Những món quà đêm xa xưa của phố cổ Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau ngày Giải phóng Thủ đô 1954, Hà Nội có rất nhiều hàng quà dạo mà phần đông trong số đó là của người Hoa (chủ yếu là người Quảng Đông). Hoa kiều sinh sống bằng đủ thứ nghề và tập trung nhiều nhất trên phố Hàng Giầy, Tạ Hiện, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Ngõ Gạch… nhưng nhiều nhất vẫn là mở hàng ăn. Họ có đủ thứ quà mà người Việt chưa bao giờ nghe thấy.
Những gánh hàng quà vặt trên đường phố Hà Nội mùa Noel 1922

Những gánh hàng quà vặt trên đường phố Hà Nội mùa Noel 1922

Cũng phải nói thêm rằng, những món ăn của người Hoa được chế biến rất ngon, rất khéo, hợp với khẩu vị người Việt. Những người Hoa ở Việt Nam lâu năm có đầu óc kinh doanh, có tài chính thì mua nhà, mở hiệu cao lâu sang trọng và thuê nhiều đầu bếp giỏi để phục vụ người giàu có. Còn những người Hoa nghèo khó phải sống trong những căn nhà tồi tàn, sâu trong ngõ ngách thì vẫn tìm ra kế mưu sinh bằng cách bán những món quà bình dân, đa dạng, ngon lành và giá hợp túi tiền của tầng lớp trung lưu hay người nghèo.

Những hàng quà ấy chủ yếu là bán rong và tùy vào từng mùa mà người ta bán món gì, ví dụ như: Tào phớ, lạp xường lồ mai phàn (xôi lạp xường), lốc biểu (mía hấp), bát bảo lường xà (trà thuốc bắc), phá sang (lạc rang húng lừu)… Khi màn đêm buông xuống, phố phường đông đúc nhộn nhịp cũng là lúc những người bán rong đi khắp các ngõ ngách với những tiếng rao mà chỉ người sống lâu năm ở Hà Nội mới hiểu họ đang bán cái gì.

Xực tắc (mỳ vằn thắn)

Cứ gần nửa đêm mùa đông se lạnh sẽ xuất hiện một cậu bé chừng 12 tuổi, tay cầm 2 thanh tre bóng nhẫy dài độ 20cm, sống tre gõ vào nhau khiến âm thanh vang rất xa: “Xực tắc… Xực tắc…”. Đi dọc con phố, trước cửa vài ngôi nhà đã có người cầm bát tô đứng chờ sẵn, đó chủ yếu là mấy cô sen, đứa ở. Cậu bé nhanh như con sóc đón lấy những chiếc bát tô. Chiếc xe đẩy của chú khách bán mỳ vằn thắn đậu ngay góc phố. Ngọn đèn dầu lập lòe như đom đóm, thi thoảng ánh lửa đỏ trong bếp lóe lên rồi bốc thành những cuộn khói trắng bay theo gió.

Trong khoang xe đẩy là một thùng nhôm to đựng nước dùng đang sôi sùng sục. Chú khách chừng ngoài 30 tuổi, mặc bộ đồ đen, đầu đội mũ dạ, chăm chú thái thịt, bốc mỳ vào bát trong lúc khách đứng đợi. Chỉ vài phút sau, bát mỳ đã tỏa mùi thơm với những miếng thịt xá xíu thái mỏng trải đều trên bát, bên cạnh là vài miếng trứng vịt luộc cắt múi cau, vài miếng vằn thắn tròn bằng đầu ngón tay, cái nhân thịt băm nấm hương, màu xanh ươm của lá hẹ, cải cúc càng tôn sự hấp dẫn của bát mỳ nóng hổi tối mùa đông. Mấy hội tổ tôm, chắn, tài bàn họp thâu đêm, vào nửa khuya thường bảo đứa ở chú ý nghe tiếng lách cách từ những thanh tre vọng lại, đó là lúc chú khách bán xực tắc xuất hiện.

Thúng bánh cuốn đội đầu bán rong ở Hà Nội năm 1920

Thúng bánh cuốn đội đầu bán rong ở Hà Nội năm 1920

Chê gì chê… (bánh cuốn nóng)

Tiếng rao lanh lảnh giọng Quảng Đông lơ lớ tiếng Việt của người phụ nữ có tuổi vang giữa đêm tối. Bánh cuốn nóng là thứ quà hay được bán dạo vào tiết cuối thu. Với đôi quang gánh, một bên thúng có chiếc bếp lò đất nung lúc nào cũng đỏ lửa trên đặt xoong nhôm to, thúng bên kia có 2 ngăn. Ngăn trên là chậu men đựng bột gạo loãng. Ngăn dưới đựng các nguyên liệu làm hàng gồm: liễn thịt băm trộn hành, nấm hương, mộc nhĩ xào khô, liễn còn lại là nước chấm pha từ nhà. Cùng với đó là hơn chục chiếc đĩa Tây và chồng bát nhỏ. Chị hàng bánh cầm muôi luôn tay khoắng đều cho bột khỏi đóng cục. Chị mặc chiếc áo hoa chần bông, cài khuy Tàu, tóc ngắn đến gáy. Khi có khách gọi thì chị mới mở vung rồi múc muôi bột láng trên khuôn vải trắng căng phẳng trong xoong.

Chiếc muôi nhôm lướt đều trên lớp bột, rồi chị dùng thanh tre luồn xuống dưới miếng bánh tráng mỏng như giấy pơ-luya, nhấc nó lên đặt vào chiếc khay nhôm. Lúc này nhân bánh đã nằm gọn bên trong. Đĩa bánh cuốn lại được bổ sung thêm ruốc tôm, rau mùi, hành khô rồi đặt cạnh chén mắm lác đác những lát ớt đỏ au và hạt tiêu Bắc. Trời càng về khuya càng lạnh, đường phố vắng người qua lại, các nhà đã đóng cửa im ỉm, chỉ còn lại ánh sáng thưa thớt từ mấy căn gác hắt xuống đường qua làn mưa lây phây. Ngồi lâu mà không thấy có khách. Sốt ruột, chị bán hàng bỏ quầy rồi bước hẳn xuống đường cất cao giọng lơ lớ Quảng Đông: Chê gì chê… Chê gì chê vớ.

Gánh hàng tiết canh lòng lợn ở Hà Nội xưa

Gánh hàng tiết canh lòng lợn ở Hà Nội xưa

Cấy chúc đê… (cháo gà)

Chiếc xe thùng 4 bánh đóng bằng gỗ tạp lăn trên đường nhựa về đêm nghe ken két. Trên thùng xe khoét một lỗ tròn vừa đủ chiếc thùng nhôm có vung đậy kín. Đấy là thùng cháo gà luôn nóng rực do dưới đáy được kê bếp củi. Người ta nhìn thấy chiếc thớt gỗ nghiến rất to, nửa con gà mái tơ vàng óng đang được ông già gầy gò dùng dao phay pha thịt. Những miếng thịt gà được thái rất khéo, mỏng mà không vụn, miếng nào cũng dính tí da vàng bóng mượt. Ông hàng xếp thịt gà vào một khay nhôm ruộm vàng bắt mắt, còn lại xương quăng vào thùng cháo. Phụ bên cạnh là đứa cháu nhỏ chừng 8-9 tuổi mặt mũi tèm lem. Trời lạnh mà nó chỉ phong phanh chiếc áo sơ mi, quần vá chằng chịt. Trong lúc ông pha thịt làm hàng, thằng nhỏ lúi húi rửa mấy chiếc bát tô khách vừa ăn xong.

Chiều mùa đông, chỉ mới 6 giờ mà trời đã tối mịt, chiếc xe bán “cấy chúc” (cháo gà) đi dọc mấy con phố rồi đậu lại bên hè đường cạnh cột điện. Ánh sáng từ bóng đèn đỏ quạch hắt xuống soi rõ thằng nhỏ đang chổng mông bên xô nước đục ngầu. Nó dùng chiếc khăn rửa bát ngoáy vài ngoáy rồi nhúng sang một xô nước sạch xong là xếp vào ngăn tủ. Đang làm, ông nó dừng dao quay sang gọi: “Phoong…Phoong à”, rồi tuôn một tràng tiếng Hoa. Nó đứng dậy quyệt 2 bàn tay ướt vào quần rồi mất hút trong ngõ tối. Lúc sau đã thấy nó quay lại, tay cầm chiếc khách vừa ăn cùng một tờ bạc đưa cho ông.

Gánh phở dạo trên phố Hà Nội

Gánh phở dạo trên phố Hà Nội

Vừa lúc từ trên gác 2 gần đó có người thò cổ ra ban công “Cấy chúc… cấy chúc à… cho 2 bát 3 hào nhé”. Khách gọi bát 3 hào bao giờ cũng là khách sộp, bởi bình thường thì người ta chỉ ăn 2 hào, có khi gặp khách quê thì họ chỉ gọi bát 1 hào. Ông lão mở vung thùng cháo. Khói bốc lên gieo vào gió mùi của thứ gạo mới quyện với nước dùng ninh xương gà. Khoắng đều cháo trong thùng, rồi trước khi múc vào bát, ông bốc hành, tía tô, mùi ta thái nhỏ, đập thêm quả trứng gà xong mới rải cháo nóng lên trên. Thịt gà thái mỏng da lườn vàng óng trải đều trên mặt bát. Thằng nhỏ tất tả bê khay cháo nóng lên cho khách, xong lại bê thanh củi to ra chẻ nhỏ nhồi thêm vào bếp rồi lấy ống nứa thổi cho lửa bùng lên.

Chừng hơn 1 tiếng sau hết hàng, hai ông cháu thu dọn đồ đạc cho hết vào xe. Trong khi thằng nhỏ xách đôi thùng và khăn lau ra máy nước gần đó cọ rửa, ông già ngồi trên ghế moi hết tiền trong tạp dề ra ngồi đếm. Hết hàng sớm, 2 ông cháu có vẻ vui, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, thi thoảng lại rộ lên những tiếng cười đúng kiểu “hôm nay ra ngõ gặp may”.