Những mối nguy hiểm chết người hàng ngày vẫn được... thả rông

ANTD.VN - Mới đây, một em bé được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mạch không, huyết áp không, xuất huyết não, chảy máu nhiều. Theo gia đình, bé bị chó nhà nuôi - một con chó ngao Tây Tạng nặng khoảng 40kg tấn công. Và đó chỉ là một trong trường hợp đau lòng xảy ra khi chủ nuôi không lường trước được những hệ lụy của chó thả rông, của việc cho chó không đeo rọ mõm chơi với trẻ nhỏ hoặc đi ra đường. 

Những mối nguy hiểm chết người hàng ngày vẫn được... thả rông ảnh 1Chó khi đưa ra nơi công cộng cần được đeo rọ mõm và có người dắt

Chó thả rông và nhiều hệ lụy

Theo đó, ngày 14-7 vừa qua, một em bé 8 tháng tuổi (Đội Cấn, Hà Nội) bị con chó ngao Tây Tạng nặng khoảng 40kg do nhà nuôi cắn. Được biết, lúc này mẹ bé để chó chơi cùng con mà không rọ mõm. Khi nghe tiếng bé kêu, chị mới phát hiện con bị chó cắn. Người mẹ lao vào đuổi con chó và cũng bị chó cắn vào tay. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Lê Việt Khánh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé gái 8 tháng tuổi bị chó cắn nói trên. Không may, cháu bé đã tử vong sau khoảng 2 giờ cấp cứu. Gia đình đưa thi thể bé về nhà mai táng.

Cũng theo bác sĩ Lê Việt Khánh, chó ngao Tây Tạng là chó cảnh, có trọng lượng lớn, được nhiều gia đình ở Việt Nam chọn nuôi. Vì bản tính hung hãn của loài chó nên khi nuôi, gia đình phải tiêm phòng, nếu cho chó ra ngoài đường phải rọ mõm để tránh nguy hiểm cho người đi đường. Đồng thời, các gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý: hạn chế để trẻ tiếp xúc với chó, nếu bé chơi với chó phải có người lớn bên cạnh và rọ mõm chó để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng chó nhà cắn trẻ nhỏ, cắn chủ nuôi, hay chó thả rông không rọ mõm cắn người đi đường. Điển hình là trường hợp của bé M.Đ., 2 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) được gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương, bé nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, hoảng sợ do bị chó nhà cắn nát mặt, tổn thương cấu trúc cơ nghiêm trọng. Bé được gia đình băng bó tạm thời để cầm máu rồi chuyển lên bệnh viện.

Mẹ cháu M.Đ. cho biết, đây là con chó nhà nuôi vừa mới đẻ, do cháu chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn. Dù đã được tiêm phòng bệnh dại nhưng sau khi cắn trẻ, vài ngày sau con chó đã chết. Ngay sau phẫu thuật, các bác sĩ cũng đã tư vấn gia đình cho trẻ tiêm phòng dại. Còn tại TP.HCM, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 xót xa khi tiếp nhận các bệnh nhi bị chó tấn công, có bệnh nhi bị chó cắn đứt cả khí quản, có bé bị chó cắn khâu tới 200 mũi...

Phải khẳng định, người lớn không cẩn thận để trẻ bị chó cắn là một điều đáng trách, bởi trẻ sẽ phải trải qua nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần. Chó cắn để lại những vết sẹo vĩnh viễn và phải phẫu thuật tạo hình. Các bác sĩ Khoa Sọ mặt và Tạo hình phải tiến hành các bước tái tạo lại toàn bộ khuôn mặt bé bị chó cắn nát: như tạo hình góc mắt, tạo hình mũi, tạo hình môi và khoang miệng...

Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng khó tránh khỏi bị chó cắn bất ngờ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đầu tháng 3-2018 đã tiếp nhận một phụ nữ 32 tuổi, ở Tân Yên (Bắc Giang), làm nghề buôn bán thịt chó. Trước đó, chị bị một con chó cắn vào chân, sau đó chị mang con chó đã cắn mình ra làm thịt. Một tháng từ ngày bị chó cắn, chị này mới lên cơn dại. Thời điểm nhập viện, chị trong tình trạng hoảng loạn, sợ nước, sợ gió... đến tối cùng ngày thì tử vong.

Rõ ràng, những trường hợp bị chó cắn không chỉ đơn thuần là những sự cố, tai nạn thương tâm mà còn là hồi chuông cảnh báo những người nuôi chó không nên chủ quan để người với chó vô tư nô đùa.

Những mối nguy hiểm chết người hàng ngày vẫn được... thả rông ảnh 2Chó nhà cần được tiêm vaccine để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dại

Chủ nuôi cần có trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, lượng chó, mèo ở Hà Nội hiện nay có khoảng 430.000 con. Số lượng không giảm so với cùng kỳ năm trước bởi lượng người có điều kiện chăm chó mèo cảnh tương đối nhiều, nhất là ở các thị trấn, vùng đô thị chuộng “thú cưng”.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15-9-2017, nhiều chủ nuôi chó, mèo trên địa bàn TP Hà Nội đã có ý thức đưa chó, mèo đi tiêm phòng, khi đưa chó ra nơi công cộng thì chó được đeo rọ mõm và có người dắt, không cắn người xung quanh, không phóng uế ra môi trường.

Đồng thời, chính quyền các địa phương ngày càng làm tốt việc tổ chức tiêm phòng cho chó mèo đạt tỉ lệ cao, khoảng 90-95% chó, mèo ở thành phố và trên 80% ở nông thôn được tiêm vaccine. Một số nơi cũng thực hiện xử lý vi phạm hành chính chủ nuôi trong việc để chó thả rông, hay chưa chấp hành nuôi chó theo quy định, nuôi chó nhưng không đưa đi tiêm phòng...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cũng chỉ ra bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều mặt hạn chế. Nổi bật là “bài toán vô cùng khó” khi chủ nuôi chưa có ý thức chủ động đăng ký với UBND xã, phường khi nuôi chó, mèo. Chủ nuôi còn chủ quan trong việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dại cho chó.

Cụ thể, bên cạnh tiêm vaccine cho chó, chủ nuôi không được cho chó nhà tiếp xúc hoặc cắn nhau với chó thả rông, bởi có thể chó thả rông mắc bệnh dại. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, chủ nuôi không nên cho chó tiếp xúc với trẻ em, người già, người khuyết tật khi chó chưa được rọ mõm và xích cẩn thận, tránh trường hợp chó phản chủ, cắn người.

Cùng với đó, cần chăm sóc, nuôi dưỡng chó thật tốt và cần hiểu đặc tính của chó, “chó cậy gần nhà” nên có thể dữ với khách đến chơi, chó nhà có thể “ghen ăn” với các con chó khác, chó đẻ rất dữ... Ngay cả khi chó không mắc bệnh dại, thì đặc tính của chó thích gặm, cắn, nên việc đảm bảo an toàn không bao giờ là thừa.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, trường hợp chẳng may bị chó cắn, nếu xa trung tâm, người bệnh cần được rửa vết thương sạch cầm máu, sát trùng và đưa đến trung tâm y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân bị chảy máu nhiều cần nhanh chóng cầm máu.

Đảm bảo an toàn khi nuôi chó

“Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dại cho chó, bên cạnh tiêm vaccine cho chó, chủ nuôi không được cho chó nhà tiếp xúc hoặc cắn nhau với chó thả rông, bởi có thể chó thả rông mắc bệnh dại. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, chủ nuôi không nên cho chó tiếp xúc với trẻ em, người già, người khuyết tật khi chó chưa được rọ mõm và xích cẩn thận, tránh trường hợp chó phản chủ, cắn người.

Cùng với đó, cần chăm sóc, nuôi dưỡng chó thật tốt và cần hiểu đặc tính của chó, “chó cậy gần nhà” nên có thể dữ với khách đến chơi, chó nhà có thể “ghen ăn” với các con chó khác, chó đẻ rất dữ... Ngay cả khi chó không mắc bệnh dại, thì đặc tính của chó thích gặm, cắn, nên việc đảm bảo an toàn không bao giờ là thừa. Trường hợp chẳng may bị chó cắn, nếu xa trung tâm, người bệnh cần được rửa vết thương sạch cầm máu, sát trùng và đưa đến trung tâm y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân bị chảy máu nhiều cần nhanh chóng cầm máu”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội)