùng điệp thơ mộng của ruộng bậc thang vàng óng trong mùa lúa chín Tây Bắc, còn là nét đẹp trong phong tục tập quán, lối sống lâu đời mà đại diện là hương vị ẩm thực, trang phục truyền thống được xây dựng bởi con người vùng cao. Những vẻ đẹp này hòa quyện với nhau, tạo ra một Tây Bắc đẹp mê hồn với những du khách đã từng có dịp được đặt chân tới, khiến ai cũng muốn quay lại nơi đây thêm một lần nữa, vào mùa lúa chín Tây Bắc hằng năm.