Những món quà đón xuân

ANTĐ - Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, hàng chục chuyến xe chở quà Tết của tòa soạn Báo An ninh Thủ đô lại hối hả lên đường đến với đồng bào nghèo trên mọi miền tổ quốc. Suốt nửa tháng qua, hàng nghìn suất quà đã theo chân các phóng viên tỏa đi khắp các nẻo đường.

Đại diện Báo ANTĐ trao quà cho người dân

Có đi theo từng chuyến hàng, trao từng gói quà tới tay bà con nghèo mới thấy còn quá nhiều người vẫn phải sống trong khổ cực. “Với người giàu, tết là dịp để cả nhà quây quần còn với người nghèo thì chỉ thêm tủi thân” - ông Ngô Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình ngậm ngùi khi cùng chúng tôi trao từng gói quà Tết tới bà con của thôn Sơn Thọ vào chiều 12-1. Khỏi phải nói người được nhận quà vui đến thế nào, không chỉ riêng các hộ nghèo mà ngay cả UBND xã cũng vui như hội khi nghe tin đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô sẽ về đây tặng 200 phần quà Tết. Cùng chúng tôi chuyển quà xuống, ông Chủ tịch cứ chộn rộn như thể chính ông cũng được tặng quà vậy: “Ái chà! Một gói mì chính, hai gói kẹo, một gói mứt, một hộp chè, hai gói thuốc lá, một chai rượu… Lại thêm cả phong bì lì xì 100 nghìn nữa. Thế này là xôm quá rồi”.

Cả trăm người dân đã tụ tập tại sân đình thôn Sơn Thọ, cho dù thời tiết đột ngột đổ cơn mưa lạnh giá. Lẫn trong đám đông náo nức ấy, cụ Đỗ Thị Gái lụi cụi chống gậy ra sân đình. Ở Sơn Thọ, cụ là hộ nghèo thuộc diện “kinh niên” - ông trưởng thôn Đỗ Minh Tuyền vừa đỡ cụ lên bậc thềm vừa tranh thủ “trích ngang” gia cảnh của cụ. Năm nay đã 82 tuổi nhưng đã lâu lắm rồi cụ Gái chẳng có khái niệm Tết là gì. Không con cái, họ hàng thân thích cũng chẳng còn, nhiều năm nay cụ Gái chỉ có duy  nhất một nguồn sống là khoản trợ cấp gần 200 nghìn đồng/tháng dành cho người nghèo cô đơn. Ngay cả căn nhà vách đất của cụ, nếu cách đây 6 năm thôn và xã không giúp thay bằng một căn nhà tình nghĩa thì nó cũng đã đổ ụp từ bao giờ. Thế nên khi nhận túi quà Tết của Báo An ninh Thủ đô, cụ vui lắm: “Các bác cho tôi nhiều thế. Chừng này thứ thì năm nay tôi ăn Tết to nhất xóm rồi”. Chúng tôi tin cụ Gái nói thật bởi ở cái tuổi 82, không nơi nương tựa, thu nhập chỉ trông vào trợ cấp thì Tết với cụ chỉ là nỗi xót xa.

Cứ tưởng nghèo như cụ Gái là cùng đường rồi, ai dè gia cảnh chị Đỗ Thị Thanh cũng thê thảm không kém. Nhà chị Thanh tổng cộng có 9 khẩu hiện vẫn phải chen chúc trong căn nhà hơn hai chục mét vuông. Năm nay mới hơn 40 tuổi, nhưng nhìn chị chẳng ai dám đoán chị dưới 60. Cơ cực, đắng cay… khiến cho người phụ nữ này quắt queo, tóc bạc quá nửa mái đầu. Một mình chị hiện phải cáng đáng một cậu con trai bị bệnh não, một cô con gái lớn nửa mê nửa tỉnh vì bệnh thần kinh, một ông chồng bị tai nạn giao thông mất sức lao động. Chưa hết bên cạnh đó còn 3 đứa cháu lít nhít trứng gà trứng vịt và một ông bố đã gần đất xa trời. Vào nhà chị Thanh, dù đông người thế nhưng cứ lạnh tanh như nhà hoang, ngay cả một tiếng gà cũng không có. Chị bảo: “Nhà nuôi được con gì em đã bán sạch để đưa cháu gái đi viện thuốc thang hết rồi. Ấy vậy mà cũng chưa đủ. Thế nên vừa rồi em lại phải đưa cháu về chứ chẳng lẽ để mấy bố con ở nhà không có người chăm sóc”. Hỏi chuyện Tết nhất, chị chỉ lặng lẽ cúi mặt vân vê gấu chiếc áo bông cũ sờn rách mà chẳng thể trả lời. Nhận túi quà của Báo An ninh Thủ đô, chị Thanh nghẹn cả giọng: “Cảm ơn các bác. Chưa bao giờ em được nhận quà Tết nhiều đến thế này. Có chừng này quà, các cháu nhà em cũng đỡ tủi thân”.

Nghe chị Thanh nói thế, ông Thắng không giấu nổi vẻ bùi ngùi: “Dân xã tôi, những hộ nghèo như thế này còn nhiều lắm. Chúng tôi chỉ mong, giá như năm nào Báo An ninh Thủ đô cũng về đây chia sẻ với bà con thì quý hóa biết bao. Chính nhờ những món quà đúng lúc, đúng chỗ như vậy là các anh đã giúp chúng tôi động viên bà con rất nhiều”.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo An ninh Thủ đô do Thượng tá An Văn Huân, Phó Tổng biên tập dẫn đầu đã phối hợp với Ban lãnh đạo Cảng Hà Nội, Công ty An Đức Thịnh, Công ty Sao Lam Sông Hồng và UBND phường Thanh Lương trao 110 suất quà tới các hộ nghèo của phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.