Những món ăn dân dã chống ngán sau Tết

ANTD.VN - Tết vừa qua, những thịt mỡ dưa hành với bánh chưng rồi canh măng, giò xào khiến người phát ngấy, bỗng thấy thèm một món gì đó thật thanh, thật mát, thật nhiều rau xanh cho đỡ háo. Tất nhiên, ở Hà Nội mà lại là phố cổ thì tha hồ những món “chống ngấy” ngày Tết. Lại tất nhiên, ăn uống thì phải chọn hàng, chọn quán chứ không phải hàng nào cũng… ăn được.

Lan man bún riêu, bún ốc

Những món ăn dân dã chống ngán sau Tết ảnh 1

Danh sách đầu bảng của những món chống ngấy sau Tết phải kể đến là bún riêu. Năm nay, những quán bún riêu vỉa hè mà cả năm chỉ bán có 1 lần vào mấy ngày Tết với giá cắt cổ đã hết cửa. Bởi lẽ, sau độ chục năm “bị lừa” thì khách du xuân đã “khôn” ra dần. Vẫn là bún riêu nhưng phải chọn hàng quen, hàng bán quanh năm, chứ không phải đột ngột mở ra rồi hết Tết lại đột ngột biến mất.

Tất nhiên, chọn quán quen thì đương nhiên sẽ rất đông. Sáng mùng 6 Tết, hàng bún riêu trên con ngõ nhỏ Thọ Xương đông nghịt khách. Bát bún ngày thường giá 30 nghìn thì Tết vẫn bán thế. Chỉ khác nhau là phục vụ lâu hơn một chút vì đông. Hàng bún ốc trên phố Lương Ngọc Quyến trưa mùng 7 tháng Giêng ngồi chật cả vỉa hè. Chủ cửa hàng là dân phố cổ, tính tình cũng “khí chất” nên nhất định không chịu bán bún ốc kèm đủ loại thịt bò, giò… Khách quen nếu muốn ăn kiểu đó thì phải chạy ra đoạn cắt Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện mua lấy lạng thịt thăn hoặc là đế thăn, đem vào chần chín rồi đổ vào bát bún. Đế thăn giòn và mềm, ăn kèm bún ốc hợp vị hơn là thịt bò. 

Nước riêu cua hay riêu ốc buộc phải có cà chua và giấm bỗng, vị thơm và chua nhẹ của bỗng kết hợp với cà chua và nước dùng rất thanh, ngọt, lại thêm rau diếp (bây giờ thì toàn là xà lách) thái nhỏ, húng thơm, rau mùi, tía tô, rau chuối thái rối… khiến thực khách “ăn đến đâu tỉnh đến đó”.  Bún riêu, bún ốc có vài địa chỉ ăn khá được, ví dụ như hàng bún ốc ở đầu phố Đặng Dung, bún ốc đầu chợ Nguyễn Cao hoặc hàng bún ốc chỉ bán vào đầu giờ chiều ở ngõ 55 Hai Bà Trưng.

Bún riêu thì ở ngay đoạn thông từ Bát Sứ ra Bát Đàn có một hàng chỉ bán giá 20 nghìn/bát. Hàng bún riêu gần phố Gầm Cầu thì phức tạp hơn bởi  có rất nhiều các “phụ gia” đi kèm như: mọc giòn được làm từ tôm, giò, bò, đậu, trứng vịt lộn. Riêu với mọc giòn thì tạm gọi là hợp lý, chứ có  thêm trứng vịt lộn sẽ chẳng ra làm sao, bún và trứng vốn không liên quan. Người viết bài này từng được chủ quán ở đây mời ăn thử bún riêu trứng vịt lộn một lần. Tất nhiên, chỉ một lần thử cho biết chứ lần sau thì thôi, xin kiếu. Cơ bản không hợp khẩu vị.

Có một hàng bún riêu đầu năm không thể bỏ qua nữa là bún riêu Huyền ở phố Quang Trung. Trước đây, gánh bún của mẹ chị Huyền bán bên kia đường - đoạn tường rào trên phố Hai Bà Trưng. Gánh bún chỉ bán đến 9h sáng là hết. Sau chị Huyền và chồng chuyển về bên phố Quang Trung bán cả ngày. Ốc nhồi ở bún riêu Huyền là ốc nhồi quê, được lựa từng con, tất cả ốc đều “siêu to khổng lồ”, tất nhiên, giá thì cũng… rất khổng lồ.

Bún cá và những món liên quan khác

Trưa mùng 7 tháng Giêng, giữa sự ồn ào đầy cẩn trọng về dịch viêm phổi cấp, bún cá ngõ Trung Yên vẫn đông không còn một chỗ trống. Thực khách muốn không phải chờ đợi thì chỉ có nước chạy sang quán bar bên cạnh ngồi. Tất nhiên, ở đó sẽ phải gọi thêm nước uống. Khách ăn bún cá ngồi chật cả ngõ và còn đông hơn cả hàng bún ngan cách đó vài bước chân - vốn nổi danh là bún ngan chửi ở Hà Nội.

Mấy ngày Tết đi chợ, hỏi giá rau xanh, nhất là rau cần thì ai cũng giật mình với giá 60 nghìn/kg. Bún cá ngõ Trung Yên giá cả có nhỉnh hơn chút so với ngày thường. Nước dùng ở đây nấu rất trong, vị thanh thanh hơi có mùi thơm của dấm bỗng. Rau cần non, giòn, chần vừa tới. Cá rán vàng kèm thêm một chút cá được xóc với bột chiên. Chỉ có bấy nhiêu thế thôi mà hàng quán đông không thở nổi. Khách kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt. Chủ quán dù đông cũng chẳng thấy nặng lời câu nào. Ngoài bún cá, có thể gọi ăn kèm chả cá hoặc cá cuốn thịt do quán tự làm để đổi vị và khá lạ miệng. Chá cá giòn, vàng ruộm. Cá cuốn thịt thơm và ngọt đượm vị cá bao quanh. 

Hết Tết, miến lươn cũng là món được nhiều người tìm đến. So với các món phía trên thì độ “giải nhiệt” của miến lươn không bằng. Nhưng sở dĩ vẫn nhiều người tìm ăn vì đó còn là món “không có thịt”. Nước dùng dành cho miến lươn được ninh từ xương lươn, phần lọc còn lại của thịt. Ở Hà Nội cũng có kha khá các hàng miến lươn ngon. Mỡ màng nhất thì chọn miến lươn Hàng Điếu. Muốn vị thanh hơn thì chọn miến lươn Tân Tân ở Tuệ Tĩnh. Lươn giòn và béo thì miến lươn phố Nguyễn Chế Nghĩa. 

Miến lươn ở Nguyễn Chế Nghĩa bán trong một ngõ nhỏ. Trước đây, quán chỉ bán đến đúng 13h là dọn hàng, trước Tết, nghe đâu chủ quán đã thay đổi giờ giấc để bán cả chiều tối. Lươn ở đây được rán giòn và có xóc thêm chút bột chiên. Nước dùng trong, miến mềm nhưng không nát, thơm mùi hành răm. Tương ớt nhà tự làm, cay xé lưỡi.

Chưa hết “mùng” là chưa hết Tết, nhiều nhà hàng trên phố quan niệm như vậy, chính vì thế, tìm được một hàng ăn ngon ở Hà Nội những ngày sau Tết cơ bản là khó, nhưng không vì khó mà ngồi đâu ăn cũng được. Ăn đâu quen đấy, cơ bản phải hợp khẩu vị, rồi mới tính đến các chuyện khác.

Chưa hết “mùng” là chưa hết Tết, nhiều nhà hàng trên phố quan niệm như vậy, chính vì thế, tìm được một hàng ăn ngon ở Hà Nội những ngày sau Tết cơ bản là khó, nhưng không vì khó mà ngồi đâu ăn cũng được. Ăn đâu quen đấy, cơ bản phải hợp khẩu vị, rồi mới tính đến các chuyện khác.